Số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%). Trong đó, điểm sáng là nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh về nội dung trên:
Xin ông cho biết đánh giá về những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021? Nguyên nhân nào đã giúp Việt Nam có được những thành tựu này?
Thành tựu bắt nguồn từ chủ trương chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế để không bị phụ thuộc vào một đối tác nhất định. Chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP hay như hiệp định với Hoa Kỳ.
Do đó, mặc dù đại dịch diễn biến phức tạp nhưng chúng ta vẫn có lợi thế do duy trì hoạt động sản xuất tốt. Trong đó, đặc biệt là những mặt hàng nước khác không thể sản xuất, xuất khẩu do đại dịch Covid-19.
Ví dụ về việc tận dụng cơ hội xuất khẩu, có thể kể đến, ở thị trường Hoa Kỳ, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường này bị đánh thuế rất cao. Do đó, hàng đồ gỗ, dệt may cũng như các mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu đã có bước nhảy vọt. Tôi đánh giá đây là thành tựu chúng ta cần duy trì trong thời gian tới đây.
Ngoài ra, ông đánh giá yếu tố nào đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như vậy?
Một mặt chúng ta đã mở rộng thị trường, bên cạnh đó, chúng ta cũng đã vận dụng được các ưu điểm trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số. Ví dụ như vải thiều Bắc Giang đã được đưa lên các trang mạng điện tử, qua đó, người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm này mà không cần tiếp xúc trực tiếp, từ đó không sợ lây lan dịch bệnh.
Tôi nhận thấy dù trong dịch bệnh, các ngành hàng của Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển mạnh mẽ thông qua việc phát huy vai trò của thương mại điện tử, kinh tế số. Qua đó, tạo ra năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng đặc trưng đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Điển hình như các loại rau củ quả nhiệt đới của Việt Nam.
Tôi nghĩ Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xử lý đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này. Trong đó, đáng chú ý là công tác kiểm soát dịch ở các khu công nghiệp, qua đó, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì. Tôi đánh giá đây là một kinh nghiệm rất quý báu mà chúng ta cần tiếp tục phát huy thời gian tới.
Trong thời gian tới, theo ông, các ngành hàng xuất khẩu cần làm gì để duy trì thành tích như trong 6 tháng qua?
Theo tôi chúng ta phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường, không thể thấy một thị trường nào đó "ngon ăn" mà "đổ xô" vào. Như vậy có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các nhà sản xuất, bên cạnh đó, điều này có thể tạo ra các "đối thủ mới".
Thay vào đó, chúng ta cần tìm cách chung sống trong việc cạnh tranh với họ. Ví dụ như đối với Liên minh châu Âu, các mặt hàng nông sản như vải thiều không có vấn đề gì.
Nhưng đối với thị trường Mỹ, sự cạnh tranh về đồ gỗ, hàng dệt may,… sẽ là những lĩnh vực chúng ta cần đặc biệt lưu ý để tránh các vụ kiện. Nếu chúng ta chiếm quá nhiều lợi thế, các ngành sản xuất thị trường đó bị thiệt hại sẽ tìm cách kiện. Khi đã phải tham gia vào các vụ kiện sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!