Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm KHCN vì sự hưng thịnh quốc gia và đóng góp cho nhân loại
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, làm khoa học công nghệ không phải vì khoa học công nghệ mà vì sự hưng thịnh quốc gia và đóng góp cho nhân loại. Việt Nam muốn trở thành cường quốc, muốn trở thành nước phát triển phải làm điều này.
Trong hai ngày 22 và 23/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ đã có hai buổi làm việc với ba đơn vị, gồm: Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (KHKT&CN), Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (KHXHNV&TN) và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.
Tham dự có các Thứ trưởng Bộ KH&CN: Phạm Đức Long, Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Bùi Hoàng Phương và Hoàng Minh.

Khẩn trương giải quyết các yêu cầu về cơ sở vật chất
Trong hai buổi làm việc, lãnh đạo ba đơn vị đã trình bày chức năng nhiệm vụ, các kế hoạch công tác, đề xuất và một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

.jpg)
.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe các trình bày, đề xuất, kiến nghị của ba đơn vị và trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi, kiến nghị của lãnh đạo, cán bộ các đơn vị về công tác tuyển dụng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế làm việc, triển khai đề tài KC, sự phối hợp công tác giữa các đơn vị…
Các đơn vị chức năng của Bộ gồm Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra Bộ… đã trao đổi các công việc liên quan theo kiến nghị của ba đơn vị.
Trước các kiến nghị của ba đơn vị, Bộ trưởng đã yêu cầu Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính khẩn trương giải quyết các công việc liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là máy tính làm việc cho các cán bộ của ba đơn vị và rà soát trong toàn Bộ KH&CN.
Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương khẩn trương kết nối các điểm cầu truyền hình trong Bộ vào một hệ thống thống nhất.
Tên gọi của các đơn vị cần ngắn gọn, nội hàm rộng
Trao đổi về tên gọi của ba đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cả ba đơn vị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của đơn vị bao quát và ngắn gọn hơn.

Cân nhắc tên gọi của đơn vị thì cần quay cái gốc, bản chất của đơn vị. Vụ KHXHNV&TN có cái gốc là nghiên cứu khoa học thì cân nhắc tên gọi là Vụ Nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là bao gồm: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng (và nghiên cứu xã hội nhân văn. Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ cũng cần nghiên cứu tên gọi ngắn gọn hơn, có thể mang tên Vụ Phát triển công nghệ. Tương tự, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia có thể mang tên là Quỹ Nghiên cứu phát triển.
Theo Bộ trưởng, muốn đi xa thì phải về gần, tư duy về cái gốc của mình. Tên gọi của các đơn vị nếu hiểu khái niệm gốc thì tên gọi sẽ ngắn gọn nhưng nội hàm sẽ rộng.
Khoa học công nghệ hướng tới đổi mới sáng tạo
Chức năng, nhiệm vụ của ba đơn vị gắn với quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học, theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với các cán bộ của ba đơn vị về tư tưởng mới trong phát triển khoa học công nghệ (KHCN).
Đầu tiên, Bộ trưởng nhấn mạnh KHCN là hướng tới đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó một phần nội hàm ĐMST là ứng dụng.
ĐMST là ai cũng có thể làm được. Phần Lan là một quốc gia đổi mới thầm lặng, học hỏi liên tục và cải tiến vi mô. Đó là một xã hội học hỏi, cải tiến liên tục, là một xã hội ĐMST toàn dân. Phần Lan cho rằng, cải tiến nhỏ từ 5 triệu người dân còn giá trị hơn phát minh từ 500 nhà khoa học, nói theo cách này thì cải tiến nhỏ từ 100 triệu người Việt Nam sẽ không kém gì từ 10.000 nhà khoa học.
Thứ hai là KHCN phải đặt trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam. Nghiên cứu phát triển lấy CĐS làm môi trường. “Môi trường này sẽ làm cho quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng dễ đi rất nhiều. Nếu làm nghiên cứu mà có dữ liệu của thế giới thì dễ hơn rất nhiều”.
KHCN ngược lại cũng phải thúc đẩy CĐS. “Coi CĐS vừa là quan hệ sản xuất, vừa là phương thức sản xuất. CĐS vừa làm KHCN nhanh hơn, ngược lại cũng làm thúc đẩy CĐS”.
Thứ ba, KHCN phải hướng đến kết quả cuối cùng là: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Tức là hướng đến đầu ra của KHCN. “Đây được xem như là một tuyên ngôn KHCN, tức là hướng tới thực tiễn nhiều hơn”, Bộ trưởng nói.
Ngoài hướng tới bao quát, Bộ trưởng cho biết KHCN còn phải hướng tới giải quyết bài toán lớn của quốc gia. Đó là tăng trưởng hai con số. Nếu không thì Việt Nam mãi mãi là nước thu nhập trung bình, mãi mãi là nước đang phát triển.
Tiếp theo, KHCN phải góp phần giúp Việt Nam làm chủ các công nghệ chiến lược. KHCN phải đóng góp 1% tăng trưởng GDP của đất nước từ nay đến năm 2030.
Thay đổi tư duy về KHCN
Bộ trưởng nhận định chung trước đây, kết quả nghiên cứu KHCN thường là bài báo, hay báo cáo nay cần phải thay đổi. “Giờ là lúc phải dùng nghiên cứu để thay đổi một cái gì đó trong cuộc sống. Nghiên cứu xã hội phải thay đổi nhận thức, nghiên cứu công nghệ phải thay đổi con số”.
Tiếp nữa là KHCN phải lấy thực tiễn làm mảnh đất để phát triển KHCN. Cùng với đó, chuyện đo được đầu ra của nghiên cứu KHCN là điều kiện kiên quyết để “thả” đầu vào.

Về sự cân bằng giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH), Bộ trưởng cho rằng cần một nhận thức mới. Đó là một nghiên cứu KHXH đóng góp cho sự phát triển của một quốc gia không kém gì KHTN. Nghiên cứu KHXH có nhiều bài toán, tạo ra sự phát triển bền vững của quốc gia.
Bộ trưởng gợi ý lĩnh vực nghiên cứu KHXH có thể xem xét nghiên cứu tác động của việc thay đổi bộ máy tới sự phát triển, nghiên cứu về phát triển đất nước dựa trên văn hóa, nghiên cứu về thay đổi cách hoạt động của Đảng trong kỷ nguyên mới, nghiên cứu về việc thực thi các nghị quyết của Đảng, nghiên cứu về thu hút người tài... “Nghiên cứu xã hội dựa trên văn hóa sẽ tác động đến cả quốc gia”.
Về chi cho nhiệm vụ KHCN, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu cơ cấu chi mới cần hướng tới DN nhiều hơn. “Hướng vào DN nhiều hơn, hướng vào nghiên cứu công nghệ để phát triển đất nước”.
“Chi cho DN làm nghiên cứu KHCN sẽ tạo ra nhiều đột phá, có cái hay là nghiên cứu của DN rất gần với cuộc sống. Theo đó, cần có sự chuyển động hướng tới việc tăng chi cho DN nghiên cứu KHCN”, Bộ trưởng trao đổi.
Bộ trưởng cho rằng cần chuyển hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản về đại học. “Đây được xem là hướng lâu dài vì các trường đại học có lực lượng nghiên cứu khoa học dồi dào”.
Tiếp theo, theo Bộ trưởng, các bài báo khoa học không nên là tiêu chí đánh giá duy nhất với các kết quả nghiên cứu. Nhà khoa học không chỉ là người có bài báo, giải thưởng mà phải có bằng sáng chế, tạo ra giá trị cao, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng cũng đề nghị cần tập trung là cơ cấu lại các công trình KH&CN cấp quốc gia (KC), bỏ những công trình chỉ mang tính hình thức, tập trung vào nhóm nghiên cứu nhỏ hơn nhưng mang tính ứng dụng. Người nghiên cứu sẽ được cấp tiếp các đề tài nghiên cứu dựa trên các kết quả nghiên cứu trước đó, trong đó có tính đến độ trễ. Khi nhà khoa học thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, thu nhập đó sẽ được giảm (miễn) thu nhập cá nhân. Các nước thường chỉ giảm 50%.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cần CĐS toàn diện công tác quản lý KHCN. Cần thúc đẩy quản lý các nhiệm vụ KHCN qua nền tảng số và ứng dụng AI.
Một quốc gia chỉ hưng thịnh khi KHCN phát triển
KHCN phát triển nhanh chưa từng có mà và được dự báo còn phát triển nhanh hơn. Có những công nghệ đột phá, phá hủy cái cũ, thay đổi cách thức cạnh tranh. Cạnh tranh công nghệ trở thành cạnh tranh chính giữa các quốc gia, thay đổi cách cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, cần phải tự cường về công nghệ. Công nghệ là không gian của người để sáng tạo.
Theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ để đất nước phát triển nhanh nhưng gốc vẫn phải là nghiên cứu cơ bản. Phải “nuôi” nghiên cứu để hướng tới sau năm 2030 khoa học cơ bản được đẩy mạnh trở lại.
“Một quốc gia chỉ hưng thịnh khi KHCN phát triển. KHCN mạnh thì quốc gia mới mạnh. Làm KHCN không phải vì KHCN mà vì sự hưng thịnh quốc gia và đóng góp cho nhân loại. Việt Nam muốn trở thành cường quốc, muốn trở thành nước phát triển phải làm điều này. Hiện đại hóa Việt Nam phải gắn chặt với KHCN, lấy KHCN là nền tảng để hiện đại hóa Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Luật KHCN 2013 đã được dự thảo sửa đổi thành Luật KHCN và ĐMST để đẩy ĐMST ngang với KHCN. “Muốn đi chặng đường dài về KHCN phải có tầm nhìn xa, trông rộng, hoạch định tương lai, tập trung vào cốt lõi, có ngắn hạn, dài hạn…”.
Hoạch định dài hạn thì là việc của Vụ KHKT&CN, theo đó, cần xây dựng chiến lược, hướng dẫn để đi đúng hướng.
Bộ trưởng chia sẻ tư tưởng quản lý khoáng đạt nhưng vẫn quay vì mấu chốt là quản lý phân cấp, phân quyền. “Thả đầu ra nhưng phải nhìn thấy được”.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị mỗi đơn vị cần làm, chứng minh tạo ra kết quả, tạo ra giá trị cho đất nước phát triển. “Năng lượng mới dựa trên nhận thức mới. Mỗi tháng, công việc của các đơn vị đều cần có kết quả”.
“Các cán bộ trong từng tổ chức nhỏ cũng như một gia đình, sáng thích đến cơ quan, chiều thích về nhà, đó là hạnh phúc lớn. Việc tạo ra sự hứng thú đó là việc của cấp trưởng đơn vị. Chúc các đơn vị biến cơ quan thành một ngôi nhà thứ hai. Hai ngôi nhà này bổ trợ chứ không đối lập nhau”, Bộ trưởng chia sẻ mong muốn./.