Truyền thông

Tại sao phải làm tốt công tác truyền thông chính sách

Hoàng Hà 08/12/2023 11:27

Ngày nay, truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng, tác động sâu rộng đến toàn bộ quá trình xây dựng chính sách bởi vai trò, chức năng của truyền thông đại chúng định hình được vấn đề công chúng quan tâm.

Nghiên cứu về khoa học chính sách và truyền thông chính sách công đã được tiến hành ở các nước từ nhiều năm. Để truyền thông chính sách hiệu quả, người làm truyền thông chính sách công cần phải tìm cách thu hút công chúng quan tâm, chú ý và hiểu về những vấn đề chính phủ đang làm và lý do tại sao phải làm. Các nhà hoạch định chính sách cần đo được sự hưởng ứng của công chúng qua những phản hồi để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện chính sách.

anh-ttcs-16.jpg

Trên thực tế, truyền thông đại chúng đóng một vai trò không thể thiếu trong việc định hình dư luận xã hội, trong đó các chính sách được phát triển. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân tìm hiểu các chính sách của chính phủ sẽ tác động, ảnh hưởng đến họ như thế nào. Ngược lại, chính phủ sẽ nhận được phản hồi từ người dân về các chính sách và chương trình mà chính phủ áp dụng. Hệ thống truyền thông hoạt động như các kênh cầu nối giữa chính phủ - Những người hoạch định chính sách và công chúng - Đối tượng thực thi các chính sách. Truyền thông đại chúng có thể thay đổi các cuộc thảo luận xung quanh cuộc tranh luận chính sách bằng cách xác định một vấn đề và sử dụng đối thoại hoặc hùng biện để thuyết phục hoặc không thuyết phục công chúng.

Truyền thông đại chúng có thể thiết lập chương trình nghị sự, nêu ra và phân tích bản chất, kết quả các vấn đề của chính sách, không những gây sự chú ý của công chúng về những vấn đề đó, mà còn đưa ra hàng loạt giải pháp chính sách khác nhau; Thu hút sự chú ý của các bên tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; Hỗ trợ, hoặc cản trở mục tiêu của việc làm ra các chính sách bằng cách có ý kiến của các chuyên gia phân tích.

Tại Việt Nam, truyền thông đại chúng luôn được coi là kênh thông tin quan trọng để đưa thông tin chính sách của Nhà nước tới người dân, từ các quyết định chính trị, các giải pháp phát triển kinh tế, đến các chính sách bảo hiểm xã hội, các vấn đề về giáo dục, y tế, môi trường... và cũng là diễn đàn quan trọng của nhân dân trong việc phản hồi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Chính vì thế, truyền thông đại chúng được coi là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân. Đơn cử như khi lấy ý kiến vào các dự thảo luật, hoặc những vấn đề về quốc kế dân sinh được thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội đều đã được các báo đưa tin, nhằm phân tích, góp ý về những vấn đề liên quan đến các dự thảo luật, các chính sách, thể hiện qua ý kiến của các lãnh đạo, các nhà kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

Truyền thông đại chúng có vai trò to lớn trong quá trình xây dựng chính sách mà những nhà hoạch định chính sách cần phải tham khảo ý kiến của công chúng thông qua báo chí, truyền thông trong mỗi giai đoạn của quy trình chính sách. Phát huy vai trò của báo chí, một chính sách ra đời sẽ đáp ứng tốt nguyện vọng của dân, nhanh chóng được thực thi có hiệu quả và ổn định khi đi vào cuộc sống. Trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, việc sử dụng truyền thông đại chúng có vai trò ở tất cả các giai đoạn, từ thông báo cho công chúng về lợi ích mà các nhóm bị tác động, ảnh hưởng của chính sách khi ban hành; Thu hút sự đóng góp của công chúng vào xây dựng nội dung chính sách; cách thức quản lý chính sách; Đánh giá hiệu quả chính sách và góp ý bổ sung, hoàn thiện chính sách.

Tác động của truyền thông đại chúng trong giai đoạn đầu xây dựng một chính sách là rất lớn. Khi truyền thông nêu ra vấn đề, sẽ gây chú ý của công chúng, lắng nghe và quan tâm đến các vấn đề của chính sách. Ở giai đoạn hình thành chính sách, truyền thông đại chúng đóng vai trò trung gian, cung cấp thông tin chính sách mới tới công chúng và truyền đạt lại các thông tin phản hồi về chính sách tới các nhà hoạch định chính sách. Nhiệm vụ của các kênh truyền thông đại chúng cũng phải nghiên cứu những vấn đề phức tạp của chính sách và giải thích chúng một cách dễ hiểu và gần gũi nhất tới công chúng.

Chính sách có được thông qua hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chính sách đó được truyền thông thế nào. Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể chỉ ra các vấn đề và đề xuấtnhững thay đổi thông qua ý kiến phản hồi của công chúng.

Khi các chính sách đã được đưa vào cuộc sống và có hiệu lực, lúc này vai trò của các kênh truyền thông đại chúng lại có nhiệm vụ giám sátviệc thực hiện, cũng như sau đó cung cấp cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách các bằng chứng về tính hiệu quả hoặc không hiệu quả của các chính sách.

Như vậy, truyền thông đại chúng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạch định đường lối, chính sách của một quốc gia. Vai trò của truyền thông đại chúng không chỉ ở bước đầu của việc xây dựng chính sách mà có vai trò xuyên suốt trong quá trình xây dựng chính sách. Một chính sách có hiệu quả là một chính sách được công chúng chấp nhận và thực thi. Do đó, những phản hồi của công chúng qua các thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp các nhà hoạch định chính sách nhận ra những điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn để điều chỉnh chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tại sao phải làm tốt công tác truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO