E-magazine

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch

. 24/01/2022 11:07

Trở thành Ủy viên Trung ương Đảng và sau đó là Tổng biên tập báo Nhân Dân trong những tháng đầu năm 2021, nhà báo Lê Quốc Minh đã trải qua hơn 8 tháng đứng đầu tờ báo giấy của Đảng lớn nhất Việt Nam. Trải nghiệm điều hành báo giấy trong đại dịch với một nhà báo vốn sở trường ở môi trường online sẽ ra sao? Điều gì giúp tạo nên thay đổi lớn ở cơ quan báo chí vốn nổi tiếng về phong cách truyền thống và khuôn mẫu?

w02-16429599947401720043876.png

Cuối năm 2021, báo Nhân Dân thực hiện cuốn lịch để bàn năm 2022 theo một cách đặc biệt. Thay vì lựa chọn các tấm ảnh có sẵn cho các tuần lịch, tờ báo lớn nhất của Đảng đã mời được 31 hoạ sĩ đương đại nổi tiếng ở Việt Nam thực hiện một dự án đặc biệt.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 1.

Trong vòng hơn 1 tháng, 31 hoạ sĩ đã vẽ gần 70 bức tranh với chủ đề "Đẹp giữa mùa bình thường mới", và sau đó hội đồng biên tập chọn được khoảng gần 60 bức để làm chất liệu cho bộ lịch bàn. Toàn bộ số tranh được báo Nhân Dân tổ chức đấu giá và 50% tổng số tiền được dành trả thù lao cho các hoạ sĩ. Một phần số tiền thu được dùng tổ chức buổi triển lãm đặc biệt ngay dưới gốc đa trong khuôn viên của báo Nhân Dân và 220 triệu để tặng quà cho các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều thay đổi được thực hiện ở tờ báo Đảng lớn nhất ở Việt Nam kể từ khi nhà báo Lê Quốc Minh trở thành Tổng biên tập. Số báo  Tết Nhân Dân hằng tháng có tấm ảnh bìa cũng là một bức tranh cùng với dòng chữ "Mùa Xuân đầu tiên".

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 2.

Nhìn lại năm 2021 đã đi qua với tư cách một nhà báo, anh thấy điều gì tích cực còn đọng lại và điều gì đáng quên?

Những khó khăn, đau thương và mất mát về con người do đại dịch Covid-19 và thiên tai trong năm 2021 chính là những điều đáng quên. Các nhà báo đã phải tác nghiệp trong môi trường gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh, phải xông pha nơi tuyến đầu nhưng gặp phải rất nhiều câu chuyện buồn, những hình ảnh mà không ai muốn chứng kiến. Đó cũng là những điều không nhà báo nào muốn nhớ và muốn gặp lại.

Nhưng cũng chính trong dịch giã, trong những gian nan của cuộc sống, lại xuất hiện rất nhiều tấm gương cao đẹp, những câu chuyện để lại nhiều xúc cảm ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó có cả các câu chuyện về những nhà báo không quản ngại, hiểm nguy, vào thẳng tâm dịch, đến những vùng bão lũ thiên tai, để mang đến cho độc giả, khán thính giả những thông tin mới nhất, những diễn biến nóng hổi nhất. Tình đồng bào, tình đồng nghiệp và sự dấn thân của các nhà báo chính là những điều đọng lại.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 3.

Một năm Covid-19 cực kỳ khốc liệt cũng là một năm cực kỳ khó khăn với ngành truyền thông nói chung, đặc biệt là báo giấy. Theo quan sát của anh, điều đó đã dẫn tới những thay đổi gì?

Nhớ lại những tháng đầu xảy ra đại dịch Covid-19 vào năm 2020, các cơ quan báo chí thực sự lúng túng vì không thể tác nghiệp bình thường do những quy định chống dịch. Rồi kinh tế báo chí giảm sút do khó phát hành báo in, quảng cáo sụt giảm đối với mọi loại hình báo chí, đặc biệt là báo giấy. Nhưng sau đó báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ và chính nhờ báo chí mà Việt Nam đạt được thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bước sang năm 2021, khi làn sóng dịch thứ 4 tàn phá khủng khiếp cho cả xã hội, báo chí còn chật vật hơn nữa khi những khó khăn của năm 2020 tăng lên cấp độ mới với nhiều sự bất ngờ. Nhưng cũng chính nhờ những khó khăn trong đại dịch Covid-19 mà trong năm 2021 chúng ta chứng kiến việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Nếu trước kia các kế hoạch chuyển đổi số mất 4-5 năm mà vẫn chưa được thực hiện thì trong năm qua đã được triển khai nhanh chóng. Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, giờ đây lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như quản lý báo chí đều nhận ra rằng chuyển đổi số là con đường phải đi, và phải đi nhanh mới giành lợi thế.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 4.

Năm 2021 cũng là thời điểm anh chuyển từ Thông tấn xã Việt Nam sang báo Nhân dân và thời điểm trước đó là việc anh trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng. Sự thay đổi này có đồng nghĩa với việc một nhà báo sẽ trở thành một chính trị gia hay không?

Một lãnh đạo cơ quan báo chí thì bản thân đã là một chính trị gia chứ không thuần túy làm công tác chuyên môn, bởi báo chí ở Việt Nam là phục vụ Đảng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Báo chí cách mạng Việt Nam phải đi theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Cá nhân tôi khi được giao trọng trách ở báo Nhân Dân cũng chỉ là một trong rất nhiều tổng biên tập mà thôi, nhưng lãnh đạo một tờ báo Đảng thì có nhiệm vụ, sứ mạng của một tờ báo Đảng.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 5.

Khi nhận được tin mình sẽ chuyển sang báo Nhân Dân nhận nhiệm vụ mới, anh có suy nghĩ gì?

Thực ra, sau khi đã làm ở một nơi rất nhiều năm rồi thì mình sẽ thích tiếp tục làm ở đấy. Thông tấn xã Việt Nam là nơi tôi đã làm 30 năm 6 tháng, gắn bó quá lâu rồi nên tự nhiên mình muốn ở lại cũng là điều dễ hiểu. Dù cũng có nhiều người nói là sang báo Nhân Dân thì vị thế cao hơn, tương lai chính trị….  nhưng thực tình là tôi không tính toán việc đó. Đơn giản là tôi còn rất nhiều dự án cần làm ở Thông tấn xã Việt Nam.

Tuy nhiên, khi Bộ Chính trị và Ban bí thư đã phân công thì mình chấp hành và sang nơi mới thôi. Quan điểm của tôi là khi đã nhận bất kỳ một nhiệm vụ nào thì phải thực hiện một cách chuyên nghiệp, không phải vì mình lưu luyến nơi cũ hay e ngại nơi mới mà dè dặt. Đã nhận nhiệm vụ thì phải thực hiện cho thật tốt và tất nhiên không thể một mình làm được mà cần có anh em, bộ máy giúp đỡ mới làm được.

Sang một môi trường mới rất cần anh em, ê kíp phù hợp, anh có đề xuất điều chuyển người từng làm với mình ở Thông tấn xã Việt Nam sang báo Nhân Dân hay không?

Cũng có nhiều người thường nói là sang nơi mới muốn thay đổi nhanh thì nên mang theo một ê kíp của mình. Nhưng quan điểm của tôi là nếu không tin cấp dưới của mình ở nơi mới thì làm sao làm việc với họ được và làm sao họ cùng mình thay đổi được.

Nếu đưa về những nhân sự mà mình quen thuộc thì dễ cho công việc ban đầu nhưng chỉ mang tính tức thời thôi. Về lâu dài phải làm việc tốt với những người tại chỗ thì mọi việc mới tiến triển bền vững. Và cho đến giờ này, tôi chưa đề xuất điều chuyển ai ở cơ quan cũ về báo Nhân Dân, ngoại trừ cậu lái xe. Mà cậu lái xe là tự đề nghị xin sang báo Nhân Dân cùng tôi, dù tôi cũng nói trước là: "Sang đây sẽ rất vất vả, chỗ mới mà. Tuỳ đấy!".

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 6.

Sau khi anh trở thành Tổng biên tập báo Nhân dân, bạn đọc nhìn thấy nhiều thay đổi ở một tờ báo có phong cách rất truyền thống về khuôn mẫu. Anh có gặp khó khăn gì khi tạo ra nhiều sự thay đổi như vậy hay không?

Thực ra ai ở ngoài nhìn vào cũng nghĩ một cơ quan báo chí chính thống và có quy mô lớn như báo Nhân Dân thì thường chọn sự an toàn và khó chấp nhận sự đổi mới. Bản thân tôi trước khi nhận nhiệm vụ ở báo Nhân Dân thì cũng cho rằng khó thực hiện đổi mới ở đây hơn so với Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng thực tế hoàn toàn khác!

Trong mỗi cán bộ nhân viên đều có ngọn lửa đam mê, chỉ cần châm được tia lửa vào cái bấc nến là ngọn lửa bùng lên thôi. Những đề xuất đổi mới sáng tạo rốt cục đều được đa số anh chị em phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong báo ủng hộ nhiệt thành. Các bác cán bộ về hưu cũng rất ủng hộ.

Chắc đâu đó cũng sẽ có người ngại đổi mới và không thích thú, nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường trong mỗi cơ quan, bởi không bao giờ có chuyện 100% nhân viên đồng thuận với sự thay đổi.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 7.

Việc tạo ra thiết kế sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn, rồi những tuyến nội dung mang tính chuyên sâu, cũng có phần gai góc, rồi thực hiện chuyển đổi số, không phải là điều dễ dàng ở một cơ quan báo chí mang tính truyền thống như báo Nhân Dân. Anh đã thuyết phục các đồng nghiệp mới của mình thay đổi ra sao, nhất là với chiến lược chuyển đổi số?

Không thay đổi, đứng yên tại chỗ có nghĩa là thụt lùi bởi các cơ quan báo chí khác sẽ tiến bước. Một cơ quan báo chí lớn như Nhân Dân thì phải đi tiên phong.

Tôi tin chắc rằng không một nhà báo có lòng tự trọng nào lại muốn dẫm chân tại chỗ, muốn bị tụt hậu. Tôi tự tay viết chiến lược chuyển đổi số cho báo Nhân Dân cũng như tham gia soạn thảo chiến lược phát triển cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện cho báo, với những mục tiêu và kế hoạch thực hiện rất rõ ràng và khả thi.

Tôi nghĩ ai cũng mong cho tờ báo của mình phát triển, lại được dẫn dắt bằng một chiến lược dài hạn và những kế hoạch trung hạn cụ thể như thế thì mọi người sẽ bị thuyết phục thôi. Và tất nhiên một mình tôi thì không thể thuyết phục được ai, mà tôi có cả một bộ máy cán bộ quản lý các ban chuyên môn đồng hành để thuyết phục nhân viên.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 8.

Chuyển tới một cơ quan mới, mang nặng màu sắc chính trị nhiều hơn, nhưng lại tạo ra những thay đổi về mặt nội dung với cả báo giấy và online, rồi thiết lập chiến lược digital-first. Anh có chiến lược gì với những thay đổi đó?

Ai cũng nghĩ tôi có nhiều kinh nghiệm về phát triển nội dung digital thì sẽ thay đổi báo Nhân Dân Điện tử trước tiên, nhưng tôi lại chọn báo in ngày – thành trì quan trọng nhất và cũng là sản phẩm cốt lõi của báo Nhân Dân.

Tôi thực hiện thay đổi từ những thứ chẳng liên quan gì tới digital, như thay đổi kích thước font, số cột báo cho đến việc loại bỏ một số thành phần trong măng-set để logo báo nổi bật hơn. Rồi chúng tôi áp dụng mã QR cho một số nội dung quảng bá, đưa bản in lên trang Đọc báo.

Sau đó chúng tôi thực hiện nhiều thay đổi với tờ Nhân Dân Cuối tuần, Nhân Dân Hằng tháng và Thời Nay, từ nội dung cho đến hình thức, nhất là trang bìa được đầu tư rất công phu.

Chúng tôi cũng chuyển đổi mạnh mẽ fanpage trên Facebook, hướng dẫn anh chị em cách thức làm nội dung tiêu chuẩn hơn và chỉ sau 1 tháng, lượng tiếp cận đã tăng 5.000%. Đến bây giờ thì số lượng người theo dõi đã tăng gấp 7 lần so với trước khi thay đổi. Rồi chúng tôi tạo tài khoản trên TikTok và chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt hơn 1,4 triệu lượt thích, nhiều video clip đạt 3-4 triệu lượt xem.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 9.

Đối với báo điện tử, chúng tôi bắt đầu tăng số lượng tin bài, mở rộng thời gian phát tin suốt cả ngày từ sáng đến đêm khuya, đầu tư các công cụ làm báo chí dữ liệu cũng như công cụ sản xuất các bài mega story, tổ chức đào tạo cho phóng viên, biên tập viên để sử dụng thành thạo các công cụ này.

Nhờ vậy, chỉ trong vài tháng, diện mạo của báo điện tử đã thay đổi nhanh chóng với những sản phẩm cầu kỳ, chất lượng cao. Nhiều nội dung mang tính chính trị, chính thống, kén độc giả nhưng khi được trình bày sáng tạo, đẹp đẽ thì thu hút rất nhiều người đọc.

Chúng tôi cũng đã xây dựng giao diện mới hiện đại và đang chạy thử phiên bản beta, tích hợp toàn bộ nội dung của các ấn phẩm thuộc báo Nhân Dân.

Cũng cần nhắc đến dự án Radio Nhân Dân mà từ khi nêu ý tưởng đến khi thành hiện thực chỉ mất 25 ngày. Ban đầu, chúng tôi làm podcast đọc truyện và phát trên các nền tảng Spotify, Google Podcast, Amazon Music, SoundCloud. Sau đó, chúng tôi ra 2 bản tin thời sự mỗi ngày, thu hút khá đông thính giả và phát triển rất ổn định. Với bước đi này, báo Nhân Dân lần đầu tiên có đầy đủ các loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi thay đổi quy trình sản xuất trong toàn báo để hướng dẫn đến chiến lược digital-first. Tin tức giờ đây được đưa lên báo điện tử trước, nhiều nội dung thậm chí theo chiến lược social-first, nghĩa là đăng lên mạng xã hội trước khi làm thành tin bài, hoặc các bài viết trên báo in khi đưa lên phiên bản digital cũng có nhiều bổ sung và tăng tính tương tác.

Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị thông tin, giữa các ấn phẩm, các nền tảng đang giúp cho hệ thống sản xuất và phát hành nội dung trở nên thông suốt và nhịp nhàng. Chúng tôi cũng đang xây dựng một hệ thống quản trị nội dung cho toàn bộ báo chứ không chỉ là CMS cho báo điện tử.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 10.

Khi trình bày về chiến lược digital-first, anh có suy nghĩ gì về khả năng thực hiện ở đại đa số các cơ quan báo chí khác khi mà họ còn đang phải vật lộn để tồn tại qua thời Covid-19 chứ chưa nói đến chuyển đổi số?

Chuyển đổi số không phải là chuyện đầu tư lớn và tốn kém cho các hệ thống công nghệ mà quan trọng nhất là thay đổi về tư duy: từ người lãnh đạo cao nhất trong một tòa soạn cho đến những quản lý cấp trung và xuống đến từng cán bộ, nhân viên.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu nên các tòa soạn tùy theo tình hình thực tế cần xây dựng chiến lược lâu dài, thay vì chỉ loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày. Có nhiều cách để chuyển đổi số: tòa soạn có điều kiện tài chính thì đầu tư lớn, áp dụng những công nghệ tân tiến nhất, tòa soạn có quy mô vừa và nhỏ thì thuê dịch vụ hoặc liên kết với nhau để chia sẻ các dịch vụ.

Báo Nhân Dân bắt đầu quá trình chuyển đổi số khá chậm so với nhiều đơn vị khác nhưng trong 7 tháng qua chúng tôi đã có những bước đi khá nhanh trong khi tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tổng thể. Không phải cái gì cũng giải quyết dễ dàng bằng tài chính, vì bằng chứng là có những cơ quan dư dả tài chính vẫn không biết chuyển đổi số theo cách nào.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 11.

Rất nhiều người nghĩ là khi đã chuyển sang vai trò mới thì anh sẽ không còn chơi Facebook nữa vì nó rủi ro. Thế nhưng, anh vẫn không có gì thay đổi với các hoạt động trên Facebook. Vì sao vậy? Anh có gặp phiền phức gì với các thông tin trên Facebook khi đã trở thành một người có ảnh hưởng lớn trong xã hội?

Tôi dùng Facebook từ khi mạng xã hội này mới ra đời và ở Việt Nam rất ít người sử dụng. Tôi thấy đây là một kênh kết nối khá quan trọng, có thể giúp nâng cao thương hiệu và đưa thông tin đến nhiều người, nhất là những cá nhân/tổ chức có nhiều người theo dõi. Tôi còn sử dụng nhiều mạng xã hội khác chứ không chỉ có Facebook, kể cả Twitter, Skype, LinkedIn, Snapchat, Hangouts, Zalo hay thậm chí Slack, Reddit, Clubhouse cũng đã thử qua.

Đương nhiên, muốn sử dụng hiệu quả mạng xã hội thì cần có kỹ năng về mạng xã hội, mà tôi thì nghiên cứu khá sâu và thậm chí nhiều lần giảng bài về cách thức sử dụng mạng xã hội. Vậy thì có gì phải quan ngại đâu.

Nhưng cần phải hiểu rõ mục đích của mình với từng mạng xã hội, phải chấp nhận những quan điểm khác, phải biết khi nào cần tranh luận và khi nào không nên sa vào những cuộc tranh cãi. Mỗi status tôi quảng bá cho nội dung của báo Nhân Dân thường có hàng trăm, hàng ngàn lượt thích và bình luận, hiệu quả quảng bá lớn như vậy thì cớ gì lại không tận dụng nhỉ.

Sau 8 tháng trở thành Tổng biên tập báo Nhân dân, sự thay đổi lớn nhất với cá nhân anh là gì?

Tôi không thấy có gì thay đổi với cá nhân mình. Tôi đã quen với cường độ làm việc ở TTXVN nên sang báo Nhân Dân cũng vậy thôi.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 12.

 Bên cạnh vị trí mới, anh còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nhà báo và Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Những vai trò mới này tác động như thế nào đối với anh với tư cách là một nhà báo? Liệu anh có thể phải trở thành một nhà quản lý nhà báo hoặc chính khách nhà báo thay cho một nhà báo Lê Quốc Minh vốn rất đam mê với những thay đổi mang tính đột phá cho ngành báo chí Việt Nam?

Tôi tham gia hoạt động hội nhà báo từ gần 20 năm nay, từ cấp thư ký chi hội cho đến phó chủ tịch rồi chủ tịch Liên chi hội TTXVN và nay là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi vốn học sư phạm và hình như cái nghề đào tạo này vận vào người dù tôi thích làm báo.

Làm công tác hội có cái thú vị riêng, và càng ở quy mô lớn thì trách nhiệm càng tăng lên và rộng hơn. Không chỉ dừng ở việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ mà làm công tác hội còn cả việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên, tổ chức hội nghị hội thảo về những vấn đề mới, những hướng đi của báo chí hiện đại, và cả vấn đề đạo đức báo chí, hay việc tham gia xây dựng các quy định pháp lý để hỗ trợ cho hoạt động báo chí.

Tôi không nghĩ nhiều lắm đến sự khác biệt ở từng vị trí, chỉ tâm niệm rằng ở vị trí nào cũng phải cố gắng cao nhất. Tôi vẫn viết báo thường xuyên, vẫn đi giảng bài, thuyết trình tại các hội thảo, vẫn tham gia góp ý cho các luật, quy định pháp lý như lâu nay vẫn làm, có chăng là bây giờ đại diện cho các tổ chức lớn hơn mà thôi. Và ở báo Nhân Dân, tôi vẫn cùng đội ngũ nhân viên trăn trở đổi mới sáng tạo mỗi ngày.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 13.

Trở thành Chủ tịch Hội Nhà báo và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, anh nhìn thấy được những điều gì mà trước đây ở vị trí của một nhà báo, tổng biên tập thì khó hiểu hết về nền báo chí trong nước?

Khi là một tổng biên tập thì tôi chỉ hiểu về tờ báo dưới quyền quản lý của mình, những thông tin về các cơ quan báo chí khác hoặc toàn cảnh báo chí Việt Nam thì chỉ nắm bắt qua các bản báo cáo chung, hoặc điều tra của một số đơn vị.

Giờ đây, ở các vị trí lãnh đạo Hội Nhà báo và kiêm nhiệm chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tôi có thể tiếp cận những báo cáo chi tiết hơn, từ đó có đánh giá tổng thể và sát hơn với thực tế phát triển của báo chí Việt Nam, phục vụ cho việc tham mưu xây dựng chiến lược dài hạn cũng như các kế hoạch trung hạn.

Một kỷ niệm khó quên với cá nhân anh trong năm 2021 trong vai trò Chủ tịch Hội nhà báo và Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương?

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 là một sự kiện vô cùng quan trọng, đã diễn ra và thành công tốt đẹp sau 16 tháng bị trì hoãn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Đúng vào lúc tổ chức đại hội cũng là thời điểm Hà Nội có số ca mắc Covid-19 cao nhất trong cả nước.

Dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng tôi không khỏi lo lắng về sự an toàn cho gần 500 đại biểu từ khắp các vùng miền trong cả nước về tụ hội. Rất may mắn là đại hội diễn ra suôn sẻ theo đúng chương trình đề ra, tất cả các đại biểu đều mạnh khỏe và tràn đầy niềm phấn khích về một nhiệm kỳ mới.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 14.

Năm 2021, không ít người "sống" ở trên mạng nhiều hơn vì có cả trăm ngày giãn cách xã hội. Điều này có đem lại cơ hội và thách thức gì cho ngành truyền thông online nói chung và báo chí nói riêng?

Quả là có nhiều thách thức lớn đối với những cơ quan báo chí chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các nội dung số. Nhiều cơ quan trước đây dựa vào nguồn thu chính từ báo in, nội dung số không có nhiều khác biệt và thuần túy mang tính thông tin. Nay họ phải cạnh tranh, giành sự chú ý của công chúng với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ kênh trên Internet và mạng xã hội. Mà công chúng thì không phải chỉ đọc tin, thậm chí đọc quá nhiều tin về dịch bệnh thì họ dần trở nên mệt mỏi, sau giai đoạn quan tâm ban đầu.

Đã có những cơ quan báo chí nhanh nhạy sản xuất những bộ phim, chương trình giải trí thú vị, có những tờ báo nhanh chóng chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội và thu hút người rất nhiều người theo dõi. Nhưng để biến các thách thức đó thành cơ hội tạo doanh thu thì không đơn giản và không nhiều cơ quan báo chí làm được.

Thành thực mà nói là nhiều công ty truyền thông tư nhân vượt trội hơn về khả năng nắm bắt cơ hội trong năm 2021. Nhưng chúng ta cũng chứng kiến những dấu hiệu lạc quan khi thấy sự đồng hành giữa cơ quan báo chí chính thống và một số đối tác công nghệ trong việc khai thác và kinh doanh nội dung số: thông tin chính thống nhưng cần kỹ năng số thì mới tiếp cận được rộng rãi người dùng và sau đó là cơ hội tạo nguồn thu.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 15.

Nhìn từ góc độ một nhà quản lý về báo chí, đồng thời cũng là một tổng biên tập cơ quan báo chí lớn, anh có nhìn thấy cơ hội cho báo chí trong nước có thể sống khỏe và không bị đè bẹp với các nền tảng số của nước ngoài như Facebook, Google, TikTok…?

Báo chí thế giới cũng đang vấp phải sự cạnh tranh này chứ không riêng gì báo chí Việt Nam, và chúng ta cần nói cho công bằng rằng nhiều công ty công nghệ trong nước cũng muốn đi theo con đường tương tự của các công ty công nghệ đa quốc gia nhưng chưa làm được mà thôi.

Sự cạnh tranh với báo chí đến từ khắp nơi dù là quốc tế hay trong nước, ngay cả từ sự thay đổi về thói quen tiêu dùng thông tin của người dân. Nên trước khi lo ngại với các ông lớn công nghệ thì báo chí cần phải thừa nhận rằng đã đến lúc phải thay đổi để tồn tại.

Cạnh tranh được hay không sẽ nằm ở chỗ các cơ quan báo chí có tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, thu hút người dùng, mang lại nhiều ích lợi cho độc giả, khán thính giả. Cạnh tranh được hay không cũng nằm ở chỗ các cơ quan báo chí có liên kết được với nhau để xây dựng cơ sở người dùng với quy mô đủ lớn để đối chọi với các công ty công nghệ lớn hay tiếp tục hoạt động manh mún, riêng lẻ.

Theo nhiều nghiên cứu, báo chí muốn phát triển trong tương lai thì phải đi theo một trong 2 cách: "big" (quy mô lớn) hoặc "niche" (thị trường ngách đặc thù). Nếu báo chí cứ sản xuất nội dung kiểu "đồng phục" na ná nhau, hoặc chạy theo những nội dung câu view, chất lượng thấp thì đừng nói đến chữ cạnh tranh.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 16.

Anh có suy nghĩ gì khi người Việt Nam "sống" online nhiều hơn, tiền quảng cáo đổ vào online nhiều hơn nhưng miếng bánh doanh thu về thị phần truyền thông lại càng rơi nhiều hơn vào tay các nền tảng số của nước ngoài như Facebook, Google hay TikTok?

Theo báo cáo của tổ chức We Are Social đầu năm 2021, thời gian trung bình mỗi ngày mà người Việt tiêu tốn cho Internet lên tới 6 giờ 47 phút, trong đó 2 giờ 21 phút dành cho mạng xã hội. Đây là sự thay đổi hành vi tất yếu của người dùng.

Vấn đề ở chỗ khi Internet mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, hầu hết các cơ quan báo chí đã quyết định đưa nội dung lên Internet hoàn toàn miễn phí. Rồi khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các cơ quan báo chí lại phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng này để phát hành nội dung, trong một xu hướng được gọi là "distributed content" – nghĩa là nội dung của cơ quan báo chí nhưng được phát hành bởi bên thứ 3.

Khi báo chí nhận ra việc miễn phí nội dung là sai lầm, và việc dựa vào mạng xã hội chỉ thu lại được lượng truy cập chứ không hiểu rõ được độc giả, thì đã quá muộn.

Cuộc "đấu tranh" của các cơ quan báo chí để đòi Google và Facebook chia sẻ doanh thu hoặc của các chính phủ để đòi các ông lớn công nghệ này phải nộp thuế đã xảy ra ở nhiều quốc gia trong nhiều năm qua chứ không riêng gì Việt Nam.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 17.

Chúng ta đã thấy một số bước tiến ở châu Âu và Australia trong năm 2021 khi Google và Facebook đã phải chịu những nhượng bộ nhất định với báo chí. Nhưng những nhượng bộ đó mới dừng lại ở việc tạo lợi ích cho một số tập đoàn báo chí lớn mà thôi, những cơ quan báo chí quy mô nhỏ vẫn chưa được hưởng lợi.

Cơ quan quản lý chức năng và báo chí Việt Nam cần tiếp tục quan sát hành động của các quốc gia, liên minh báo chí ở những nước tiên tiến trong cuộc "đấu tranh" này, đồng thời phải chủ động xây dựng các khung pháp lý phù hợp.

Các cơ quan báo chí cũng phải cân nhắc để đề ra chiến lược phát triển riêng, nhằm tiếp cận trực tiếp độc giả và không phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Chừng nào các cơ quan báo chí còn muốn dựa vào Google, Facebook để có truy cập thì phải chấp nhận kém ưu thế trong cuộc thương lượng với họ.

Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã mạnh dạn rút tin bài của họ khỏi các ứng dụng của bên thứ 3 như Apple News+, không tiếp tục đăng tin trên Facebook… Nhưng muốn đối phó với các công ty công nghệ lớn thì kinh nghiệm cho thấy là các cơ quan báo chí phải liên minh lại với nhau, thống nhất quan điểm, thậm chí cùng chia sẻ cơ sở người dùng để tạo nên đối trọng nhất định với các "ông lớn" này trong việc kinh doanh quảng cáo.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 18.

Khi còn làm Tổng biên tập của VietnamPlus, anh từng đi tiên phong trong loại hình báo chí online thu phí và nhận định nó sẽ là một giải pháp cho báo điện tử. Đến nay, khi mà một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng bắt đầu tiếp bước VietnamPlus thực hiện điều này, anh đã thấy triển vọng sáng hơn chưa?

Tôi bắt đầu nói về thu phí báo điện tử vào năm 2012, khi báo chí thế giới vẫn trong quá trình vừa làm vừa thử nghiệm. Bây giờ thì thu phí đã trở thành điều bình thường đối với báo chí thế giới. Đơn giản là miễn phí thì không thể có kinh phí vận hành tòa soạn và sản xuất ra nội dung chất lượng cao, và báo chí không thể dựa quá nhiều vào nguồn thu quảng cáo.

Đã có một số báo tiếp bước VietnamPlus thu phí đọc báo điện tử nhưng điều cốt yếu nhất là phải có được những nội dung đặc biệt, thậm chí độc quyền, mà điều này thì tôi chưa thấy nhiều trên báo chí Việt Nam những năm qua. Vấn đề thanh toán lâu nay là một khó khăn thì giờ có hướng đi khả quan là mobile money.

Nếu đã quyết theo chiến lược thu phí thì hãy mạnh dạn thử nghiệm. Có đi thì mới thành đường, chứ cứ ngần ngại đứng nhìn và so sánh thiệt hơn thì sẽ không thể làm được bất kỳ kế hoạch nào.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 19.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thu phí chỉ là một trong nhiều mô hình kinh doanh của báo chí, và thu phí cũng là một trong nhiều cách kinh doanh để có nguồn thu từ độc giả. Nhưng thu phí là con đường dài, và không phải là giải pháp thành công cho mọi cơ quan báo chí. Hãy tự tin thu phí, nhưng đừng nhắm tới những mục tiêu xa vời như New York Times hay Wall Street Journal.

Liệu báo Nhân dân có áp dụng thu phí online trong tương lai hay không?

Báo Nhân Dân có sứ mạng riêng nên hiện tại ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đưa tin tức đến với các nhiều người càng tốt, thông qua mọi nền tảng có thể, để tuyên truyền những đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phản ánh mọi mặt hoạt động của xã hội, những tâm tư nguyện vọng của người dân.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 20.

Một nội dung hay cần được đọc nhiều mới có sức ảnh hưởng và lan toả, nhưng với việc dựng lên hàng rào thu phí, sẽ không có nhiều người tiếp cận được. Anh có gì nghĩ là với môi trường miễn phí phổ biến về thông tin báo chí online, điều này có thể gây tác dụng ngược không?

Ai cũng nghĩ sự tiếp cận của độc giả mới là quan trọng, vì thế mới tung mọi nội dung miễn phí lên Internet và nhận ra sai lầm khi đã quá muộn. Tất nhiên, có một số cơ quan báo chí hoạt động với nguồn tài chính từ tài trợ, thiện nguyện, hoặc theo chiến lược miễn phí và sống bằng nguồn thu quảng cáo. Nhưng với đa phần các cơ quan báo chí, họ cần phải coi nội dung như một sản phẩm kinh doanh, họ cần phải bán nội dung để có kinh phí hoạt động.

Trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo với báo in giảm sút, quảng cáo digital thì chảy vào túi Google và Facebook, vậy báo chí cứ miễn phí nội dung thì sống bằng gì? Nhiều nghiên cứu cho thấy một lượng nhỏ người dùng trả phí còn có thể hiệu quả hơn có số lượng truy cập gấp cả chục lần nhưng nguồn thu quảng cáo không tương xứng. Vấn đề nằm ở việc tòa soạn đó chọn chiến lược kinh doanh nào thôi. Tự họ phải quyết định xem mô hình nào là hiệu quả.

Nếu dự báo về báo chí online có thu phí ở Việt Nam, anh thấy khả năng trở thành hiện thực sẽ bao lâu nữa?

Đừng bao giờ lệ thuộc vào dự báo. Bây giờ là thời buổi của "thử nghiệm và chấp nhận mắc sai lầm". Và nếu thấy sai lầm thì rút nhanh. Và như tôi đề cập ở trên, thu phí báo chí online không phải là mô hình kinh doanh duy nhất, và không phải ai áp dụng cũng thành công. Các cơ quan báo chí nên thử nghiệm vài mô hình khác nhau để xem mô hình nào hiệu quả nhất và bền vững nhất.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 21.

Năm 2020-2021, fake news là một vấn nạn trên mạng nhưng nó cũng tạo điều kiện cho báo chí chính thống có cơ hội để khẳng định niềm tin trong đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của anh, cơ hội này giúp ích gì cho các báo trong việc khẳng định vị thế và phát triển tốt hơn trước?

Tin giả và các thuyết âm mưu đã có từ lâu nhưng nó thực sự trở thành vấn nạn kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 và đặc biệt là trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, nhất là tại Việt Nam. Trước đây người Việt không lo ngại lắm với tin giả, nhưng kể từ năm 2020, chúng ta đã chứng kiến hậu quả ghê gớm của nó.

Cũng từ năm 2020, sự tham gia mạnh mẽ của báo chí chính thống cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần giúp Việt Nam bước đầu kiềm chế đại dịch. Người dân từ chỗ không hiểu rõ về virus corona và hoang mang trước đủ loại tin đồn thì sau đó đã tin tưởng vào chính phủ, vào cơ quan chức năng mà một phần là nhờ tuyến thông tin chính thống hiệu quả. Người nước ngoài từ chỗ đánh giá thấp khả năng chống dịch của Việt Nam thì sau đó đã ca ngợi Việt Nam như là một trong những điểm sáng toàn cầu.

Bước sang năm 2021, khi làn sóng dịch thứ 4 hoành hành và gây ra nhiều thiệt hại cho chúng ta cả về người và của, báo chí vẫn là một trụ cột quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, về cách thức phòng chống, về những tấm gương của đội ngũ tuyến đầu, những hình ảnh đẹp giữa tâm dịch về tình đồng bào…

Chính trong đại dịch, nhiều cơ quan báo chí nhận thấy càng đi theo con đường thông tin chính thống thì càng được độc giả, khán thính giả tin tưởng. Tôi tin chắc rằng báo chí chính thống nên tiếp tục cách làm này thì mới có thể tạo sự khác biệt so với vô vàn nội dung khác trên Internet, thay vì chạy đua theo mạng xã hội trong một nỗ lực bất khả thi.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 22.

Theo anh, các cơ quan báo chí truyền thống nên cải thiện điều gì để có thể góp phần đẩy lùi fake news và tạo ra một bức tranh thông tin trên mạng bớt đen tối hơn?

Phát hiện và bóc trần tin giả phải trở thành một phần hoạt động của các cơ quan báo chí. Trên thế giới có rất nhiều dự án kiểm chứng thông tin (fact-check) độc lập và các cơ quan báo chí lớn cũng chủ động tiến hành kiểm chứng thông tin. Thậm chí, họ còn phối hợp với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter để cảnh báo người dùng nếu họ chia sẻ những nội dung bị nghi ngờ là tin giả hoặc đã được kiểm chứng là tin giả.

Tại Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí lập mục Kiểm chứng thông tin trên website nhưng hoạt động này chưa được lan tỏa rộng khắp. Những cơ quan báo chí lớn cũng cần tìm cách hợp tác với các mạng xã hội để cảnh báo người dùng, giống như các đồng nghiệp quốc tế đã làm.

Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch - Ảnh 23.

Anh có dự báo gì về bức tranh của ngành báo chí Việt Nam trong năm 2022 dưới tác động của đại dịch Covid-19?

Năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam. Trong khi có một số chuyên gia dự báo đại dịch Covid-19 sẽ lắng xuống cùng biến thể Omicron, một số khác cho rằng đại dịch sẽ còn kéo dài tới tận năm 2024.

Đại dịch còn tiếp diễn thì điều kiện tác nghiệp cho báo chí còn khó khăn, hoạt động sản xuất nội dung còn trở ngại dù là nội dung cho báo viết, báo nói hay báo điện tử; việc phát hành báo in còn trì trệ, và nguồn thu quảng cáo sẽ còn sụt giảm bởi doanh nghiệp chưa hoạt động ổn định.

Nhưng thời điểm khó khăn này cũng chính là động lực thúc đẩy báo chí phải đổi mới sáng tạo, phát huy tư duy sản phẩm để tạo ra những nội dung hữu ích, hấp dẫn, thậm chí là những cách làm mang lại hiệu quả kinh tế.

Đại dịch cũng là động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí nhanh chóng thực hiện chiến lược chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình tác nghiệp hiện đại, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cơ quan báo chí nào chủ động sẽ có thể nắm bắt được cơ hội, cơ quan báo chí nào chần chừ sẽ có nguy cơ tụt hậu rất sâu.

Xin hỏi anh một câu cuối, mọi người thường nói đến phong cách làm báo khuôn mẫu của báo Nhân Dân với câu "như báo Nhân Dân". Giờ khi làm Tổng biên tập, nghe câu đó, anh có thấy điều gì không ổn không?

Tôi chỉ quan tâm tới quan điểm hiện nay của báo rằng "Nơi nào có nhân dân thì nơi đó phải có báo Nhân Dân".

  Hoàng Ly

  Đỗ Mạnh Cường

  Hương Xuân

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược ‘digital first’ trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO