Thách thức pháp lý của DN nội dung số khi gia nhập “sân chơi” toàn cầu

Anh Minh| 28/09/2022 21:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Các doanh nghiệp (DN) nội dung số (NDS) Việt Nam hướng đến thị trường toàn cầu, nhưng đang có sự lo lắng về mặt pháp lý, hay nói cách khác là DN chưa sẵn sàng về mặt pháp lý khi tham gia môi trường toàn cầu.

Ngày 28/9, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức tọa đàm: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho DN Việt trên môi trường số”. Đây là cơ hội để các DN đang kinh doanh trong lĩnh vực NDS, kinh tế số chia sẻ về xu hướng phát triển của nền kinh tế online, cơ hội và những thách thức cho các DN Việt khi bước ra sân chơi toàn cầu.

Toạ đàm còn là dịp để đại diện các cơ quan quản lý cùng lắng nghe tiếng nói của các DN NDS về cơ hội và thách thức, từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với DN và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các DN phát triển.

Tiềm năng của các DN NDS Việt Nam

Theo thông tin được ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect, đưa ra tại tọa đàm, trong năm 2021, nền kinh tế số chiếm 8,2% GDP của cả nước. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể đạt đến 57 tỷ USD doanh thu, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Tốc độ phát triển các mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện rõ tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế số, với hơn 70 triệu người Việt Nam tham gia Facebook, 60 triệu người xem Youtube và 40 triệu người sử dụng TikTok. Theo ông Hoàng, mỗi nhà sáng tạo trên YouTube đều có cơ hội xuất bản các NDS và tiếp cận hàng triệu người xem, cả trong nước lẫn quốc tế.

Mạng xã hội đã làm thay đổi các tư duy kinh tế, từ góc độ người dùng cho đến nhà sản xuất. Người tiêu dùng thay đổi hành vi, các DN thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh. DN tư nhân có động lực phát triển mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy toàn cầu hoá. Cơ hội với các DN công nghệ số “rất lớn”. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 700.000 DN tham gia vào nền kinh tế số, với những lợi thế như nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, nhanh chóng thích nghi các công nghệ cao….

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Bên cạnh những lợi ích, mô hình kinh doanh trực tuyến cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền SHTT, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.

Thách thức pháp lý khi gia nhập “sân chơi” toàn cầu

Theo CEO Sconnect, dù đã có các hành lang pháp lý nhưng thực tế với mảng kinh doanh NDS diễn ra trên nền tảng Internet, DN vẫn gặp nhiều lúng túng. Ngoài ra, DN thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và tự bảo vệ trên không gian mạng.

“Khả năng áp dụng các quy định pháp luật hiện hành với các với các chủ thể nước ngoài còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các DN trong nước. Thậm chí, DN phải đối phó với những rủi ro tấn công mạng; thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân sự chất lượng cao để vận hành các nền tảng online”, ông Hoàng nói.

Thách thức pháp lý của DN nội dung số khi gia nhập “sân chơi” toàn cầu - Ảnh 1.

Đại diện Sconnect phát biểu tại sự kiện

Tại tọa đàm, CEO Sconnect cũng đã chia sẻ về vụ tranh chấp pháp lý mà công ty sản xuất NDS Việt Nam gặp phải, liên quan đến đối thủ nước ngoài là Entertaiment One (EO), với bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect và Peppa Pig của EO.

Nói về những khó khăn của DN Việt khi kinh doanh trên nền tảng Internet, ông Võ Thanh Hải, CEO Viettel Media, cho biết: “Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN mới, các startup, nguồn lực còn yếu, nếu không có sự chung tay của cơ quan quản lý sẽ rất khó tự bảo vệ”, ông Hải nói.

Thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, việc kết hợp giải quyết vấn đề với nền tảng Facebook, YouTube đã tốt lên rất nhiều, tốc độ xử lý vi phạm của các nền tảng cũng đã tương đối nhanh. Theo ông Hải, khi thực thi triệt để các công ước quốc tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng có những công cụ, ký kết hợp tác sâu với các đối tác để cải thiện vấn đề.

DN vẫn chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ về bản quyền SHTT

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, cho biết thực tế, vấn đề bảo hộ quyền SHTT vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của DN. Chẳng hạn, ông Hồng cho biết khi cơ quan quản lý tiến hành xây dựng các văn bản pháp luật, cần sự góp ý, trao đổi của DN. Tuy nhiên, hầu hết DN đều vắng mặt trong những hội thảo góp ý. Vì vậy, sự quan tâm, nhận thức về quyền SHTT của DN cần phải thay đổi, nếu không sẽ khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Theo ông Hồng, quyền SHTT là vấn đề phức tạp, yêu cầu chuyên môn sâu, vì vậy các DN cần cách tiếp cận rõ ràng, chuyên nghiệp ngay từ đầu. Các cơ quan nhà nước nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về SHTT và các DN nên chung tay, góp sức. Tuy vậy, việc hưởng ứng của DN thực sự đang là vấn đề lớn.

“Các DN nếu có tài sản giá trị đều tìm mọi cách bảo vệ, nhưng với tài sản trí tuệ, DN vẫn chưa có ý thức bảo vệ. Các DN cần đặt câu hỏi rằng mình đã đầu tư, đã làm những gì để bảo vệ các tài sản trí tuệ, các DN đã có người chịu trách nhiệm hay chưa”, ông Hồng cho biết và bổ sung thêm: "Đôi khi cơ quan quản lý đang “đơn độc do các DN chưa có các hành động cụ thể. Chúng tôi mong muốn nhận thức này sẽ thay đổi trong thời gian tới”.

Cùng ý kiến, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (ISP), các DN Việt Nam hướng đến thị trường toàn cầu, nhưng đang có sự lo lắng về mặt pháp lý, hay nói cách khác là DN chưa sẵn sàng về mặt pháp lý khi tham gia môi trường toàn cầu. Ông Đồng cũng trình bày về quy trình gỡ bỏ nội dung xâm phạm quyền tác giả trên YouTube và khuyến nghị DN nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đặc biệt là vấn đề pháp luật trên môi trường quốc tế. Ngoài ra, DN có thể đề xuất các hiệp hội đẩy mạnh vấn đề truyền thông, hỗ trợ DN trong nhận thức về bản quyền, sử dụng các công cụ có sẵn khi kinh doanh trên môi trường số để bảo vệ cho DN của mình.

Cần đăng ký sở hữu bản quyền ngay từ khi mới lên ý tưởng sản phẩm

Một ý kiến rất đáng chú ý tại tọa đàm từ ông Phạm Hoàng Huy, lãnh đạo MeTub Network và cũng là một chuyên gia về YouTube, đó là các nhà sáng tạo nội dung nên có ý thức đăng ký bản quyền SHTT tác phẩm ngay từ khi còn là ý tưởng. “Thậm chí, DN cần đăng ký bản quyền ở các thị trường quốc tế, khi đó chúng ta mới có bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Chúng tôi khuyên các DN đã mất công đầu tư và sản xuất, hãy tiến hành các bước để đăng ký bản quyền. Khi có tranh chấp xảy ra, DN sẽ có bằng chứng chứng minh quyền sở hữu cho YouTube”, ông Phạm Hoàng Huy nói.

Thách thức pháp lý của DN nội dung số khi gia nhập “sân chơi” toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ đô MultiMedia

Chia sẻ về tình trạng kinh doanh của các DN NDS, ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ đô MultiMedia cho biết DN rất hoang mang vì đã thực hiện các thủ tục đăng ký, sở hữu bản quyền trí tuệ tại Việt Nam và nước ngoài, song các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra, khiến các DN mất thời gian và nguồn lực. "Do đó, DN muốn kêu gọi sự đồng hành và các giải pháp tổng thể cho các DN Việt”, ông Nguyễn Ngọc Hân nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức pháp lý của DN nội dung số khi gia nhập “sân chơi” toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO