Tập hồi ký độc đáo "Lục bát cuộc đời" của một nhà khoa học

Thu Hiền| 18/05/2021 11:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là một tập hồi ký độc đáo, được thể hiện bằng 4952 câu lục bát. Giá trị của tác phẩm này chính là cuộc đời tác giả, một Giáo sư, tiến sĩ vật lý được Vương quốc Anh vinh danh là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế kỷ 20!

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 90 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1931 - 2021); Câu lạc bộ (CLB) "Trái tim người lính" cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu một tấm gương thầm lặng về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh: Nhà khoa học Võ Sở Vọng và tác phẩm hồi ký bằng thơ "Lục Bát cuộc đời" (Nhà xuất bản Thanh niên, 2021).

Cậu bé mồ côi trở thành Nhà khoa học có tên tuổi nổi tiếng thế giới

Mồ côi cha từ nhỏ, ở một vùng quê nghèo Đức Thọ (Hà Tĩnh), cậu học sinh Võ Sở Vọng, bằng sự thông minh và nghị lực phi thường, đã phấn đấu trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý có tên tuổi trên thế giới (với hơn 60 công trình được công bố chủ yếu ở nước ngoài).

Tác phẩm thơ lục bát của một nhà khoa học - Ảnh 1.

Nhà khoa học Võ Sở Vọng

Có học hàm và học vị cao, nhưng ông lại khiêm tốn tự giới thiệu mình là Nhà khoa học và thường dùng danh xưng này trong giao tiếp giống như nhiều Nhà khoa học trên thế giới. Ông sử dụng thành thạo tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Nga. Năm 2002, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge tại Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế kỷ 20!

Ông được sinh ra ngay ngày cha bị Pháp đày đi Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Mới 13 tuổi đã mồ côi cha. Là con trai út trong gia đình 5 chị em, những cú sốc đầu đời đã rèn luyện cho cậu bé sở hữu "10 hoa tay tròn trịa" có tính tự lập cao. Cậu đã tự lo liệu chuyện học hành từ nhỏ, tự thi lên cấp II trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt: mấy trăm học sinh lớp 4 của 6 xã vùng Thượng Đức chỉ chọn 50 vào học lớp 5!

Ngay từ những năm học cấp 2, khi tình cờ thấy một số tác phẩm của nhóm "Tự lực Văn đoàn" bạn bè cho mượn, Võ Sở Vọng đã say mê đọc sách suốt đêm và mơ ước trở thành nhà văn. Ngày ấy cậu đã viết một tập bản thảo "Tự truyện" dài mấy trăm trang giấy!

Một lần, được anh trai đưa ra Hà Nội khám bệnh ở phòng khám tư, thấy ông "Đốc-tơ" được mọi người trân trọng và oai lắm, cậu bé lại mơ ước sau này sẽ trở thành Bác sĩ.

Nhưng có lẽ "cú hích" quan trọng nhất với Võ Sở Vọng là năm cuối cấp, trường cấp III Phan Đình Phùng được đón Nhà khoa học hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, bấy giờ đang làm việc tại Viện liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna đến thăm. Thần tượng Nguyễn Đình Tứ đã khiến cậu học trò vùng quê nghèo quyết tâm học các môn toán lý thật giỏi để phấn đấu được như thế.

Và ngày ấy, không ai ngờ được là mấy chục năm sau, Võ Sở Vọng còn làm được nhiều hơn cả những gì mà cậu mơ ước: Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã chủ trì thành công 5 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về khoa học cơ bản.

Ông đã công bố trên 60 công trình nghiên cứu (chú yếu ở nước ngoài); Đặc biệt trong đó công trình nghiên cứu cấu trúc thực của đơn thể Calomel Hg2Cl2 là một đóng góp thiết thực và hiệu quả cho Khoa học và Công nghệ Vật liệu thế giới.

Ông đã được học tập, đọc bài giảng chuyên đề và làm việc ở nhiều Trường Đại học, Phòng Thí nghiệm lớn ở các nước như Đức, Liên Xô, Italya, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Và không phải ngẫu nhiên mà năm 2000, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge, Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ 20!

Tập hồi ký độc đáo "Lục bát cuộc đời"

Tác phẩm "Lục Bát cuộc đời" dày 304 trang, khổ sách 16x24cm, đã ghi lại tương đối đầy đủ "đường đi, nước bước" của một người làm khoa học, từ lúc chào đời tại một làng quê hẻo lánh trong hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt cho đến ngày rời Phòng Thí nghiệm.

Tác phẩm thơ lục bát của một nhà khoa học - Ảnh 2.

Sách "Lục Bát cuộc đời" do NXB Thanh niên ấn hành (2021)

Cuộc đời đó không bằng phẳng như nhiều người nghĩ, mà trải qua "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh". Theo phong cách khoa học, người viết muốn "có đầu có đuôi", "nói có sách, mách có chứng" ...

Để giới thiệu chính xác, trung thực những công việc cụ thể của một người làm thực nghiệm trong nghiên cứu vật liệu khoa học (scientific materials), "Lục bát cuộc đời" sử dụng nhiều từ chuyên môn, một số kiến thức khoa học chuyên sâu...

Tuy người viết đã cố gắng giải thích nhưng chắc chắn không thể làm thỏa mãn được nhiều bạn đọc không cùng chuyên ngành. Đặc biệt người "ngoại đạo", không tránh khỏi những "phản ứng tự nhiên" khi gặp một từ, một khái niệm xa lạ!

Nhà khoa học Võ Sở Vọng đã tâm sự: Mong các vị hiểu và thông cảm với những khó khăn của người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã cố gắng để diễn tả lại cả cuộc đời bằng những vần thơ mộc mạc, chân thành chỉ với một mục đích gửi lại cho các thế hệ sau một kỷ vật. Hy vọng những sự kiện, những câu chuyện thực trong "Lục bát cuộc đời" cung cấp được một lượng thông tin ít nhiều có ích cho hậu thế, để họ có thể bổ sung những hiểu biết về giai đoạn lịch sử có nhiều kỳ tích của dân tộc.

Đánh giá về "Lục bát cuộc đời", GS. TSKH Đào Khắc An, một đồng nghiệp đã làm việc cùng tác giả trên 30 năm đã viết: "Tác phẩm này không những để lại cho tác giả các kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời, mà còn để lại cho các nhà làm chuyên môn khoa học công nghệ xem xét suy ngẫm rút ra các bài học bổ ích trong cuộc sống, cũng để lại cho các nhà Quản lý, Lãnh đạo suy nghĩ xem xét, rút ra các bài học về định hướng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ cho đất nước sao cho thích hợp, biết chọn đúng những người tài, sử dụng, động viên khuyến khích họ mang hết sức mình phục vụ cho tổ quốc đất nước".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Xây dựng hệ sinh thái số ngân hàng an toàn để đẩy nhanh chuyển đổi số
    Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng, nâng cao nhận thức, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh trước các tấn công mạng diễn biến phức tạp nhắm vào ngành này.
  • Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát
    Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, được khuyến nghị áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.
  • Tài liệu quý trong di sản nghiên cứu văn học của Việt Nam
    Cuốn sách “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và Tiến trình” của GS. Bùi Xuân Bào là một tài liệu quý trong di sản nghiên cứu văn học của Việt Nam, nổi bật với những vấn đề về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại giai đoạn từ 1925 - 1945.
  • Việt Nam sẵn sàng cao cho du lịch thông minh
    Đây là đánh giá của báo cáo “Sự sẵn sàng phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Đông Nam Á” mới được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây.
  • Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
    Khám phá một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa. Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
Đừng bỏ lỡ
Tập hồi ký độc đáo "Lục bát cuộc đời" của một nhà khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO