Tăng cường truyền thông về thiên tai để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố

Bình Minh| 10/05/2022 16:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa ban hành công văn yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.

Tăng cường truyền thông về thiên tai để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố - Ảnh 1.

Một trận mưa lớn ngập đường thành sông tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: BM

Trong công văn gửi các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Thường trực nêu: "Trong những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa lớn phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm, gây sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp ven sông và làm 01 người chết, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân".

Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 10-11/5, Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn từ 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022 diễn ra ngày 25/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra nhận định, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. 

Thực tế, từ đầu năm đến nay có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà diễn ra từ ngày 30/3-02/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng ½ thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác PCTT và TKCN từ nay đến cuối năm cần tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người dân và cộng đồng; xác định công tác PCTT và TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ hai, tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là: Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào hoạt động PCTT và TKCN; bảo hiểm rủi ro thiên tai; đóng góp xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đồng bộ, hiệu quả.

Thứ ba, chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, trong đó (i) Lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng giao thông; (ii) điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển và (iii) Triển khai Chương trình tổng thể PCTT quốc gia, và Đề án liên quan sau khi được phê duyệt.   

Thứ tư, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai quốc gia và hệ thống chuyên dùng; lắp đặt hệ thống giám sát, theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển.

Thứ năm, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành PCTN và TKCN từ Trung ương đến cơ sở, trong đó: Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về PCTT và TKCN đảm bảo đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt và không để bị động.

Thứ sáu, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn, xác định công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng của lực lượng vũ trang, là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình"; rà soát bổ sung mua sắm trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; đa dạng các hình thức truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể; lồng ghép nội dung PCTT vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

Thứ tám, đầu tư cho công tác PCTT và TKCN là đầu tư cho phát triển bền vững, cần được quan tâm đặc biệt cùng với việc triển khai các giải pháp đa dạng hoá nguồn lực đầu tư; ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách hàng năm cho PCTT; bố trí ngân sách xử lý dứt điểm khắc phục hậu quả thiên tai, trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa bão. 

Thứ chín, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT và TKCN, tập trung vào một số nội dung: (i) Ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh, máy bay không người lái, công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai. (ii)  Hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu PCTT và (iii) Phát huy hoạt động của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường truyền thông về thiên tai để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO