Sử dụng thiết bị ICOM M-710/718 và phao EPIRB trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển

03/11/2015 21:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, thiết bị ICOM là dòng thiết bị thông tin khá phổ biến trên thị trường và được các tàu thuyền đánh bắt hải sản sử dụng rộng rãi. Thiết bị ICOM có hình thức gọn nhẹ, điều chỉnh và sử dụng khá dễ dàng so với các thiết bị thông tin cùng loại khác. Ngoài chức năng thông tin liên lạc thông thường, thiết bị ICOM còn có chức năng phát báo động cấp cứu qua gọi chọn số DSC. Thiết bị ICOM có rất nhiều loại, bài báo này xin giới thiệu thiết bị ICOM M-710/718 trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Thiết bị ICOM M-710/718

Khi tàu hoạt động trên biển, nếu gặp phải sự cố không mong muốn như: hỏng máy thả trôi, cháy nổ, có người ốm hoặc tai nạn, gặp thời tiết xấu, tàu thuyền hãy nhanh chóng gọi tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải để yêu cầu trợ giúp trên tần số 7903 kHz hoặc kênh 16VHF hoặc tần số làm việc của bất cứ đài thông tin duyên hải nào bằng thiết bị ICOM M-710 hoặc ICOM M-718 được trang bị trên tàu.

Để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp từ thiết bị ICOM 710/718 tới hệ thống đài TTDH Việt Nam để yêu cầu trợ giúp, tàu thuyền thực hiện như sau:

·- Chọn tần số 7903 kHz theo kênh đặt sẵn, sau đó, cầm micro, bóp key và sẵn sàng thực hiện cuộc gọi.

·        - Gọi ba lần tất cả các Đài Thông tin duyên hải hoặc gọi ba lần đích danh một Đài Thông tin duyên hải nào đó và xưng danh tàu mình.

Khi nhận được phản hồi từ Đài thông tin duyên hải, tàu thuyền hãy cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng sự cố của tàu mình, như: tên tàu, vị trí tàu bị nạn, thời gian bị sự cố, tính chất sự cố, số người trên tàu và yêu cầu trợ giúp. Ngoài ra, tàu thuyền cần cung cấp thêm những thông tin khác theo yêu cầu của Đài Thông tin duyên hải.

Ngay sau khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ tàu, Đài Thông tin duyên hải sẽ nhanh chóng gửi thông tin này tới cơ quan chức năng, đồng thời phát quảng bá tới các tàu thuyền hoạt động trong khu vực lân cận để yêu cầu trợ giúp cho tàu gặp nạn.

Trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố, tàu thuyền cần giữ liên lạc thường xuyên với Đài Thông tin duyên hải trên tần số 7903 kHz và báo cho Đài Thông tin duyên hải mọi thông tin cập nhật về diễn biến, tình trạng khắc phục sự cố.

Qua máy ICOM, tàu thuyền cũng có thể liên lạc với tàu thuyền trong tổ đội của mình, hoặc các tàu hoạt động gần nhất để yêu cầu trợ giúp.

http://www.vinamarine.gov.vn)

Phao cứu nạn EPIRB (Emergency Position-Indicating Radio Beacon)

         Các thiết bị vô tuyến điện báo hiệu, cứu sinh là các thiết bị được yêu cầu trang bị cho mọi phương tiện hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sự cố mang lại, đảm bảo an toàn sinh mạng cũng như phương tiện cho người đi biển. Tuy nhiên, việc quan trọng hàng đầu là các thiết bị đó phải hợp chuẩn, người đi biển phải được trang bị những kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết để khai thác chúng. Sau đây là các kiến thức cơ bản và kỹ năng khai thác Phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp EPIRB 406MHz để có thể phát huy hết hiệu quả của nó khi không may gặp nạn hay sự cố.

Một trong những điểm đặc biệt của phao 406MHz nói chung và phao EPRIB nói riêng đó là mỗi phao được thiết kế để phát đi một bức điện phao duy nhất, với các thông số nhận dạng riêng cho từng phương tiện đã được chủ phao mã hóa vào phao. Khi người bị nạn kích hoạt phao hoặc phao tự động kích hoạt trong trường hợp tàu bị chìm, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn gần nhất với vị trí tàu bị nạn sẽ nhận được một bức điện phao báo nạn qua hệ thống Cospas-Sarsat. Từ thông tin có được trong bức điện phao, họ sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu phao quốc tế để tìm kiếm thông tin chi tiết về tàu, các thiết bị vô tuyến liên lạc trên tàu và người liên hệ khẩn cấp. Nếu các thông tin này có sẵn trong cơ sở dữ liệu, tính chất báo nạn sẽ được xác định và kế hoạch cứu nạn sẽ được đưa ra ngay lập tức. Ngược lại, nếu các thông tin về phương tiện không có sẵn, đương nhiên các hành động tìm kiếm cứu nạn sẽ bị chậm trễ do khó khăn trong việc điều tra, xác minh tính chất của cuộc báo nạn. Có thể thấy việc đăng tải thông tin phương tiện lên cơ sở dữ liệu quốc tế là việc làm hết sức cần thiết, đúng theo mục đích lập ra cơ sở dữ liệu phao quốc tế của Tổ chức Cospas-Sarsat, đây là nguồn thông tin hỗ trợ rất lớn công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hiệu quả sử dụng phao EPIRB đối với người đi biển từ rất lâu đã được khẳng định trên toàn thế giới. Có rất nhiều sự kiện, do tính chất tai nạn, điều kiện thiết bị hay thời tiết không cho phép mà việc báo nạn bằng phao EPIRB là phương thức thông tin duy nhất hoặc là phương thức được tàu ưu tiên sử dụng đầu tiên. Chúng tôi xin đưa ra một sự kiện cứu nạn tàu cá vừa mới diễn ra trên thế giới để tham khảo.

Vào ngày 28/06/2013, hệ thống Cospas-Sarsat đã phát hiện một tín hiệu báo nạn từ phao EPIRP 406Mhz ở tọa độ 29 56.6N 088 03.3W, cách 42 hải lý về phía Nam Mobile, Alabama, Mỹ. Tín hiệu này ngay lập tức được chuyển đến Trung tâm Phối hợp Cứu nạn khu vực 8. Khi đó, tàu cá Yellow Kenner, với 4 thuyền viên trên tàu, đang bị nước tràn vào, tình hình nguy cấp và phao EPIRB đã được kích hoạt. Qua điều tra, xác minh thông tin phương tiện dựa vào cơ sở dữ liệu đăng ký phao, Trung tâm Phối hợp Cứu nạn khu vực 8 đã liên lạc được với chủ phương tiện và được biết tàu ra khơi với 4 thuyền viên trên tàu. Tiếp theo đó, Phân khu Mobile đã nhận được cuộc gọi từ tàu Coal Pride báo cáo có một tàu đang bị nước tràn vào, gần với vị trí mà hệ thống Sarsat đã thu được. Ngay lập tức, Trung tâm Phối hợp Cứu nạn khu vực 8 điều động tàu cứu nạn ra vị trí báo nạn ứng cứu. Khi tàu cứu nạn đến, thuyền viên tàu Yellow Kenner đã rời tàu, cả 4 thuyền viên được cứu và đưa trở về an toàn. Trong tình huống này, tàu bị nước tràn vào nhanh chóng, không thể sử dụng các thiết bị liên lạc để gọi cấp cứu, phao EPRIB là phương tiện báo hiệu duy nhất để phát tín hiệu cấp cứu. Khi tàu chìm thì phao EPIRB vẫn hoạt động và cung cấp vị trí hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Do đó, khi rời tàu, thuyền viên nên ưu tiên mang theo phao EPIRB hoặc buộc phao vào bè cứu sinh, hệ thống sẽ cập nhật vị trí của bạn dựa vào vị trí phao phát.

Từ câu chuyện của tàu Yellow Kenner cho thấy ưu điểm của phao EPIRB đó là nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Đặc biệt, phao EPIRB hoạt động tốt nhất trong môi trường nước và sử dụng nguồn pin riêng biệt, không chung với các thiết bị trên tàu, do đó có thể mang theo khi rời tàu. Tuy vậy, để phát huy tối đa ưu điểm này của phao, người sử dụng cần phải có lịch kiểm tra, bảo dưỡng phao hợp lý. Thông thường, thời gian sử dụng của pin phao 406Mhz là 5 năm hoặc có thể xem chi tiết trên thân phao. Theo các khuyến cáo từ tổ chức Cospas-Sarsat, người sử dụng nên kiểm tra phao theo các hạng mục đúng quy định, thay thế pin một cách cẩn thận đúng tiêu chuẩn của nhà sản suất để đảm bảo hoạt động và độ tin cậy của phao khi được kích hoạt. Bạn cần thay thế pin trong một số trường hợp như: pin đến hạn cần thay thế, phao đã được dùng trong một tình huống khẩn cấp hoặc phao đã từng bị kích hoạt nhầm với thời gian hoạt động hơn 2 tiếng. Phần lớn các báo động cấp cứu ban đầu từ phao EPIRB đều là giả do tính chất dễ dàng kích hoạt. Do đó, khi phao vô tình bị kích hoạt, ngay lập tức bạn hãy tắt phao và gửi đi thông báo hủy báo nạn đến Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn gần nhất bằng các phương thức liên lạc qua VHF, MF/HF hoặc qua các dịch vụ Inmarsat. Khi đó, trung tâm Cospas-Sarsat liên kết với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn sẽ gửi đi một thông báo False Alert tại vị trí phao của bạn đã kích hoạt nhầm đến toàn hệ thống Cospas-Sarsat. Trong trường hợp tàu của bạn hành trình và gặp nạn tại một vị trí khác, bạn vẫn có thể kích hoạt phao. Khi đó, hệ thống sẽ xử lý như là một cuộc báo động cấp cứu mới. Phao có thể vô tình bị kích hoạt do người sử dụng hoặc bị làm ướt khi có mưa, bão. Bạn có thể tắt phao bằng cách:

- Đưa phao ra khỏi môi trường nước, ẩm ướt và sấy khô công tắc Sea Switch, sau 8 giây phao sẽ tự động tắt.

- Nếu phao vô tình bị kích hoạt do con người (công tắc ở vị trí ON) thì có thể tắt phao bằng cách chuyển công tắc về vị trí OFF (hoặc READY).

Trong trường hợp không chắc chắn phao đã được tắt, bạn có thể thực hiện như sau: Tháo rời anten, bọc phao EPIRB lại bằng một miếng kim loại hoặc cất phao vào một thùng kim loại, kho hàng. Đồng thời, liên lạc với cơ quan tìm kiếm cứu nạn để xin hủy báo nạn tránh gây nhiễu thông tin và tổn thất không đáng có của lực lượng TKCN.

Đối với mỗi chủ tàu, dù con tàu của bạn có đi đến đâu, hành trình trên bất kỳ vùng biển nào, với những thông tin đã được đăng ký quốc tế, bạn luôn là người đồng hành gắn bó với chính con tàu của bạn, là người lãnh đạo gần gũi với chính những thuyền viên của bạn. Ngược lại, đối với những người đi biển, việc kiểm tra tình trạng phao EPIRB trước mỗi cuộc hành trình không chỉ là kiểm tra hoạt động của phao mà còn cần kiểm tra nó đã được đăng ký hay chưa? Đây là quyền lợi và cũng là hành trang an toàn nhất của bạn khi hành trình trên biển. Để biết thêm thông tin về quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng phao EPIRB 406Mhz, hãy liên lạc ngay tới số 0084 31 3822 181. Đây là số điện thoại trực canh 24/24 của Trung tâm Điều hành Thông tin Vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam, VNMCC, nơi có thể hỗ trợ tốt nhất cho người sử dung phao EPIRB nói riêng và phao Cospas-Sarsat 406 MHz  nói chung.

                                                       (Nguồn: Phòng Khai thác, Công ty VISHIPEL)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng thiết bị ICOM M-710/718 và phao EPIRB trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO