Đến dự có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh Mã Diệu Cương cho biết, thời gian qua, báo chí TP.Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, công tác thông tin tuyên truyền của báo chí đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng, hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân Thành phố. Đây là nhân tố có ý nghĩa tích cực và quan trọng trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Báo chí đã trở thành kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo Thành phố kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp nhân dân để phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền TP. Báo chí cũng góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển, hội nhập của Thành phố; góp phần đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: VL)
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố đời sống xã hội, sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã khiến đội ngũ những người làm báo vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế, trong đó có hạn chế về đạo đức nghề nghiệp, nghĩa vụ công dân của những người làm báo.
Khẳng định đạo đức nghề nghiệp là một phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, đồng chí Mã Diệu Cương nhấn mạnh, buổi tọa đàm hôm nay sẽ trao đổi một số nội dung về đạo đức của người làm báo: nhận thức về vai trò của đạo đức nghề nghiệp người làm báo khi thông tin về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; những tiêu chí đạo đức nghề nghiệp và cách ứng xử mà người làm báo cần quan tâm khi thông tin về những vấn đề “nóng”, vấn đề “nhạy cảm”; những bất cập, hạn chế trong thực thi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo khi thông tin về vấn đề dư luận quan tâm; những vi phạm đạo đức phổ biến của người làm báo trong quá trình tác nghiệp.
Thông qua buổi tọa đàm, đội ngũ người làm báo sẽ có điều kiện trao đổi về giữ gìn đạo đức của người làm báo; nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên, hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo hướng đến một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, tạo sự tin cậy của bạn đọc.
Xu hướng “thương mại hóa” đã ảnh hưởng tới báo chí
Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” đã nhận được 64 bài tham luận cùng nhiều ý kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố, cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường có đào tạo báo chí.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố chia sẻ, trên thực tiễn hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, xu hướng “thương mại hóa” báo chí đã gây ra tác hại nhiều mặt. Không ít nhà báo chưa quan tâm đúng mực việc nâng cao kiến thức, tầm nhìn, trình độ, bản lĩnh chính trị, xem nhẹ việc đi thực tế, lấy thông tin có sẵn hoặc bị cám dỗ, tiêu cực, đưa tin sai sự thật, thiếu khách quan, trung thực. Không ít người làm báo bị vấp váp, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.
Một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Báo chí còn nặng xu hướng báo chí phanh phui nhiều hơn là khắc họa đậm nét những mô hình, điển hình và đưa ra giải pháp xây dựng. Tin bài trên các báo thường na ná như nhau, tập trung đưa nhiều hiện tượng tiêu cực, thiếu phân tích làm rõ nguyên nhân và hướng khắc phục. Vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí và của cả cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy đúng mực.
Cùng quan điểm này, tham luận của đồng chí Dương Trọng Dật, Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng chỉ ra rằng, cùng với việc phát triển của kinh tế thị trường, xu hướng thương mại hóa báo chí đang diễn ra một cách khốc liệt. Biểu hiện thương mại hóa là muôn hình muôn vẻ nhưng dễ nhận thấy là những bài báo giật gân, câu khách, chú trọng tới việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, khêu gợi, dung tục, kích thích những thị hiếu thấp kém, tầm thường. Quá trình thương mại hóa báo chí dẫn đến quá trình tầm thường hóa báo chí, còn được gọi là báo chí lá cải.
Nói về nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực này, đồng chí Dương Trọng Dật nhấn mạnh nguyên nhân khách quan quan trọng nhất chính là ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức nhà báo trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến cho những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Về nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo; thiếu kiến thức cơ bản về báo chí.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải là người gương mẫu
Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nghề nào cũng cần có tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp nhưng nghề báo đòi hỏi cao bởi tính đặc thù của công việc, bởi sự lan tỏa, ảnh hưởng xã hội nhanh, rộng và tức thời. Để có sản phẩm báo chí hay, đúng, nhanh, người làm nghề báo phải có kiến thức, tầm nhìn, lăn lộn với thực tiễn, giỏi về nghiệp vụ và có cái tâm trong sáng, biết vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Chính vì thế đạo đức nghề nghiệp người làm báo không chỉ giới hạn về phẩm chất, lối sống cá nhân, mối quan hệ với đồng nghiệp, con người trong phạm vi hẹp mà được xem xét trong mối liên quan đến lợi ích cách mạng, Tổ quốc, nhân dân. “Để trở thành nhà báo giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, trình độ chính trị, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, rèn luyện đạo đức, phong cách, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân”, đồng chí Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh:VL)
Cũng cùng quan điểm này, đồng chí Phan Hồng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gắn liền với đạo đức công dân, đạo đức làm người. Nếu nhà báo là đảng viên thì đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gắn liền với đạo đức đảng viên và sự giác ngộ lý tưởng cách mạng. Yêu nước, tôn trọng sự thật, đề cao lương tri con người và trách nhiệm công dân là nội dung cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Từ thực tế lãnh đạo, quản lý trực tiếp một số cơ quan báo chí, đồng chí Phan Hồng Chiến cho rằng, cần phải xây dựng, quản lý cơ quan báo chí ngày càng ổn định, nề nếp, kỷ cương đồng thời quan tâm thường xuyên tới công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn thể trong cơ quan báo chí. Đồng thời đạo đức nghề nghiệp của người làm báo phải được giám sát thông qua tổ chức Đảng, các đoàn thể. Thường xuyên bồi dưỡng “sức đề kháng” cho phóng viên, biên tập viên trước sự tấn công của các mặt tiêu cực xã hội, đặc biệt quan tâm tới đời sống vật chất cho phóng viên, biên tập.
Theo Thượng tá Phan Tùng Sơn, Phó Trưởng Ban đại diện phía Nam Báo Quân đội nhân dân, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cần phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động, đầy trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Đặc biệt về công tác nhân sự, không thể để tình trạng các cơ quan báo chí tự quyết trong tuyển dụng mà phải thông qua sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan chủ quản. Làm tốt điều này, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng đưa vào đội ngũ làm báo những người kém phẩm chất, năng lực, gây mất uy tín nghề báo. Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Ban Biên tập luôn phải nêu gương tích cực trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. “Vai trò của Tổng Biên tập có ảnh hưởng quyết định đến tình hình đạo đức nghề nghiệp của phóng viên, biên tập viên của tờ báo” đồng chí Phan Hồng Chiến nhấn mạnh.
Theo Đại tá Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập Báo Công an TP.Hồ Chí Minh, người Tổng Biên tập được trao cho “quyền lực” rất lớn để thực thi nhiệm vụ. Vì thế sự gương mẫu của Tổng Biên tập trong việc thực thi đạo đức báo chí là cực kỳ quan trọng. “Người Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức, hay nói cách nôm na là người “tử tế”… và trên thực tế, các phóng viên thường nhìn vào cách xử sự của Tổng Biên tập để đánh giá về quan điểm, nhận thức cũng như đạo đức báo chí của người lãnh đạo”, đồng chí Trần Trọng Dũng khẳng định.
Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu kết luận Tọa đàm (Ảnh:VL)
Phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã ghi nhận các ý kiến của các đại biểu. Theo đồng chí Thân Thị Thư, đối với các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần tăng cường xây dựng quy định cụ thể, có chế tài nghiêm minh để xử lý vi phạm; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động báo chí; xử lý nghiêm và kịp thời những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời tôn chỉ, mục đích.
Đối với các cơ quan chủ quản báo chí cần phải xác định đúng vai trò của mình, người lãnh đạo phải có sự sâu sát, nắm vững hoạt động của cơ quan báo chí để định hướng đúng. Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc lãnh đạo, quản lý toàn diện đối với đơn vị báo chí.
Đối với đội ngũ những người làm báo, cần chú trọng hơn nữa trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.../.