Đặc thù công việc tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, những nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống dịch là người có khả năng nhiễm bệnh cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, nhiều bác sĩ, y tá đã chấp nhận vừa làm việc chiến đấu với bệnh dịch vừa cách ly người thân.
Trong số đó có James Kuo, một bác sĩ nội khoa làm việc tại bệnh viện thành phố Kirkland (Mỹ). Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, anh đã tự cách ly gia đình và tham gia vào tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh.
Dưới đây là những tâm sự và chiêm nghiệm của James về ý nghĩa của cách ly xã hội vì sức khỏe của những người thân yêu.
Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị đi làm. Quay sang vợ vẫn đang say giấc, tôi thì thầm “Anh yêu em. Tạm biệt”. Tôi không muốn nói nhiều hơn vì có thể sẽ đánh thức cô ấy. Cả đêm qua cô ấy đã mất ngủ với những đứa trẻ. Chúng tôi có hai cậu con trai, một nhóc bốn tuổi và một bé mới 13 tháng.
Nhìn vợ con ngủ ngon giấc, tôi khao khát mãnh liệt được ôm họ vào lòng. Nhưng rồi một cảm giác trống rỗng ập tới, tôi quay người vội vã đi và không biết khi nào tôi mới có thể gặp lại gia đình nhỏ của mình.
Buổi sáng hôm đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy vợ con mình cho tới nay.
Tôi làm việc tại bệnh viện ở Kirkland, nơi đang được xem là điểm nóng dịch Covid-19 tại bang Washington. Gần ba tuần trước, hai bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc virus SARS-nCoV-2 tại đây và một số đã tử vong. Sau đó, thành phố Kirkland trở thành tâm chấn của đợt bùng phát dịch cấp quốc gia.
Mọi chuyện như tôi và vợ dự đoán. Tôi đã tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm virus SARS-nCoV-2 từ trước khi mọi người biết tới sự tồn tại của chủng virus này ở đây. Cả hai chúng tôi đều biết rằng việc tiếp xúc mỗi ngày với bệnh nhân ở nơi làm việc khiến tôi có khả năng nhiễm bệnh rất cao bởi virus có thể lây lan qua không khí và tồn tại trên bề mặt trong nhiều ngày. Khi mà số bệnh nhân ngày càng tăng đồng nghĩa với chuyện các nhân viên y tế như tôi dễ nhiễm virus hơn bao giờ hết. Và nếu tôi bị nhiễm bệnh thì những người thân yêu tôi cũng sẽ bị đe doạ.
Vợ tôi thu dọn đồ đạc và cùng các con tới ở chung với các anh em của cô ấy. Họ có thể giúp đỡ vợ tôi, và quan trọng hơn điều này sẽ an toàn hơn việc chuyển tới ở với ông bà. Trong khi đó tôi tiếp tục làm việc và cách ly tại nhà.
Sau quãng thời gian cách ly ban đầu, tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi cũng hình thành một số thói quen để cố gắng hạn chế khả năng nhiễm bệnh. Tôi thay quần áo sau khi kết thúc ca làm việc và để tại bệnh viện. Tôi bỏ áo ngoài trước khi bước vào nhà và đi thẳng vào phòng tắm với nước nóng. Trước kia, những việc này dường như không cần thiết nhưng giờ nó là chuẩn mực.
Do số ca nhiễm liên tục tăng, tôi làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày. Tôi nói chuyện với vợ và các con qua màn hình máy tính. Chất lượng hình ảnh khá tốt, khuôn mặt của những người tôi yêu thương rất sắc nét và tràn đầy sức sống, đến nỗi tôi cảm giác rằng họ như thể đang ở ngay đây với tôi. Chúng tôi nói những lời động viên nhau: “Anh yêu em”, “Ba yêu con” rồi vẫy tay chào tạm biệt. Khi mà dịch bệnh ập tới, "tôi yêu bạn" là những gì chúng ta nói khi cô đơn hay trước những mất mát.
Một nữ đồng nghiệp của tôi đã nói "mẹ yêu con" với đứa trẻ mới sinh của cô ấy sau khi được xét nghiệm dương tính với virus SARS-nCoV-2 và phải cách ly tại nhà.
Một bác sĩ phòng cấp cứu mà tôi quen đã nói "Ba yêu cả nhà" trước khi được đặt ống thở gấp vì đã nhiễm bệnh trong quá trình làm việc.
"Anh yêu em", đó là những gì anh chồng nói với vợ khi cả hai nhập viện vì nhiễm virus SARS-nCoV-2. Họ nằm ở hai phòng cạnh nhau. Mắt họ chạm nhau khi người chồng được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt để thở máy vì tình trạng của anh đang xấu đi. Đó có thể là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau. "Anh yêu em" có thể là những lời cuối cùng họ nói với nhau.
Một người phụ nữ lớn tuổi, phổi đầy mủ viêm. Dù đang chống chọi với nỗi đau đớn nhưng khi y tá yêu cầu tăng liều thuốc để giúp bà thoải mái hơn, bà từ chối. Bà muốn dành thêm một chút thời gian với các cháu, hỏi chúng về bài tập về nhà và nói những lời yêu thương cuối "Bà yêu mấy đứa" qua màn hình điện thoại. Sống trong thời bệnh dịch, một lời tạm biệt trực tiếp trở nên thật khó khăn.
Cô con gái bà, cũng là một y tá nói với con mình rằng bà đã lên thiên đàng. Tôi muốn lại gần và dành cho cô ấy một cái ôm động viên, nhưng những rủi ro lây nhiễm đã ngăn tôi lại. Khi các đơn vị chăm sóc y tế ở đây và trên khắp đất nước đang thiếu thốn các thiết bị và nhân viên thì có thể những lời yêu thương như "tôi yêu bạn" sẽ trở thành lời tạm biệt cuối cùng.
"Con yêu bố mẹ", tôi đã nói với bố mẹ tôi sau khi bảo họ nên ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần. Tôi nói rằng có thể chúng tôi sẽ khó có thể gặp nhau trong nhiều tuần tới, thậm chí có thể nhiều tháng tới. Ba mẹ tôi đã già và mắc một số bệnh nền. Tôi thực sự lo sợ về sức khỏe của họ trước đại dịch này.
"Hãy cẩn thận. Mẹ lo cho con lắm", mẹ tôi nói.
Mẹ tôi vẫn còn nhớ khi tôi còn là một sinh viên y khoa ốm yếu sau mỗi ca trực kéo dài cả ngày liền. Hồi đó, bà là một người gác cổng tại bệnh viện nơi tôi làm việc, tự hào nhìn con trai mình chăm chỉ hướng tới ước mơ trở thành bác sĩ. Bây giờ bà ấy chỉ đơn giản là một người mẹ lo lắng cho đứa con của mình trên đầu chiến tuyến chống lại một kẻ thù vô hình.
Nói lời tạm biệt như một cách thể hiện tình yêu cũng là cách chúng ta chống lại virus này. Hiện tại, hạn chế tiếp xúc xã hội là điều chúng ta có thể làm để bảo vệ những người thân yêu dễ bị tổn thương nhất. Thật buồn khi không thể nhìn con trai nhỏ của tôi chập chững những bước đi đầu tiên nhưng tôi tự hào vì nhìn thấy gia đình mình đang khỏe mạnh.
Vượt qua dịch bệnh sẽ không dễ dàng và điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa đến. Không ai trong chúng ta chắc chắn rằng bản thân an toàn trước virus. Nhưng tôi tin rằng nói lời tạm biệt bây giờ và sau đó giữ khoảng cách là cách tốt nhất để sống sót qua dịch bệnh. Chúng ta sẽ sớm trở lại thời điểm được ôm lấy gia đình yêu thương mà không có cảm giác sợ hãi thôi.