Tâm lý chờ “đáy” thị trường của giới đầu tư địa ốc

Hạ Vy| 30/04/2020 13:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo tìm hiểu, hiện trên thị trường BĐS rất nhiều NĐT có dòng nhàn rỗi muốn bỏ vào nhà đất nhưng chính tâm lý chờ “đáy” thị trường mới mua vào đang khiến giao dịch nhà đất trầm lắng rõ nét.

Bên cạnh việc nguồn cung khan hiếm, dịch Covid-19 còn tạo thêm đòn giáng khá lớn vào thị trường BĐS. Ở giai đoạn này, theo quan sát giao dịch nhà đất chỉ diễn ra ở một số khu vực ven hoặc tỉnh lân cận Tp.HCM, ở một vài phân khúc, còn khá nhiều khu vực giao dịch trầm lắng.

Tìm hiểu được biết, thị trường ở thời điểm này đang diễn ra tình trạng, người mua mà chủ yếu là giới đầu tư đều có tâm lý chờ “đáy” thị trường mới mua vào. Song song với trạng thái chờ này là tâm lý không biết khi nào mới là đáy để mua. Vì thế, khá nhiều NĐT có dòng tiền nhàn rỗi đều “giữ tiền” và nghe ngóng tình hình thị trường. Trong số đó không ít NĐT vẫn “sợ dịch bệnh”, không rõ tình hình dịch chừng nào mới kết thúc.

Tuy vậy, thị trường BĐS ở thời điểm này không phải là “tắt hẳn” giao dịch. Một số khu vực ven Tp.HCM như Q.9, Q.12 hay các tỉnh lân cận như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) vẫn có giao dịch lẻ tẻ. Các môi giới rao bán đất nền có sổ vẫn bán được, trong đó phần lớn là người mua ở thực. Theo các môi giới, sau giãn cách ly xã hội, người mua bắt đầu đi xem đất trở lại nhưng vẫn khá e dè, lẻ tẻ chứ không ồ ạt, trong đó một bộ phận vẫn chưa tự tin để “xuống tiền”.

Trao đổi trước đó về câu chuyện, đây có phải là thời điểm “bắt đáy” thị trường, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, thực ra khi đầu tư BĐS rất khó để biết khi nào là đáy. Mua BĐS giảm giá hoặc giá hợp lý là mua chứ rất khó bắt đáy vì đáy của thị trường thường là đã trải qua rồi chúng ta mới biết. Chẳng hạn, BĐS tăng trưởng liên tục trong 6 tháng thì 6 tháng trước được gọi là thời điểm đáy. Vì thế, nếu BĐS giảm từ 5-10% thì nên mua. Nhưng bỏ khoảng 30-50% tài chính để mua, nếu BĐS đó tiếp tục giảm 15-20% thì dùng số tiền còn lại để mua vào tiếp.

Ông Quang cho hay, hiện nay thị trường BĐS đang khó khăn, ai cũng nói “tiền mặt là vua”. Nhưng với những NĐT, đặc biệt là NĐT tài chính thì tiền mặt không thể ngồi yên được. Hiện nay đang khá nhiều người để dành tiền, 90% muốn “bắt đáy” khi thị trường BĐS khó khăn nhưng theo ông Quang, câu hỏi đặt ra là ai cũng muốn bắt đáy thì ai sẽ được đáy.

“Theo kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS, tôi nhận thấy, chỉ khoảng 5-10% NĐT chuyên nghiệp mới bắt được đáy thị trường. Tức chỉ những NĐT chuyên nghiệp (gạo cội) mới “bắt đáy” thành công còn NĐT không chuyên khó mua được”, vị chuyện gia này cho biết.

Theo ông Quang, thời điểm này, NĐT muốn “bắt đáy” hay không phải hiểu được khu vực đó giá cả đang như thế nào, số lượng cung ra thị trường nhiều hay ít. Nếu thị trường khu vực đó nguồn cung đang nhiều thì phải tiếp tục chờ, nếu nguồn cung ít chúng ta có thể quyết định.

Tiếp theo, NĐT phải hiểu rõ tính hữu dụng của BĐS đó. BĐS có thể mang để khai thác được hay không hay mua để dành. Chẳng hạn, nếu tài sản đó khai thác được, chỉ cần giảm giá khoảng 10-20% so với mức giá chúng ta mong đợi thì có thể mua vào. Còn nếu một lô đất để dành thì cần xem xét, mua lúc thị trường khó khăn cũng được, mua lúc sau cũng được. Nếu có thể thì mua “thử” một ít.

Một NĐT lâu năm tại Tp.HCM cho biết, thực tế hiện nay, tâm lý của đa số NĐT chủ yếu là “sợ dịch bệnh” vì lúc thị trường khó khăn việc bỏ tiền vào BĐS sẽ phải chấp nhận rủi ro, sinh lời thấp. Thế nên, nhiều NĐT dù có sẵn tiền nhưng vẫn cân nhắc đến độ an toàn của dòng tiền. Họ vẫn nghe ngóng, chờ đợi tín hiệu tốt lên của thị trường BĐS để “xuống tiền”. Chính điều này đã khiến suốt thời gian qua, thị trường BĐS ở hầu hết các phân khúc đều trầm lắng rõ nét. Đáng nói, ngoài những sàn BĐS giao dịch lẻ tẻ thì có những sàn “hẩm hiu” vài tháng nay, không có khách hàng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tâm lý chờ “đáy” thị trường của giới đầu tư địa ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO