Thanh Hóa: 100% sở, ban, ngành, huyện, xã điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản

Xuân Tuấn| 08/05/2020 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với quyết tâm cao Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.

Đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối, liên thông LGSP của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. 

Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tại tất cả UBND cấp huyện đã được đưa vào sử dụng, hệ thống một cửa điện tử tại 559/559 UBND cấp xã đã triển khai cài đặt xong, hiện đang tổ chức tập huấn cho cán bộ vận hành, dự kiến hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 10/5/2020.

Một trong 8 bộ, ngành địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng DVC tỉnh với Cổng DVCQG

Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 bộ, ngành địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công (DVC) tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) cung cấp DVC TT phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Tỉnh cũng đã đầu tư máy chủ, trang thiết bị mạng để nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu và điều hành an toàn, an ninh mạng, đảm bảo hạ tầng triển khai chính quyền điện tử (CQĐT). Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) đã được đầu tư tại 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh. 

Mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện để bảo đảm vận hành an toàn, đồng bộ. Ứng dụng chữ ký số được đẩy mạnh trong các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng họp trực tuyến của tỉnh tại 215 điểm cầu (83 điểm cầu của khối các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; 132 điểm cầu của UBND cấp xã); hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh (https://dangnhap.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào sử dụng, đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng. Tỉnh cũng đã đưa vào vận hành hệ thống phản hồi Thanh Hóa (https://phanhoi.thanhhoa.gov.vn/) để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân khá hiệu quả.

Thời gian qua, tỉnh đã chủ động đưa nhiều giải pháp, ứng dụng mới có hiệu quả thiết thực, kịp thời trong phòng chống dịch COVID-19 như các giải pháp: Họp không giấy tờ và kết nối trực tuyến; ứng dụng trên smartphone và trang điều hành của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh, các ứng dụng dạy học trực tuyến...

Theo UBND huyện Như Thanh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cải cách hành chính, xây dựng CQĐT đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện; rút ngắn thời gian xử lý công việc.

Thanh Hóa: 100% sở, ban, ngành tỉnh, huyện, xã điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản - Ảnh 1.

Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Như Xuân. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

UBND huyện Như Thanh cũng cho biết, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong việc vận hành, sử dụng phần mềm quản lý văn bản hồ sơ công việc, hệ thống thông tin điện tử một cửa. Vừa qua, huyện đã vận hành rất hiệu quả mô hình hội nghị trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn còn hạn chế do người dân chưa thông thạo trong sử dụng CNTT, mặt khác do ứng dụng trên di động chưa được hoàn thiện, sử dụng còn khó.

Thời gian tới, huyện sẽ sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là về dân cư, đất đai, để khai thác, phục vụ cho CQĐT, nhất là trong thực hiện DVC mức độ 3, 4; đồng thời cần cập nhật ứng dụng trên di động theo hướng tinh gọn, thuận lợi cho người sử dụng.

Hạ tầng CNTT ở cơ quan, đơn vị của tỉnh cơ bản được đầu tư đầy đủ

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh, hiện nay cơ sở hạ tầng CNTT ở các cơ quan, đơn vị của tỉnh cơ bản được đầu tư đầy đủ, đáp ứng việc gửi và nhận văn bản trên môi trường mạng liên thông 4 cấp. Để các cơ quan, đơn vị sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm phục vụ xây dựng CQĐT, Sở TT&TT đã tổ chức tập huấn qua các ứng dụng mạng, zalo... và các hội nghị tập huấn ở các địa phương. 

Sở cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng các phần mềm dùng chung của các đơn vị. Qua công tác kiểm tra đã có văn bản chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chưa quan tâm sử dụng, sử dụng không hiệu quả và chưa đúng quy trình.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến nay 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Đã hoàn thành 37/42 nhiệm vụ được giao (còn 5 nhiệm vụ thực hiện trong năm 2020). Tỷ lệ văn bản điện tử gửi qua mạng của tỉnh đạt 96% (toàn quốc là 86,5%), tỷ lệ văn bản ký số đạt 97%. 

Việc thường xuyên điều hành, xử lý công việc qua môi trường mạng ước tiết kiệm được 28 tỷ đồng/năm cho chi phí thời gian in, gửi phát hành văn bản của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, rút ngắn thời gian gửi văn bản từ tỉnh đến huyện, đến UBND cấp xã chỉ còn tính bằng giây. Cổng DVC tỉnh đã thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời các TTHC cho cả 3 cấp tỉnh - huyện - xã.

Các điều kiện cần và đủ để đột phá về xây dựng CQĐT đã đảm bảo

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho rằng hiện các điều kiện cần và đủ để đột phá về xây dựng CQĐT đã đảm bảo.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TT&TT sớm tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ các dự án xây dựng CQĐT đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 172/NQ-HĐND và chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo về hạ tầng, các phần mềm ứng dụng CNTT trong việc xây dựng CQĐT của tỉnh. 

Sở TT&TT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và phòng họp không giấy tờ. Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất để làm việc tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, xây dựng cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ này và phương án bảo đảm an ninh mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu từ ngày 22/5/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải được xử lý trên môi trường mạng; từ ngày 30/6/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố phải được xử lý trên môi trường mạng; từ ngày 30/8/2020, 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu 100% trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật thông tin mới. Từ 1/8/2020, 100% các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện phải ứng dụng phòng họp không giấy tờ, từ chuyên viên trở lên phải lập hồ sơ, ký điện tử. Đây là tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng trong đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố cần phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết các công việc, các chỉ tiêu để thực hiện.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: 100% sở, ban, ngành, huyện, xã điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO