Bản Thín (Xuân Nha, Vân Hồ, Sơn La) là bản có nhiều diện tích đất canh tác trên đồi núi trọc và cây nông nghiệp ngắn ngày trồng trên đất dốc không hiệu quả. Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) với nắng nóng kéo dài và lượng mưa lớn trong thời gian ngắn khiến cho đất đai tại bản Thín bị xói mòn, rửa trôi, sạt lở khá nhiều trong thời gian qua.
Nhóm nông dân ứng phó BĐKH tại bản Thín đã đề xuất với Trung tâm Khuyến nông để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Cụ thể, các diện tích đồi trọc, canh tác không hiệu quả sẽ chuyển sang trồng vải thiều theo mô hình nông lâm kết hợp định hướng hữu cơ (cây vải thiều trồng xen lạc, cỏ ngọt). Cây vải giống sẽ được trung tâm hỗ trợ theo diện tích đất canh tác.
Khi vải cho thu hoạch, các hộ sẽ bán và sử dụng nguồn kinh phí đó tiếp tục hỗ trợ giống cho các hộ khác trong bản. Chính nhóm nông dân ứng phó sẽ điều phối việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều, từ đó tạo cơ chế sản xuất nhóm và hướng tới hình thành hợp tác xã. Đây là giải pháp tích cực và hiệu quả để đảm bảo từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, vừa khai thác vừa điều chỉnh kế hoạch.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này không chỉ phù hợp với định hướng chung của xã, huyện. Canh tác nông lâm kết hợp còn giúp phủ xanh cho đất, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới do khô hạn và chống xói mòn, sạt lở. Vải là một trong số ít giống cây trồng phù hợp với khí hậu nóng của bản Thín, vì vậy hứa hẹn phát triển và cho năng suất tốt.
Do diện tích vải trồng tại khu vực Tây Bắc không nhiều, sản phẩm sẽ dễ dàng tiêu thụ với giá cao. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất dốc sang trồng vải theo mô hình nông lâm kết hợp vừa đóng góp tích cực vào hoạt động phát triển các mô hình thích ứng với BĐKH, giảm thiệt hại kinh tế nếu có thiên tai, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.