Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế đối với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đánh giá hiệu quả ưu đãi thuế định kỳ, báo cáo Quốc hội
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như Chính phủ trình. Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định liên quan đến định các khoản được trừ và không được trừ, điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số nhóm đối tượng phù hợp với bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định…
.jpg)
Về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định thời gian ưu đãi tối đa khi có thu nhập chịu thuế giúp doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư rõ ràng, đồng thời khuyến khích phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, cần quy định thêm về đánh giá hiệu quả ưu đãi thuế theo định kỳ do Chính phủ đánh giá định kỳ hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì đánh giá định kỳ đảm bảo các chính sách ưu đãi đạt hiệu quả thực chất, tránh lãng phí ngân sách, đồng thời điều chỉnh kịp thời nếu không phù hợp.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo luật đã bổ sung quy định điều kiện hưởng ưu đãi thuế rõ ràng hơn, tuy nhiên theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cần có cơ chế kiểm soát hậu kiểm rõ ràng để đảm bảo doanh nghiệp duy trì điều kiện trong suốt thời gian hưởng ưu đãi.

Do đó, dự thảo luật cần bổ sung tại Điều 18 quy định bắt buộc các doanh nghiệp đang được miễn, giảm thuế hoặc hưởng ưu đãi thuế phải chịu kiểm toán thuế định kỳ từ 3 - 5 năm/lần. Bổ sung quyền cho cơ quan thuế thu hồi ưu đãi nếu phát hiện doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện. Đồng thời, có quy định yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo hàng năm về việc duy trì điều kiện ưu đãi.
Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế đối với dự án phát triển công nghệ, chuyển đổi số
Góp ý hoàn thiện quy định thu nhập được miễn thuế, tại khoản 4 Điều 4 dự thảo luật quy định: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 03 năm".
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, quy định thời gian miễn thuế như vậy là ngắn. Thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm có thể không đủ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi, các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.

Hơn nữa, dự thảo Luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có thể không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu chứng minh hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm giảm tính tiếp cận của chính sách. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa không quá 03 năm là chưa đủ, chưa đảm bảo khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ; do vậy cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm.
Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần linh hoạt hơn
Một số đại biểu cũng quan tâm đến quy định tại Điều 17 về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Theo đó, tại khoản 1 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; khoản 2 quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.....”.
Như vậy, nếu quỹ không được sử dụng hết 70% trong 5 năm hoặc sử dụng sai mục đích, doanh nghiệp phải nộp lại thuế và lãi. Theo một số ý kiến đại biểu, yêu cầu sử dụng tối thiểu 70% quỹ trong 5 năm có thể không phù hợp với các dự án nghiên cứu và phát triển dài hạn, vốn cần thời gian để triển khai và đánh giá kết quả. Điều này có thể khiến doanh nghiệp ngần ngại trích lập quỹ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng yêu cầu sử dụng quỹ; Đồng thời, xem xét miễn hoặc giảm lãi phạt trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh được khó khăn khách quan.
Cũng quan tâm đến quy định tại khoản 1 Điều 17 của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị việc trích % thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần linh hoạt hơn, quy định “tối đa 10%” là chưa phù hợp với thực tế đối với từng loại doanh nghiệp, từng ngành nghề hoạt động; cần quy định cho phép các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp được trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là 15% thu nhập tính thuế hàng năm, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Góp ý vào khoản 2 Điều 17 dự thảo luật, đại biểu đề nghị quy định về thời hạn sử dụng Quỹ linh hoạt hơn, bởi có nhiều dự án nghiên cứu khoa học đến 10 năm hoặc 15 năm vẫn chưa thành công, ví dụ nghiên cứu, phát triển một số loại thuốc trong ngành y hoặc một số lĩnh vực về phần mềm máy tính... Vì thế, cần quy định cho phép chuyển đổi Quỹ chưa sử dụng hết vào những năm sau và không bị truy thu thuế, nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định cơ chế giám sát việc sử dụng Quỹ một cách chặt chẽ, phòng chống các trường hợp lạm dụng Quỹ để sử dụng trái nguyên tắc hoặc tham nhũng, lãng phí.
Có tiêu chí xác định doanh nghiệp có lỗ, tránh lợi dụng trốn thuế, trục lợi
Cho ý kiến vào quy định về chuyển lỗ tại Điều 16, một số đại biểu đề nghị bỏ nội dung: Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.” tại khoản 1, vì Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp bị lỗ mấy năm liên tiếp thì phải tuyên bố phá sản. Nhiều doanh nghiệp dù lỗ đến 5 hoặc 7 năm họ vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất, nên luật thuế thu nhập doanh nghiệp không thể quy định cho phép được chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm. Cơ quan thuế phải chờ khi nào doanh nghiệp có doanh thu thì họ phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, cần sửa lại là : “1. Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế".

Cũng cho ý kiến về quy định này, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện xác định doanh nghiệp có lỗ làm cơ sở để trừ vào thu nhập tính thuế, đảm bảo khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật, tránh bị lợi dụng để trốn thuế, trục lợi. Bởi, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình báo lỗ để trốn thuế nhưng việc phát hiện, xử lý rất khó khăn và không kịp thời.
Có ý kiến cho rằng, quy định thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, thực tế đối với doanh nghiệp được hưởng thuế suất 15% hay 17% tùy vào doanh thu từ 3 tỷ đến không quá 50 tỷ là chưa phù hợp với thực tế. Để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế; đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng phấn đấu cải thiện tỉnh hình kinh doanh, nên điều chỉnh thời gian chuyển lỗ phù hợp. Có như vậy, việc quy định về chuyển lỗ mới thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, đối với doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cần tăng thời gian chuyển lỗ. Tuy nhiên, tăng thời gian bao nhiêu, như thế nào, cần có nguyên tắc trong luật, sau đó Chính phủ quy định chi tiết tùy giai đoạn cụ thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, để đảm bảo tính kịp thời.

Cũng tại Phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến rà soát hệ thống chính sách ưu đãi thuế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về các khoản chi phí được trừ; ưu đãi thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập;…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu quan tâm, góp ý về quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thế, thuế suất, phương pháp tính thuế, ưu đãi thuế trong đó lưu ý phạm vi, lĩnh vực ưu đãi thuế, ưu đãi đặc biệt, ưu đãi khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển lỗ, trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Các ý kiến cũng đề cập nhiều đến nội dung miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bù trừ lãi lỗ trong hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác, các quy định về xử lý vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, áp dụng pháp luật, quy định chuyển tiếp và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, lưu ý luật cần có hiệu lực sớm từ 01/10/2025 để góp phần tăng thêm động lực và nguồn lực cho phát triển của doanh nghiệp….
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.