Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông qua nửa thế kỷ

22/08/2017 08:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Là những người đã học tập và công tác ở nước ngoài, hiểu rõ vai trò quan trọng của sách báo khoa học kỹ thuật đối với các hoạt động chuyên ngành, khi về làm việc ở Phòng Kỹ thuật Tổng cục Bưu điện, chúng tôi thấy bức bách phải xuất bản sách báo để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, sản xuất và quản lý cho ngành. Đồng chí Phạm Văn Bảy (học ở Pháp về) và tôi (Lê Đức Niệm, học ở Trung Quốc về) đã đề xuất với đồng chí Đinh Văn Khoa (cũng học ở Trung Quốc về, lúc đó là Phó Phòng Kỹ thuật Tổng cục, về sau đã làm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, rồi Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật của Tổng cục) đề nghị với Tổng cục trưởng Trần Quang Bình cho xuất bản sách và sáng lập ra Tập san Kỹ thuật Bưu điện và Truyền thanh, vì lúc đó Tổng cục đã được tách ra khỏi Bộ Giao thông – Bưu điện, thành lập Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh (quản lý luôn cả ngành Truyền thanh (hữu tuyến) và Phát thanh (vô tuyến).

Về Tập san, được chấp thuận, chúng tôi làm đề án, chuẩn bị về mặt tổ chức và điều kiện triển khai. Đồng chí Tổng cục trưởng làm chủ nhiệm, đồng chí Bảy được phân công làm Chủ bút, các kỹ sư trong Phòng theo ngành nghiên cứu và quản lý của mình, làm biên tập viên (như Đồng chí Hoàng Sước, học ở Pháp về, biên tập về vô tuyến điện, tôi biên tập về hữu tuyến điện). Về sau có thêm các đồng chí Đoàn Ngọc Chung (học về Kinh tế Bưu điện ở Trung Quốc về) phụ trách phần xuất bản kiêm biên tập về kinh tế, Đồng chí Phạm Văn Đương (học ở Liên Xô về) biên tập về truyền thanh và phát thanh, đồng chí Trần Thiên Nhiên về làm công tác xuất bản, kiêm đánh máy, Đồng chí Trần Thị Nga (trung cấp kiến trúc) về làm việc vẽ kỹ thuật, Đồng chí Long (là họa sĩ) chuyên công tác trình bày, Đồng chí Thuật tham gia công tác tòa soạn và bạn đọc, v.v..

Trong khi chờ đợi giấy phép của Bộ Văn hóa, từ cuối năm 1961 chúng tôi ra thử hai số để rút kinh nghiệm, rồi 6 tháng cuối năm 1962 mới xuất bản chính thức. Nội dung ban đầu gồm có dây trần và dây cáp thông tin, máy và tổng đài điện thoại, máy và tổng đài điện báo (về sau còn có máy tải ba điện thoại một đường, rồi ba đường, 12 đường; máy tải ba điện báo một đường và 4 đường), máy thu, phát tin vô tuyến điện, anten và truyền sóng vô tuyến điện, đèn điện tử, chất bán dẫn, điốt, transistor, khuếch đại, máy tăng âm, máy truyền thanh, máy phát thanh, máy thu thanh vô tuyến, loa điện động, loa kim, máy thu bán dẫn có transistor dùng pin, máy thu galen chỉ một mãnh selen tách sóng, không transistor, không có pin, dùng loa kim mà cũng nghe được các đài gần; rồi pin, acquy, máy ragônô (phát điện quay tay), máy nổ phát điện, các loại dịch vụ bưu chính, thể lệ nghiệp vụ bưu chính, tem thư, tổ chức quản lý ngành Bưu điện vân vân. Bài viết nói chung có hệ thống, kết hợp lý luận với thực tế, trình độ từ thấp đến trung bình; đối tượng phục vụ là cán bộ công nhân viên, học sinh sơ cấp và trung cấp, người chơi vô tuyến điện nghiệp dư, lắp ráp và sửa chữa máy thu thanh các loại… Tập san lúc đầu nói là sử dụng nội bộ, nhưng về sau phát hành công khai, được đông đảo bạn đọc đặt, mua sử dụng rộng rãi, rất hoan nghênh; lúc đầu mỗi kỳ ra 3000 số, rồi 5000 số, có lúc lên đến 7000 số. Nhiều bạn đọc viết thư phản ảnh, cộng tác viết bài, đòi mua cả các số ra trước. Được biết lúc đó toàn miền Bắc chỉ có 6 tập san, tạp chí chuyên ngành, trong đó Tập san Kỹ thuật Bưu điện và Truyền thanh được phát hành rộng rãi nhất. Đồng chí Chủ nhiệm Trần Quang Bình quản lý rất chặt, sợ sai về đường lối chính sách, đồng chí Khoa và đồng chí Bảy được gọi báo cáo kiểm tra thường xuyên. Cán bộ công nhân viên trực tiếp và gián tiếp làm báo và bạn đọc rất phấn khởi. Sau này ngành Truyền thanh và Phát thanh (thời gian đó ở ta chưa có Truyền hình) được tách ra khỏi Tổng cục, nhưng bên tách ra đề nghị Tập san vẫn giữ tên và nội dung như cũ, duy trì cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

Đến hơn 10 năm sau giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, vào năm 1986, tình hình đã thay đổi nhiều, yêu cầu thông tin liên lạc đã tăng cao, trình độ kỹ thuật viễn thông thế giới có nhiều tiến bộ, thông tin liên lạc ở nước ta cũng phải đổi mới, tập san kỹ thuật với trình độ thấp kém phải được nâng cấp, trở thành một tạp chí khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ thông tin, số hóa kỹ thuật viễn thông. Chúng tôi bàn với nhau đặt vấn đề để Bộ Văn hóa và Thông tin cấp phép đổi thành Tạp chí Bưu chính – Viễn thông và được chấp nhận. Với sự góp sức tích cực của anh chị em và các nhà khoa học ở trong và ngoài ngành, hình thức và nội dung của tạp chí đã thay đổi hẳn, ngày càng có nhiều tiến bộ, phạm vi được đề cập mở rộng ra nhiều, trình độ khoa học được nâng lên đến mức đại học và trên đại học tiếp cận được trình độ chung của các nước phát triển trên thế giới. Ngoài ấn phẩm chính ra đều kỳ, còn thường xuyên ra cả ấn phẩm phụ, có tóm tắt hoặc phần dịch tiếng Anh, cùng với xuất bản phẩm điện tử, không chỉ cán bộ trong nước mà cả các nhà khoa học và quản lý ở nước ngoài cũng tìm đọc, sử dụng. Đặc biệt là khi Bộ Bưu chính – Viễn thông trở thành Bộ Thông tin và Truyền thông, thì Tạp chí trực thuộc Bộ đã đổi tên thành Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông, càng có thêm uy tín và có nhiều đóng góp về khoa học kỹ thuật và quản lý ở trong và ngoài ngành như hiện nay.

                                                                                                 Lê Đức Niệm

                                 (Nguyên TCP Tổng cục Bưu điện,

 Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CNTT&TT  từ 11/1985 đến 2/1990)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông qua nửa thế kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO