Tầm quan trọng của chiến lược bảo mật API
Bảo mật API rất quan trọng, vì nó bảo vệ phần mềm ứng dụng và dịch vụ web của bạn khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài như cross-site scripting, rò rỉ dữ liệu nhạy cảm và trộm cắp trên mạng. Bảo mật API cũng nâng cao hiệu suất và độ an toàn của API và bất kỳ chương trình nào mà chúng hỗ trợ.
Vào năm 2024, các yêu cầu API chiếm 57% lưu lượng truy cập Internet động trên toàn cầu. Báo cáo quản lý và bảo mật API của Cloudflare 2024 (the Cloudflare 2024 API Security & Management Report) xác nhận rằng, API là một thành phần quan trọng trong quá trình phát triển phần mềm hiện đại. Nhưng với việc API được áp dụng ngày càng nhiều trong những năm qua thì những thách thức bảo mật liên quan cũng gia tăng.
Trong hai năm qua, 60% tổ chức đã gặp phải ít nhất một vụ vi phạm liên quan đến API. Đây là một xu hướng đáng báo động cần phải giải quyết.
Hậu quả của việc thiếu bảo mật API
Tin tặc thích khai thác API vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì chúng có thể vượt qua các biện pháp kiểm soát bảo mật và truy cập dữ liệu nhạy cảm của công ty và khách hàng một cách dễ dàng với một số tính năng nhất định.
Một sự cố gần đây liên quan đến API của nền tảng truyền thông xã hội Spoutible bị lộ công khai có thể đã dẫn đến việc những kẻ tấn công đánh cắp bí mật xác thực hai yếu tố (2FA) của người dùng, mã thông báo, đặt lại mật khẩu được mã hóa… Loại sự cố này có thể làm mất lòng tin của khách hàng và đối tác kinh doanh, dẫn đến tổn thất tài chính và mất giá trị thương hiệu.
Thông thường, bảo mật API kém cũng có thể gây ra những hệ lụy về pháp lý và quy định, gây gián đoạn hoạt động của công ty và thậm chí dẫn đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Những cuộc tấn công vào các API
Tin tặc có thể nhắm mục tiêu API thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể:
Tấn công DDoS: Là cách gửi một lượng lớn yêu cầu truy cập đến một trang web từ nhiều nguồn khác nhau cùng một lúc, với mục đích làm cho trang web không khả dụng hoặc chậm đi rất nhiều, từ đó làm cạn kiệt tài nguyên và có khả năng dẫn đến sự cố khi cuộc tấn công áp đảo cả API và hệ thống phụ trợ cung cấp dữ liệu cho API.
Tấn công Man in the Middle (MITM): Kẻ tấn công có thể nghe trộm, thậm chí chặn và kiểm soát toàn bộ quá trình giao tiếp giữa hai bên để người dùng tin rằng họ vẫn đang trực tiếp liên lạc với nhau, từ đó đánh cắp hoặc sửa đổi dữ liệu riêng tư.
Quản lý token hoặc khóa API kém: Mã token và khóa API là thông tin xác thực hợp lệ cấp quyền truy cập cho người dùng. Nếu bị xâm phạm, chúng có thể bị các tin tặc sử dụng trái phép để truy cập vào các hệ thống riêng tư.
Thông tin đăng nhập không được mã hóa: Tên người dùng và mật khẩu thường được mã hóa cứng thành các tệp cấu hình không được mã hóa, khiến chúng trở nên dễ bị đánh cắp hơn. Lợi dụng điều này, tin tặc cũng tận dụng để khai thác nhiều hơn.
Ngoài ra, những kẻ tấn công có thể thực hiện nhiều cuộc tấn công API khác như tấn công brute force; cấy mã …
Cựu trưởng nhóm sản phẩm Wib Yonathan Michaeli cho biết: “Bản chất của các API cũng làm cho các cuộc tấn công được thực hiện đơn giản hơn và gây ra hậu quả tàn khốc hơn. Không giống như cyber kill chain (một chuỗi các bước theo dõi những giai đoạn của một cuộc tấn công mạng) thông thường, bao gồm 7 giai đoạn mà kẻ tấn công phải trải qua để khai thác và xâm phạm hệ thống, các API rất dễ khai thác và rút ngắn giai đoạn từ 7 xuống còn 3 giai đoạn đơn giản là thăm dò, vũ khí hóa và khai thác. Không cần cài đặt phần mềm độc hại, giành quyền kiểm soát hệ thống hoặc hoàn thành bất kỳ hoạt động nào để lạm dụng hệ thống của bạn, với API, kẻ tấn công có thể truy cập vào một lượng lớn thông tin nhạy cảm bằng cách thực hiện các yêu cầu đơn giản".
Xây dựng kế hoạch cho chiến lược bảo mật các API
Chiến lược bảo mật API tốt là điều cần thiết đối với mọi tổ chức muốn giữ an toàn cho tài sản số của mình và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của khách hàng.
OWASP liên tục cập nhật danh sách 10 mối đe dọa bảo mật API hàng đầu. Mặc dù những người thực hiện bảo mật không được chỉ dựa vào dữ liệu này, nhưng danh sách này vẫn là một công cụ thiết yếu khi lập kế hoạch cho một chiến lược bảo mật có hiệu quả.
Việc tuân thủ khung bảo mật mạng NIST cũng là một bước cần thiết trong việc hoạch định chiến lược bảo mật API tốt. Các giai đoạn chính của quy trình an ninh mạng như xác định, bảo vệ, phát hiện, ứng phó và phục hồi cũng là một cách tiếp.
Với tư duy này, các tổ chức cần triển khai những phương pháp hay nhất về bảo mật API. Check Point đã nhấn mạnh những điều sau: Thực hiện xác thực và ủy quyền; Sử dụng mã hóa SSL/TLS; Thực hiện kiểm soát truy cập zero trust; Thường xuyên thực hiện kiểm thử bảo mật và đánh giá rủi ro; Thường xuyên cập nhật thường xuyên và kịp thời vá lỗ hổng; Liên tục theo dõi và cảnh báo các hoạt động bất thường; Sử dụng các cổng API; Sử dụng ứng dụng web và giải pháp bảo vệ API (WAAP).
Bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với dữ liệu (thông qua tính năng che, lọc và ẩn danh), quản lý điểm cuối API và bật chính sách bảo mật tự động.
Cuối cùng và quan trọng nhất, các nhóm CNTT và phát triển CNTT cần phải được giáo dục và đào tạo một cách nhất quán về các mối đe dọa mới và đang phát triển cũng như các phương pháp hay nhất về bảo mật các API. Xây dựng tính bảo mật trong các API là cách tốt nhất để đảm bảo các lỗ hổng API không trở thành những lỗ hổng bảo mật./.