Sớm ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz, đấu giá 2,6 GHz đáp ứng phát triển TTDĐ

Lan Phương| 24/01/2018 15:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo một số công tác trọng tâm của Ủy ban Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) trong năm 2018, trong đó sớm ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz, tổ chức đấu giá băng tần 2,6 GHz.

Ngày 23/1/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban Tần số VTĐ lần thứ XXXI. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban; Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn chỉ đạo công tác trọng tâm trong năm 2018 của Ủy ban

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, năm 2018 và các năm tiếp theo, nhu cầu độ rộng băng thông phục vụ truy cập vô tuyến băng rộng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, do người sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh và kết nối IoT cho Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh… sẽ tăng lên nhanh chóng.

Xu hướng phát triển đó, dẫn đến yêu cầu về nghiên cứu xây dựng các quy hoạch tần số đáp ứng công nghệ hiện đại, ấn định cấp phép tần số cho các hệ thống thông tin mới tăng cao. Số lượng thiết bị VTĐ và trạm gốc thông tin di động được đưa vào sử dụng sẽ tăng vọt, kết hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm trong nhập khẩu thiết bị VTĐ, dẫn đến nguy cơ nhập khẩu và sử dụng thiết bị không phù hợp quy hoạch, nguồn gây can nhiễu tăng cao.

“Nhiệm vụ kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu và xử lý vi phạm sẽ nặng nề hơn và khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sự gia tăng số lượng thiết bị kết nối vô tuyến, đòi hỏi phải tăng cường quản lý về an toàn bức xạ VTĐ”, Bộ trưởng lưu ý.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng sự nhất trí với các đề xuất của Ủy ban và đề nghị Ủy ban trong năm 2018 cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau: Sớm ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz tạo điều kiện cho phát triển di động băng rộng; Tổ chức đấu giá băng tần 2,6 GHz sau khi được Thủ tướng phê duyệt; Đề xuất cơ chế quản lý việc sử dụng phao cứu sinh và thiết bị nhận dạng AIS; Tăng cường xử lý can nhiễu, quản lý chất lượng thiết bị và an toàn bức xạ VTĐ; Bộ TTTT nghiên cứu hướng dẫn thử nghiệm băng tần 700 MHz cho thông tin di động 4G trước khi cấp phép chính thức.

Theo Bộ trưởng, việc sớm ban hành Quy hoạch băng tần 700MHz sẽ mở đường cho Việt Nam đưa băng tần quý hiếm này vào sử dụng cho phát triển di động băng rộng. Việc tổ chức đấu giá băng tần 2,6GHz nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp thông tin di động về băng tần phục vụ phát triển di động 4G; đồng thời tạo tiền đề và các bài học kinh nghiệm để triển khai đấu giá các băng tần có giá trị cao trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thượng tướng Phan Văn Giang trao tặng Bằng khen của Ủy ban Tần số VTĐ cho 3 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2017

Những công tác nổi bật của Ủy ban trong năm 2017

Tại Hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, đơn vị thường trực của Ủy ban đã báo cáo những công tác nổi bật của Ủy ban năm 2017.

Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan

Theo Cục trưởng Đoàn Quang Hoan, tại Việt Nam, vô tuyến băng rộng di động tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp thiết bị. Đến nay, Việt Nam có gần 120 triệu thuê bao di động. Năm 2017, đã có bước phát triển mới với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800 MHz, đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành phố.

Số lượng mạng đài, thiết bị VTĐ không ngừng tăng lên, trong đó nổi lên sự gia tăng của các thiết bị công suất thấp, các thiết bị có ứng dụng sóng VTĐ. Trong đó, riêng bộ đàm là 31.108 thiết bị và 5 thiết bị đọc chỉ số công tơ điện. “Đây là những thách thức lớn trong quy hoạch, quản lý, xử lý can nhiễu”, ông Hoan nhấn mạnh.

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục triển khai giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình mặt đất tại 16 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có thêm 7 tỉnh thuộc giai đoạn III đăng ký triển khai trước thời hạn 12 tháng so với lộ trình. Đây là năm có số lượng, tỉnh, thành phố triển khai Đề án nhiều hơn các năm trước, và địa bàn có nhiều phức tạp hơn với nhiều trạm phát bù sóng truyền hình tương tự.

Cục Tần số VTĐ đã làm tốt vai trò tham mưu, điều phối, thúc đẩy việc triển khai Đề án. Kết quả là đã hoàn thành ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 16 tỉnh nhóm II từ ngày 15/8/2017 và tại 5 tỉnh nhóm III từ ngày 31/12/2017. Đây có thể nói là một năm có số tỉnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó có nhiều tỉnh có địa hình đồi núi. Đặc biệt, 5 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang thuộc nhóm III đã hoàn thành ngừng phát sóng analog trước thời hạn 12 tháng, đã góp phần thúc đẩy nhanh việc giải phóng băng tần 700 MHz để dùng cho hệ thống di động.

Năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện APEC. Đây là chuỗi sự kiện quốc tế rất quan trọng có quy mô lớn và kéo dài trong năm; có yêu cầu cao và khắt khe trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin liên lạc phục vụ các Hội nghị, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao tổ chức tại Đà Nẵng. Cụ thể, Cục đã cấp 159 tần số cho các đoàn nguyên thủ tham dự tuần lễ cấp cao APEC.

Với số lượng thiết bị lớn, mật độ dày và tần suất hoạt động cao, nguy cơ xảy ra can nhiễu rất cao, cơ quan quản lý tần số của Bộ TTTT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình diễn ra sự kiện chủ động, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các can nhiễu xảy ra đảm an toàn thông tin VTĐ trong thời gian diễn ra các hội nghị năm APEC.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sớm ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz, đấu giá 2,6 GHz đáp ứng phát triển TTDĐ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO