Sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ

TH| 26/05/2017 15:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm phổ biến các quy định của pháp luật về tên miền quốc tế tại Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan, ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Hội nghị do Trung tâm Internet Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ TTTT tổ chức. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam Trần Minh Tân, các đơn vị thuộc Bộ và đại diện một số Sở TTTT các tỉnh phía Bắc cùng một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế (TMQT) và các Nhà đăng ký tên miền.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet trong thời gian qua đã đem lại các lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tính đến cuối năm 2016 đã có 329,3 triệu tên miền được đăng ký trên thế giới, tăng 6,8% so với năm 2015. Như vậy, mức tăng trưởng này nhiều hơn mức tăng trưởng của GDP thế giới (năm 2016 là 3,1% theo Quỹ Tiền tệ quốc tế). Trong khi đó, mức tăng trưởng tại Việt Nam là 6,21%, tức là vẫn thấp hơn mức tăng trưởng của tên miền. Tuy vậy, Internet phát triển cũng đồng thời làm gia tăng các vấn đề của xã hội, đặc biệt là ngày càng xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng các website, đưa các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà Bộ TTTT đã và đang tiếp tục xử lý. Do vậy, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững xã hội thông tin, việc sử dụng TMQT tại Việt Nam cũng cần được quản lý chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: “Hiện nay, Bộ TTTT đang tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để ngày càng phù hợp hơn với việc quản lý thông tin trên thế giới cũng như trong nước. Cụ thể, dự thảo nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT đang được xem xét để bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm TMQT. Bộ TTTT cũng định hướng công tác thanh tra, kiểm tra và thực thi pháp luật đối với TMQT trong năm 2017 và trong thời gian tiếp theo”.

Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng TMQT tại Việt Nam

Tên miền Internet (cả tên miền quốc gia lẫn TMQT), ngoài ý nghĩa về dấu hiệu nhận dạng, phản ánh tên gọi, thương hiệu, dịch vụ,... đi liền với chủ thể thì về mặt kỹ thuật, tên miền Internet là công cụ để truy cập các nội dung đặt tại máy chủ được định danh bởi địa chỉ IP đi kèm theo tên miền. Trên thực tế, một số chủ thể và người dùng cho rằng có thể sử dụng TMQT để tránh được sự quản lý kiểm soát của các quy định pháp luật của Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, các chủ thể sinh sống và làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối Internet dù sử dụng tên miền quốc gia của Việt Nam “.vn” hay TMQT đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý thông tin trên mạng.

Quy định này đã được cụ thể hoá từ các văn bản quản lý cấp cao nhất là Luật (Luật CNTT) cho tới các Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ TTTT. Theo quy định tại Điều 23 Luật CNTT, các chủ thể đăng ký TMQT phải có trách nhiệm thông báo đầy đủ thông tin với Bộ TTTT trước khi tên miền được đưa vào sử dụng. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng như Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ TTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet cũng đã quy định rõ việc chủ thể tại Việt Nam có nhu cầu sử dụng TMQT phải đăng ký tại các Nhà đăng ký TMQT tại Việt Nam.

Hướng tới quản lý chặt tên miền quốc tế tại Việt Nam

Mỗi tên miền là duy nhất trên mạng Internet toàn cầu. Vì thế, tên miền đã trở thành một công cụ trao đổi thông tin và quảng bá tuyệt vợi trong thế giới kinh doanh hiện đại ngày nay. Đây là một trong những nguồn tài nguyên Internet vô cùng quý giá của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Thực tế, trong thời gian qua, các vi phạm xảy ra ở các trang mạng sử dụng TMQT có tỉ lệ cao hơn ở tên miền quốc gia ".vn". Tuy vậy, công tác xử lý vẫn chưa được quan tâm một cách phù hợp. Nếu để kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân đối giữa tên miền quốc gia và TMQT, vấn đề bảo đảm thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Vì thế, Hội nghị tập huấn lần này tập trung vào các nội dung quan trọng sau: Tình hình quản lý, sử dụng TMQT tại Việt Nam; các quy định liên quan tới tên miền; thủ tục đăng ký/trách nhiệm Nhà đăng ký TMQT; trách nhiệm chủ thể đăng ký TMQT và một số lưu ý khác; phổ biến công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm về TMQT; một số hành vi vi phạm phát luật liên quan đến tên miền và hình thức xử lý vi phạm.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết: “Chính sách quản lý tên miền của các nước khác nhau, tùy thuộc vào chính sách quản lý và nhu cầu. Tuy nhiên việc quản lý cần chặt chẽ theo quy định thống nhất, đồng thời việc cấp phát tên miền cần tuân theo quy định chung của quốc tế”. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại quan niệm cho rằng đăng ký và sử dụng TMQT tiện lợi hơn và không bị nhà nước quản lý hồ sơ, thông tin đăng ký như tên miền quốc gia. Nhằm hướng tới việc cung cấp dịch vụ tên miền quốc gia và quốc tế tiệm cận nhau, tại Việt Nam, việc quản lý TMQT được quy định cụ thể trong các văn pháp luật liên quan đến đăng ký, sử dụng TMQT, bao gồm: các Luật (Luật Viễn thông ngày 23/11//2009, Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006); Nghị định (Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013) và Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ TTTT quy định về quản lý và sử dụng tại nguyên.

Việc đăng ký và sử dụng TMQT được triển khai theo quan điểm: Tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng; Tuân thủ các quy định về quản lý Internet của Việt Nam; Có địa chỉ, đầu mối rõ ràng cho khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ và khiếu nại dịch vụ - đảm bảo quyền lợi của khách hàng; Chủ thể đăng ký, sử dụng TMQT tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý của Việt Nam. Việc quản lý này nhằm tạo một hành lang pháp lý đẩy đủ để hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các chủ thể sử dụng.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp). Tuy nhiên, tính đến ngày 16/5/2017, số lượng tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng TMQT trên Website thongbaotenmien.vn chỉ có 157.464 tên miền. Như vậy, có thể thấy rằng việc thực hiện trách nhiệm của chủ thể báo cáo còn chưa đầy đủ, hạn chế.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Internet Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở TTTT Quảng Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ thực hiện đợt Thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên Internet. Kết quả cho thấy, nhìn chung, các đối tượng bị thanh, kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sử dụng TMQT tại địa phương đã nêu đều không nắm rõ quy định của Pháp luật về việc đăng ký, sử dụng TMQT tại Việt Nam. Qua thực tiễn cung cấp thông tin của các chủ thể sử dụng TMQT cho các cơ quan CSĐT, CQ thanh tra xử lý vi phạm, Trung tâm Internet Việt Nam thấy rằng hầu như các chủ thể này đều chưa thông báo sử dụng với Bộ TTTT theo quy định.

Vì vậy, Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì TMQT nắm bắt đầy đủ các quy định quản lý, đồng thời tổ chức thực hiện đúng để vừa đảm bảo việc kinh doanh dịch vụ đúng quy định pháp luật vừa tư vấn, hỗ trợ các chủ thể đăng ký thuận lợi và tuân thủ các quy định liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh “Quý vị đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trao đổi thẳng thắn và giải đáp đầy đủ các vấn đề liên quan để tất cả mọi người cùng nắm rõ, hiểu đúng các quy định. Đồng thời, Bộ TTTT và các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng nhằm hoàn thiện các chính sách quản lý trong thời gian tới”. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT để truyền tải đầy đủ, kịp thời các thông tin, quy định đến cộng đồng sử dụng tên miền, đến mọi tổ chức, cá nhân liên quan để việc sử dụng TMQT và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" ngày càng lành mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO