Doanh nghiệp số

Tăng cường R&D và chiến lược song hành của Huawei

Đào Trung Thành, Chuyên gia tư vấn Chiến lược CNTT và Chuyển đổi số 13:15 04/04/2023

Ngày 31/3/2023 vừa qua, Huawei đã chính thức công bố Báo cáo Thường niên năm 2022 trong đó ghi nhận mức doanh thu đạt 82,32 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 5,12 tỷ USD, kết thúc một năm khó khăn nhưng thành công với hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Với bối cảnh kinh tế, địa - chính trị thế giới đang có nhiều biến động, sức ép lạm phát và xu hướng thắt chặt tiền tệ đã khiến cho không chỉ hoạt động thương mại hoá mà còn là quá trình chuyển đổi số (CĐS) chậm nhịp. Theo đó, các yếu tố “phi thị trường” như siết chặt chính sách phát triển và các những thách thức từ việc hạn chế nguồn cung khiến cho hoạt động của Huawei gặp không ít khó khăn. Ông Eric xu Chủ tịch Luân phiên của Huawei chia sẻ trong phiên họp báo: "Trong năm 2022, môi trường kinh doanh bên ngoài đầy thách thức cùng các yếu tố phi thị trường tiếp tục gây thiệt hại tới hoạt động của Huawei”.

Tăng cường đầu tư vào R&D

sabrina-meng-04042023.jpg
Bà Mạnh Vãn Châu, Chủ tịch luân phiên của Huwei từ 1/4/2023

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn như vậy, Huawei vẫn tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Tổng chi phí hoạt động R&D của hãng trong 10 năm qua không ngừng gia tăng và đạt 140,55 tỷ USD.

Trong năm 2022, ngân sách đầu tư cho R&D của Huawei là 23,23 tỷ USD chiếm đến 25,1% tổng doanh thu cả năm (Hình 1). Đây cũng là mức đầu tư lớn nhất cho R&D trong lịch sử Huawei theo bà Sabrina Meng (Mạnh Vãn Châu), người trở thành chủ tịch luân phiên từ 1/4/2023 thay cho ông Eric Xu mãn nhiệm.

hinh-1_huawei-04042023.png
Hình 1: Ngân sách R&D của Huawei liên tục tăng trong 10 năm
hinh-2_hoat-dong-dau-tu-r-d-2022.png
Hình 2: Hoạt động đầu tư R&D năm 2022

Việc tích cực đầu tư của Huwei cho R&D đã đem lại số bằng sáng chế khá ấn tượng, lên đến 120.000 bằng sáng chế (patents) (Hình 2), thuộc nhóm các công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất trên thế giới (Hình 3).

Doanh thu của Huawei đến từ ba mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi: Thiết bị viễn thông (40,87 tỷ USD), giải pháp doanh nghiệp (DN) (19,16 tỷ USD) và thiết bị tiêu dùng (30,85 tỷ USD). Mảng Giải pháp DN đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, trở thành mảng chủ lực của công ty này.

Từ những chính sách của Mỹ và phương Tây trong việc hạn chế xuất khẩu công nghệ, hạn chế hoạt động thương mại với các nhà sản xuất chip toàn cầu, hay tham gia đầu tư vào một số thị trường 5G, tưởng chừng Huawei sẽ nhận nhiều tổn hại về mặt kinh tế, khi các hoạt động kinh doanh bị ứ đọng. Nhưng ngược lại, Huawei vẫn có thể vững bền trước các áp lực bên ngoài và tiếp tục tiến về phía trước như lời khẳng định của ông Eric Xu: “Vững bước giữa cơn cuồng phong này, chúng tôi vẫn luôn tiếp tục chạy đua về phía trước, nỗ lực linh hoạt làm mọi thứ trong khả năng để duy trì hoạt động kinh doanh thông suốt và phục vụ khách hàng tốt nhất”.

Một trong những lý do Huawei gặp phải sự hạn chế về mặt thị trường, có thể hiểu là do hệ thống 5G của hãng Trung Quốc này có ưu thế vượt trội và đã có sự phát triển mạnh ở khá nhiều thị trường trọng điểm của phương Tây trước đây. Nói về công nghệ nền tảng về 5G, có thể dẫn lời của Neil McRae, Giám đốc điều hành kiêm kiến trúc sư trưởng của Bristish Telecoms, phát biểu trên trang www.lightreading.com (2019): "Hiện tại chỉ có một nhà cung cấp 5G thực sự và đó là Huawei, những nhà cung cấp khác cần phải đuổi theo họ” ("there is only one true 5G supplier right now and that is Huawei, the others need to catch up).

Huawei có 26 trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới, thuê 80.000 nhà khoa học và kỹ sư dữ liệu, bao gồm một nửa lực lượng lao động toàn cầu của Huawei. Huawei sở hữu 61 tài sản trí tuệ độc quyền (chiếm 22,8% công nghệ 5G, cao nhất thế giới trong số các công ty về công nghệ 5G) phát triển các các tiêu chuẩn quốc tế Filtered-OFDM và SCMA về hiệu quả phổ và nghi thức truyền Polar Code để tối đa hóa giới hạn Shannon.

Trước đây, tác giả đã từng có dịp sang học tập, chuyển giao công nghệ vào năm 2008 ở một trong các trung tâm nghiên cứu Huawei tại Thâm Quyến. Lúc đó, chúng tôi chưa mấy ấn tượng về các thiết bị viễn thông của các hãng nhưng qua hơn 10 năm kiên trì đầu tư R&D, Huawei đã mang lại những thành tựu công nghệ đủ làm những hãng viễn thông khác phải khâm phục về sự phát triển nhanh chóng của họ. Theo nhiều báo cáo toàn cảnh bằng sáng chế được công bố bởi các bên thứ ba độc lập, hãng công nghệ từ Trung Quốc là một trong những DN dẫn đầu ngành về giá trị của các bằng sáng chế được nắm giữ, thuộc các tiêu chuẩn chính như 5G, Wi-Fi 6 và H.266.

hinh-3_ngan-sach-dau-tu-r-d.png
Hình 3 :Ngân sách đầu tư R&D của các hãng hàng đầu thế giới (Mguồn: Bloomberg)

Chiến lược song hành: CĐS và công nghệ xanh

Trong Báo cáo thường niên 2022, Huawei tiếp tục chiến lược đã thực hiện trong nhiều năm qua với hai trụ cột chính là CĐS và công nghệ xanh. CĐS hiện đang là động lực chính nhằm thay đổi triệt để cấu trúc xã hội, làm tăng hiệu quả vận hành, tiết giảm chi phí của xã hội, tổ chức, DN. Bên cạnh đó, để mang lại một một hành tinh xanh, đáng sống, Huawei cũng thực hiện đồng thời mục tiêu giảm phát thải carbon, tối ưu hóa năng lượng.

Như một phần của chiến lược "toàn cầu hóa", Huawei không ngừng thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia và khu vực. Khi thị trường phương Tây đang đi xuống do những ảnh hưởng của tình hình chiến tranh thương mại và áp dụng các biện pháp phi thị trường, Huawei vẫn tích cực đẩy mạnh bản địa hóa nhân lực và đầu tư vào thị trường bản địa và khu vực, đầu tư và thiết lập cơ sở nghiên cứu mạnh mẽ không chỉ cho riêng tại Trung Quốc mà còn là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Qua đó, Huawei đã cung cấp giải pháp mạng mới kết hợp công nghệ tiên tiến 5G, Wi-Fi 6, IoT và AI, sở hữu dung lượng gấp 10 lần so với mạng trước đó, đạt tốc độ xử lý đến 100 Gbps, đồng thời tích hợp thêm quy trình tự động hóa hệ thống vận hành cho sân bay Malaysia. Tình trạng quá tải tại sân bay Malaysia được giải quyết nhờ giải pháp mạng mới của Huawei.

Kết quả là, Huawei đã thành công triển khai dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào dài 1.035 km từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Viêng Chăn (Lào) và khai thác và vận hành thông minh tại các mỏ khoáng sản tại mỏ khai thác kali tại Lào.

Bên cạnh đó, Huawei bắt tay cùng Grand Canal Land (nhà phát triển bất động sản) tại Thái Lan để phát triển các tòa văn phòng số, mở rộng sang trung tâm mua sắm, căn hộ, khách sạn… trên khắp cả nước thông qua kết nối giải pháp 5G với hệ sinh thái kỹ thuật số nhằm xây dựng thành phố thông minh Pattaya và hỗ trợ giải pháp 5G và Ideahub để giải quyết sự mất cân bằng về nguồn lực chăm sóc sức khỏe giữa thành thị và nông thôn.

hoa-man-tq.jpeg
Hình ảnh hoa mận ở Hàng Châu (Nguồn: China Daily)

Nhìn lại cả quá trình của Huawei cùng với những dấu ấn hiện tại, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei ví von: “Hoa mận sẽ đơm trái ngọt sau cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Huawei hôm nay cũng giống như bông hoa mận”. Hy vọng, năm 2023 sẽ là năm Huawei sẽ bước qua mùa đông, và đơm quả ngọt, xứng đáng với những sự bền bỉ cũng như sự đầu tư R&D của hãng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường R&D và chiến lược song hành của Huawei
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO