Mạng xã hội hiện nay được hiểu là trang web hay nền tảng giúp con người kết nối, chia sẻ với nhau thông qua các thiết bị có kết nối internet như: điện thoại, máy tính cá nhân hay máy tính bảng,… không có sự giới hạn về độ tuổi và khoảng cách địa lý. Có rất nhiều nền tảng mạng xã hội trên internet, nhưng phổ biến nhất là Facebook, Instagram, Youtube và Tiktok, với số lượng tài khoản lớn nhất thời điểm hiện tại Theo thống kê của trang Smart Insights, đầu năm 2022, có khoảng 54,8% người dùng mạng xã hội trên toàn cầu và trung bình mỗi người dành đến 2 giờ 27 phút để sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.
Nguồn: Smart Insights
Không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội đang mang những tiện ích cho đời sống con người. Trước kia, khi việc liên lạc chủ yếu chỉ được diễn ra qua các thuê bao di động hoặc qua điện thoại cố định. Hiện nay, mặc dù vẫn còn tồn tại những phương thức liên lạc truyền thống, nhưng liên lạc qua mạng xã hội được phần lớn mọi người lựa chọn vì thao tác dễ dàng, nhanh gọn hơn. Chỉ cần ở một nơi có kết nối mạng internet và một thiết bị sẵn có, người dùng mạng xã hội có thể thực hiện các cuộc gọi thông thường hoặc có hình ảnh hay gửi tin nhắn cho người dùng khác. Đặc biệt hơn, mạng xã hội không chỉ là phương tiện liên lạc còn là nền tảng quan trọng giúp truyền tải những thông tin, kiến thức đến người dùng. Với sự phổ biến và tốc độ truyền tin nhanh, hầu hết các trang thông tin hiện nay đều thiết lập cho mình một tài khoản mạng xã hội, điển hình là Facebook và Youtube, nhằm đưa tin đến độc giả một cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên, do tính nhanh gọn và sự tiện lợi, mạng xã hội còn trở thành cơ hội cho tin giả, tin xấu độc phát tán gây hiểu lầm cho những người không may tiếp cận phải chúng khi giờ đây những trang tin giả với những thủ đoạn tinh vi có thể qua mắt được người dùng.
Thủ đoạn lan truyền tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội
Tung tin giả, tin xấu độc trong thời điểm khó khăn
Những đối tượng lợi dụng tình hình nhạy cảm, khó khăn nhất, lúc người dùng mạng xã hội dễ bị phân tán, khó phân biệt được thông tin được tiếp nhận hàng ngày, đã dùng thủ đoạn đánh tráo sự thật, lan truyền những tin đồn thất thiệt, thông tin độc hại gây hoang mang, lo sợ cho người đọc, từ đó dẫn dắt lôi kéo những đó tham gia vào quá trình chia sẻ những thông tin sai sự thật. Điển hình là trong khoảng thời gian dịch Covid 19 tại Việt Nam đang ở mức cao điểm, một số đối tượng vì thực hiện mục đích trục lợi cá nhân như để tăng sự thu hút, tăng lượt tương tác cho bài viết của mình trên Facebook đã chỉnh sửa, cắt ghép những hình ảnh kiếm được từ những bài viết trên các trang báo nước ngoài rồi viết những dòng tin xuyên tạc sự thật về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, khiến cho người đọc có tâm lý lo sợ, thậm chí còn vô tình tiếp tay cho những đối tượng đó phát tán thông tin tới những người dùng khác. Không chỉ có vậy, một số đối tượng khác còn dùng tài khoản mạng xã hội của mình để vu khống, bịa đặt, bôi nhọ các cơ quan, tổ chức tham gia công tác phòng chống dịch nhằm kích động, dẫn dắt những người đọc chia sẻ bài viết, lan truyền thông tin độc hại. Thêm vào đó, có những đối tượng còn làm giả những tài khoản mạng xã hội của những trang tin chính thống, mạo danh các cơ quan nhà nước để tuyên truyền những thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm cho người đọc.
Nguồn: Kaspersky.com
Phát tán nội dung độc hại qua tính năng phát video
Mặc dù những tính năng phát video, phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng mạng xã hội đang phát huy rất nhiều tác dụng hữu ích dành cho người dùng, tuy nhiên, đây lại là nơi để một số đối tượng có mưu đồ xấu sử dụng làm công cụ để truyền phát đi những thông tin độc hại, tác động lớn đến tâm lý người xem, đặc biệt là những thành phần còn nhỏ tuổi, dễ bị kích động. Hiện nay, không khó để bắt gặp những buổi livestream, những video được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Tiktok có nội dung độc hại như khuyến khích người xem có những hành động gây hại tới bản thân, cổ suý cho hành vi phạm pháp, phá hoại hay xúc phạm, danh dự, uy tín của người khác. Do quy định về hạn chế độ tuổi sử dụng của những nền tảng mạng xã hội hiện nay vẫn còn sơ hở nên có rất nhiều những tài khoản người dùng nhỏ tuổi có thể xem được những video hay clip có những nội dung không phù hợp, những hình ảnh mang tính bạo lực dễ ảnh hưởng đến nhận thức của những người dùng này. Ở Việt Nam, đã có vài trường hợp trẻ em học theo những video trên Youtube, treo cổ tại nhà dẫn tới tử vong. Ngoài ra, các đối tượng còn tận dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để bêu xấu, xúc phạm danh dự người khác vì lợi ích cá nhân. Những tài khoản mạng xã hội phát trực tiếp những nội dung đó thường dùng những ngôn từ tục tĩu để lăng mạ, công kích nặng nề các cá nhân hay tổ chức. Những đối tượng này còn có những lời lẽ kích động, lôi kéo số đông những người đang xem thực hiện những hành vi đó. Phần lớn trong những buổi livestream như vậy thường có rất nhiều những bình luận đến từ những tài khoản mạng xã hội thiếu bình tĩnh, suy xét đã hùa theo lăng mạ, xúc phạm uy tín danh dự đến các tổ chức, cá nhân mà những đối tượng đó đang nhắm đến. Điều này gây ra không ít những tác động xấu cho chính những người đang tiếp tay cho những đối tượng trên và những người xem khác.
Sử dụng mạng xã hội có chọn lọc, phòng và tránh tin giả, tin xấu độc
Mạng xã hội ngày càng phát triển và phổ biến hơn đến mọi thành phần trong xã hội, đi kèm với đó tin giả, tin xấu độc vẫn không ngừng tấn công người dùng mạng xã hội bằng nhiều phương thức khác nhau. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần có những biện pháp để những thông tin độc hại không có cơ hội lớn mạnh.
Đối chiếu thông tin trên mạng xã hội
Với tính lan truyền, chia sẻ nhanh những thông tin và tính năng tự động lọc tin giả, tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, buộc người dùng mạng xã hội phải có những phương pháp nhận biết những thông tin vừa tiếp nhận để có sự phân loại cần thiết. Một biện pháp được coi là hiệu quả nhất hiện nay là người dùng mạng xã hội khi thấy bất kỳ một thông tin nào đó, đặc biệt là khi được đăng tải, chia sẻ thông qua một tài khoản không phải là các trang báo chính thống, hoặc thấy có dấu hiệu giả mạo, hãy kiểm tra lại thông tin đó bằng cách tra cứu nguồn tin trên trang công cụ tìm kiếm, như Google, bing,… để tìm nguồn tin chính xác hoặc vào trực tiếp các trang tin chính thống để đối chiếu những thông tin vừa đọc được để có cách tránh xa nếu như gặp phải tin giả, tin xấu độc. Đồng thời, khuyến cáo những người xung quanh nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi chia sẻ, phát tán.
Nguồn: DW
Cảnh giác với những đường link lạ, hình ảnh và clip đính kèm với bài viết trên mạng xã hội
Có rất nhiều những bài viết truyền tải thông tin giả, độc hại có dẫn những đường link đến một trang web lạ hoặc trang web giả mạo các trang thông tin chính thống, ở đó chứa nhiều những bài viết khác có chứa nội dung bịa đặt, xuyên tạc, gây hiểu lầm. Người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng khi thấy một bài đăng của một ai đó có đình kèm những đường link này để tránh truy cập và đọc những nguồn tin sai sự thật. Bên cạnh đó, các bài viết đăng tin sai sự thật cũng có hình ảnh và clip minh hoạ nhằm làm tăng sự tin cậy, thu hút được nhiều lượt xem. Người đọc cần kiểm tra cả những hình ảnh và clip đi kèm này để biết được độ xác thực của chúng vì rất có thể những đối tượng tung tin sai sự thật đã chỉnh sửa, cắt ghép làm giả hình ảnh hoặc tự dựng nên clip để đánh lừa người xem.
Cẩn trọng với những video được đăng tải trên mạng xã hội
Tính năng phát trực tiếp, chia sẻ video trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok đang bị các đối tượng phát tán tin giả, tin xấu độc sử dụng để thực hiện mục đích của mình. Nguy hiểm hơn, khi đây cũng là nơi được rất nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay theo dõi hàng ngày vì sự hấp dẫn và dễ dàng đón nhận thông tin hơn so với những bài viết đơn thuần, vì thế, lại càng khiến cho những đối tượng tung tin giả, xấu độc ngày càng tìm đến và hoạt động. Để không bị ảnh hưởng, tác động bởi những video độc hại, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, không nóng vội khi xem, tránh bình luận, sử dụng những ngôn từ thiếu kiềm chế để không tạo điều kiện cho những đối tượng trên kích động, lôi kéo nhằm đạt được mục đích cá nhân. Người xem khi thấy chủ tài khoản mạng xã hội đang phát trực tiếp, có những lời lẽ với ý đồ công kích, bêu xấu, xúc phạm danh dự một cá nhân hay tổ chức nào đó cần thoát khỏi và cảnh báo đến những người thân, bạn bè không nên xem và có những hành động tiếp tay cho đối tượng trên. Thêm vào đó, người xem cần gửi tố cáo nội dung xấu để những đối tượng đó không thể phát tán, lan truyền rộng rãi video của mình.
Theo dõi sát sao, hướng dẫn người dùng nhỏ tuổi
Những người dùng đang ở tuổi đi học là những thành phần được những đối tượng tuyên truyền thông tin độc hại nhắm đến vì những người dùng này phần lớn chưa có kỹ năng nhận biết thông tin. Cho nên, người lớn cần theo dõi người thân nhỏ tuổi trong gia đình để hướng dẫn con em mình phòng, tránh để không bị những nội dung độc hại trên mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành động.