Đời sống xã hội

Tăng trưởng, góc nhìn từ Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023

Ngọc Hà 22/09/2023 15:55

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các chuyên gia cho rằng mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 diễn ra vào ngày 19/9/2023, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Tổng thể kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi khó khăn

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, các đại biểu đều thống nhất đánh giá tình hình thế giới mặc dù có một số tín hiệu tích cực, nhưng về tổng thể kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn.

Các động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư, sản xuất tiếp tục khó khăn. Các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng.

Đến nay, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao, dẫn tới xu hướng thắt chặt tiền tệ tiếp diễn ở nhiều nền kinh tế lớn, gây áp lực tỷ giá đối với đồng nội tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu; làm tăng chi phí tài chính, dẫn tới nguy cơ dòng vốn chảy ra ngoài như đã thấy ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực.

Nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Diễn biến hiện nay cho thấy rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản.

Xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu do tác động của một số chính sách hạn chế xuất khẩu, bất ổn địa chính trị.

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ, hạn hán diễn biến khó lường, khắc nghiệt hơn, phạm vi rộng, ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia, khu vực.

Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3% (IMF, tháng 7/2023) hoặc 2,7-2,9% (OECD, tháng 6/2023) trong các năm 2023 và 2024.

Giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam

Các diễn giả, chuyên gia trong nước, quốc tế đều đánh giá cao môi trường chính trị - kinh tế - xã hội ổn định của Việt Nam. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ về nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng cho phép, nợ xấu được kiểm soát.

Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế tuy hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 song tiếp tục đánh giá lạc quan về tiềm năng, triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Gần đây nhất, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống mức 5,8% và 5,2% (dự báo trước là 6,5% và 6,6%), vẫn nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực.

Tại Diễn đàn, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 4,9%, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Ratings đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 3 nền kinh tế dẫn đầu (cùng với Ấn Độ và Philippines) tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức trung bình giai đoạn 2023-2026 là 6,6%.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho hai quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.

Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài. Điều đó đòi hỏi phải có phương thức ra quyết định nhanh hơn, quyết liệt hơn, táo bạo hơn và việc đưa chính sách vào cuộc sống phải kịp thời hơn.

Hầu hết các chuyên gia sau khi đánh giá, nhận định về tình hình trong nước và quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 khó đạt mục tiêu đã đề ra.

Nhóm chuyên gia tham dự Diễn đàn, TS Cấn Văn Lực ngoài cùng bên trái.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%.

Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy hai động lực chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.

Đối với năm 2024 và năm 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.

Cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.

Ông Alexander Bohmer, Trưởng ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024.

Các đại biểu tại diễn đàn cho rằng, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục biện pháp tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Phối hợp chính sách hiệu quả nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và thúc đẩy tăng trưởng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo tính toán của nhóm chuyên gia được nêu tại diễn đàn, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Theo đánh giá của chuyên gia, nếu giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công là 713.000 tỷ đồng, gần gấp đôi những năm bình thường, nếu giải ngân được 95% của 713.000 tỷ đồng này sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu: Thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế./.

Bài liên quan
  • Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu
    Biến đổi khí hậu cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trở thành những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng, góc nhìn từ Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO