Thách thức mới với các nhà sách truyền thống

Minh Quân| 25/04/2020 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Hơn 2 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ hệ thống phát hành sách bị “cơn địa chấn” mạnh.

Ứng phó trước đại dịch

Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động của đời sống xã hội. Các trung tâm thương mại, cửa hàng đều đóng cửa theo quy định của chính quyền, hệ lụy là khách hàng không dám đến những nơi đông người. Các nhà xuất bản, nhà sách và phố sách trên cả nước cũng vắng bóng khách hàng.

Trong bối cảnh đó, các công ty phát hành sách tư nhân, các nhà sách đang phải "gồng mình" vượt khó bằng mọi cách như giảm giá sâu, cắt giảm nhân sự, bán hàng online,... Tình hình càng đặc biệt khó khăn hơn với những đơn vị kinh doanh sách khi phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh sách.

Kể từ ngày 27/3 đến nay, Nhà sách Lâm (số 3 Đinh Lễ) đã phải đóng cửa vì dịch Covid. Với tâm trạng khá chán nản, ông chủ Quách Dần Lâm cho biết: "Chúng tôi là hộ kinh doanh cá thể, hiện nhà sách buộc phải đóng theo quy định của nhà nước, chúng tôi buôn bán theo hình thức quen thuộc, đó là khách đến cửa hàng để lựa đọc rồi mua sách. Với tình hình khó khăn hiện nay, tôi vẫn phải trả một phần lương cho đội ngũ nhân viên nhà sách để duy trì mức sống tối thiểu cho anh em cho dù đóng cửa."

Ông Quách Dần Lâm, Chủ hiệu sách LÂM

Với tình hình khó khăn hiện nay, tôi vẫn phải trả một phần lương cho đội ngũ nhân viên nhà sách để duy trì mức sống tối thiểu ...

Trong tình cảnh phải thuê nhà để mở nhà sách, anh Lâm cũng đã có kiến nghị với chủ nhà để giảm giá nhưng chỉ được giảm 10%. Anh Lâm chia sẻ đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành sách nói chung và cá nhân nhà sách nói riêng.

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty sách Nhã Nam chia sẻ: "Tình hình dịch diễn biến phức tạp như thế này thì tư nhân chúng tôi phải tính đến phương án xấu nhất. Hiện tại, chúng tôi đã tạm đóng các cửa hàng. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất là không thể nghỉ được, công ty cho nhân viên làm việc ở nhà. Chúng tôi phải tiết kiệm chi phí một cách tốt nhất có thể."

Hiện tại, Công ty sách Nhã Nam đã phải tạm đóng cửa nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất ở các khâu để khi đại dịch qua đi có thể bắt tay ngay vào kinh doanh. Tuy nhiên, Nhã Nam chỉ lựa chọn những đầu sách thực sự có hiệu quả và tiết chế số lượng in.

Ông Giang cũng cho biết, về lâu dài, khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi thu nhập, sẽ cắt giảm chi tiêu và đọc sách sẽ không còn là hình thức giải trí được ưu tiên, khi đó là lúc các đơn vị làm sách sẽ khó khăn hơn.

Chúng tôi có 2 cửa hàng, tiền thuê hàng tháng là 500 triệu. Chúng tôi mới có công văn xin giảm giá thuê nhà mà không biết thế nào

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc hệ thống nhà sách TRÍ ĐỨC

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty văn hóa Việt - Nhà sách Trí Đức tâm sự: "Chúng tôi phải cho đội ngũ bán hàng nghỉ, bộ phận hành chính vẫn làm. Cả hệ thống giờ chỉ còn có 10 người. Chúng tôi có 2 cửa hàng, trong đó có 1 cửa hàng mới thuê được 1 năm, tiền thuê mặt bằng thì đã đóng rồi, tính ra hàng tháng là 500 triệu cả 2 nơi. Chúng tôi mới có công văn xin giảm giá thuê nhà mà không biết thế nào".

Ông Trần Vũ Bằng, Chủ tịch CLB Sách Hà Nội

Hệ thống bán sách truyền thống cũ sẽ dần tự đào thải, độc giả sẽ đến cửa hàng sách ít đi

Quy luật kinh doanh của làng sách, thứ nhất thường những dịp sau Tết, đây là thời gian người già, trẻ em có tiền mừng tuổi hay đi mua sách nên doanh số tăng. Thứ hai, ngày hè, nhà nhà đi du lịch nên doanh số giảm.

Ông Trần Vũ Bằng, Chủ tịch CLB Sách Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh sách đang gặp gánh nặng bởi tiền thuê cửa hàng, nhân viên bán hàng cho nghỉ việc chỉ có một số lãnh đạo đi làm, còn lại là làm online.

Hiện, trên phố sách Đinh Lễ về cơ bản các nhà sách đã đóng cửa theo quy định, chỉ còn vài nhà sách còn duy trì dưới hình thức bán sách online cho những độc giả quen thuộc.

Theo ông Bằng, giải pháp tình thế trước mắt của các đơn vị làm sách đang áp dụng hiện nay là làm việc ở nhà, giao việc theo công việc, trả lương khoán cho nhân viên.

Ông Bằng lo lắng, với tình hình này, hệ thống bán sách truyền thống cũ sẽ dần tự đào thải, độc giả sẽ đến cửa hàng sách ít đi. Khi mà giờ đây, người tiêu dùng được phục vụ đến tận nhà, được giảm giá tối đa.

Độc giả hãy là người tiêu dùng thông minh

Đối với những độc giả mê đọc sách, cái thú đó là phải đến nhà sách để chọn sách, nhìn thấy bìa, mầu sắc, đọc thử,… Nhưng giờ đây, trong mùa dịch Covid này, mua hàng online thay đổi gần như thói quen mua bán tiêu dùng về sách.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc mua sách trên mạng rất khó phân biệt thật giả. Thời gian gần đây các kênh thương mại điện tử vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Các kênh này có hình thức cho thuê chỗ để các chủ hàng tự do kinh doanh - kiểu như "thuê sạp chợ" - và chất lượng hàng hóa từ các nguồn khác nhau của các chủ hàng khác nhau đang gần như bị thả nổi.

Năm 2019, First News cũng phát hiện một số sàn thương mại điện tử bán sách in lậu của First News với mức chiết khấu từ 45-50%. Cuối năm 2018, Thái Hà Books đã quyết định thôi cung cấp nội dung làm ebook, audio book vì không thể kiểm soát nổi.

Hiện, hình thức khá phổ biến bán sách giả trên mạng đó là làm nhỏ lẻ, đối tượng photo sách, đăng bán rồi dừng để nghe thị trưởng phản hồi mới tính tiếp. Nếu đối tượng bị phát hiện bởi cơ quan quản lý thì không bị xử phạt thỏa đáng.

Với người tiêu dùng khi mua phải sách giả trên mạng, bởi một phần vì không thể phân biệt trước khi mua, mà mua rồi muốn đổi sách thì thường gặp các thủ tục nhiêu khê rắc rối từ phía phát hành.

Theo ông Trần Vũ Bằng, các kênh thương mại điện tử đầu vào lỏng lẻo, không có nghiệp vụ về xuất bản khiến độc giả không thể trở thành người tiêu dùng thông minh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức mới với các nhà sách truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO