Kiểm soát thành công dịch bệnh và là một trong số ít những nước trên thế giới có tăng trưởng dương trong năm 2020, Việt Nam được quốc tế công nhận là hình mẫu về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế với GDP năm 2020 là 2,91%. Việt Nam đã vụt lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực châu Á. "Mô hình Việt Nam" đã được quốc tế đánh giá cao và được truyền thông quốc tế đưa tin thường xuyên.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định năm 2020 là "năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua".
Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình phiên họp trù bị sáng ngày 25/1/2020. (Ảnh: TTXVN)
Bước sang năm 2021, Việt Nam bước vào thời điểm quan trọng của lịch sử đất nước với sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2.
Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, 5 Tiểu ban đã được thành lập để soạn thảo các văn kiện chủ chốt cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được công bố lấy ý kiến của quần chúng nhân dân vào tháng 10/2020.
Khi Dự thảo chính thức được công bố, theo các nhà phân tích, đó là phác thảo về tầm nhìn cho một Việt Nam thịnh vượng và phát triển. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.
Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì xu thế phát triển ổn định, nhanh chóng, cải cách và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của các Hiệp định Thương mại nhằm nâng cao hơn vị thế của mình trên trường quốc tế.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Nhận định về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Theo The Global Times, năm 2020, đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc – Việt Nam. Mối quan hệ đối tác đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử nhưng giờ đây hai nước thực sự nỗ lực hợp tác vì một "tương lai chung" trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa vẻ vang.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều trở ngại lớn trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng của hai nước. Tuy nhiên, ngay cả trong một kịch bản căng thẳng như vậy, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và gần đây Việt Nam đã tăng 2 bậc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong bảng xếp hạng. Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, với các chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước chắc chắn sẽ càng phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra các lãnh đạo mới. Ban lãnh đạo mới này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách ngoại giao độc lập, đa phương hóa và đa dạng hóa trên cơ sở độc lập tự chủ.