Tăng năng suất nội ngành thay vì dịch chuyển cơ cấu lao động

Đức Nguyễn| 15/09/2022 09:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện năng suất lao động. Trong đó việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp đóng góp vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến nay sự đóng góp này có lẽ đã đến điểm bão hòa cho nên Việt Nam phải tìm ra cách giải mới để tăng năng suất lao động.

Năng suất lao động từng tăng nhanh nhờ chuyển dịch cơ cấu lao động

Nhìn vào số liệu thông kê, năm 2000 Việt Nam có 65,3% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến năm 2020, tỷ trọng hai phần ba thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn 37,2%, tăng thêm lao động cho lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Những năm trước lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhiều lao động nhất, đến nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5%). Con số này cũng phần nào lý giải năng suất lao động của Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%).

Còn năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019 và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Phân tích thêm yếu tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động... được phản ánh trong "Năng suất nhân tố tổng hợp" (TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động thì TFP bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Đó cũng là kết quả của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam trong những năm qua là một thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực do xuất phát điểm năng suất lao động của Việt Nam thấp.

Không thể phủ nhận quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay vẫn còn lớn. Lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, vẫn chiếm 35,3% tổng số lao động trong toàn nền kinh tế. Trong khi đó, lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,9%. Số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế, như tài chính, ngân hàng, du lịch…, có năng suất lao động cao mới chỉ chiếm 35,8%.

Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% các ngành dịch vụ, do đa số lao động trong khu vực này làm các công việc giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, kéo toàn bộ năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế xuống.

Nhận xét về năng suất lao động Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược (VESS), đánh giá năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà lại "kẹt" lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay. Không có sự tăng trưởng vượt bậc cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất lao động của khu vực tư nhân vẫn đều đặn. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia.

Năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng. Ảnh minh họa

Năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng. Ảnh minh họa

Cốt lõi là tăng năng suất nội ngành

Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy rõ năng suất lao động được đo bằng tổng hòa hai yếu tố vĩ mô và vi mô. Trong yếu tố vĩ mô nó phụ thuộc vào quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách. Còn yếu tố vi mô là quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, của chủ thể sử dụng lao động…

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết: JICA đã hỗ trợ Singapore về kinh nghiệm tăng năng suất trong giai đoạn từ 1983-1990 theo yêu cầu của Chính phủ Singapore. Kết quả đến nay năng suất lao động của Singapore đứng hàng đầu khu vực, thậm chí bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác. Kinh nghiệm của người Nhật là phải hỗ trợ người lao động "cài đặt" lại nhận thức của mình và đòi hỏi cam kết chặt chẽ từ cả 2 phía thực hiện để cải thiện năng suất lao động.

Vấn đề quan trọng là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách có hệ thống được quản lý chặt chẽ khoa học từ dạy nghề, đến đại học hoặc cao hơn phù hợp cho mọi đối tượng, lứa tuổi. Hiện Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều chương trình dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ các nước như Nhật, Australia…

Việt Nam đã, đang triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tiến bộ, theo đó cơ cấu công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế phải chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực nông lâm thuỷ sản (gia tăng những ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao).

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi cấp thiết trong nền kinh tế số

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi cấp thiết trong nền kinh tế số

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong tương lai gần, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn sang thành thị; từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang chính thức vẫn tiếp tục diễn ra, góp phần cải thiện mức tăng năng suất lao động chung. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Do đó, để thu hẹp về năng suất lao động so với các nước, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp, tức là tăng năng suất nội ngành, thay vì tăng năng suất qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành là xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, vì tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng năng suất nội ngành thay vì dịch chuyển cơ cấu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO