Thêm một “liên quân” cung cấp dịch vụ ATTT tại Việt Nam

Minh Thiện| 06/11/2019 11:07
Theo dõi ICTVietnam trên

SenSecures khẳng định đưa ra những dịch vụ sáng tạo, chuyên nghiệp và có cam kết rõ ràng về tính hiệu quả, đây sẽ là đối thủ nặng ký với các nhà cung cấp dịch vụ an toàn thông tin (ATTT) tại Việt Nam.

Một liên quân nhiều kinh nghiệm

Trong một thế giới kết nối, các thách thức về ATTT ngày càng lớn và càng phức tạp hơn, trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, sự thiếu hụt về nguồn lực cũng như cách tiếp cận truyền thống không còn phù hợp trước những rủi ro mới. Công ty SenSecures Vietnam ra mắt chính thức sáng ngày 5/11/2019, tại Hà Nội, nhằm đưa ra cách thức mới trong tiếp cận các vấn đề về đảm bảo ATTT.

Sự kiện ra mắt Công ty SenSecures Vietnam có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam - VNISA; Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TTTT) Nguyễn Huy Dũng; Phó Chủ tịch VNISA Võ Văn Mai và các đối tác của Công ty.

Thực chất, SenSecures là một “liên quân” hợp tác giữa Công ty Cổ phần Phân phối Việt Nét (Vietnet) với các hãng McAfee, Menlo Security và Proofpoint. Đây là các đối tác cung cấp nền tảng công nghệ cho các sản phẩm, dịch vụ của SenSecures.

Phát biểu chào mừng tại Lễ ra mắt SenSecures, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TTTT, cho biết: Việt Nam là một quốc gia đang ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) hết sức mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam coi an toàn an ninh mạng là một trong những yếu tố sống còn trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Công tác bảo đảm ATTT mạng Việt Nam thời gian qua được đặc biệt chú trọng”.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT phát biểu chào mừng tại Lễ ra mắt SenSecures

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Bộ TTTT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT nói chung, về ATTT mạng nói riêng, đã tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.

“Chúng tôi chú trọng tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo ra một môi trường với thị trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN trong nước và quốc tế cùng tham gia. Trên tinh thần đó, chúng tôi cho rằng, lựa chọn của SenSecures trong việc tham gia hiện diện tại thị trường Việt Nam là sự lựa chọn chiến lược. Thị trường dịch vụ ATTT mạng Việt Nam theo chúng tôi ước tính tăng trưởng gấp đôi sau mỗi năm vì đây là thị trường mới nổi”, ông Nguyễn Huy Dũng nhận xét.

Hiện hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng đề nghị SenSecures tìm hiểu, nắm bắt những quy định, quy phạm pháp luật của Việt Nam để có thể tuân thủ một cách chặt chẽ. Kinh doanh dịch vụ an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, Cục ATTT sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ để SenSecures có điều kiện tốt nhất để tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Chúng tôi cũng mong muốn rằng, với sự tham gia của đối tác toàn cầu mang đến tri thức, đặc biệt là những quy trình cung cấp và quản lý chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp vào thị trường Việt Nam, và tất nhiên là kết hợp với nguồn nhân lực tại Việt Nam để giải quyết được bài toán cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong nước về vấn đề ATTT. Cục ATTT cam kết tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa tất cả những đối tác tham gia, không có sự phân biệt. Sự tham gia của SenSecures cùng các công ty cung cấp giải pháp ATTT đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp mở rộng khai thác thêm nữa thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ATTT.

Là cơ quan quản lý nhà nước,Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh mong muốn: "Việt Nam trở thành nơi thu hút được nhiều DN toàn cầu vào hợp tác kinh doanh, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một trung tâm phát triển sôi động về an toàn an ninh mạng của khu vực và thế giới. Tôi tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm sẵn có từ các đối tác quốc tế sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường dịch vụ an toàn an ninh mạng Việt Nam”.

Các vị đại biểu và đối tác tham dự Lễ ra mắt SenSecures Vietnam

Công ty TNHH MTV SenSecures kế thừa kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường trong lĩnh vực ATTT của đội ngũ sáng lập, là những chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm làm việc trong ngành ICT nói chung và lĩnh vực ATTT nói riêng từ 10 đến hơn 30 năm tại Việt Nam và khu vực.

Đồng hành với SenSecures là những tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực an toàn bảo mật thông tin hãng McAfee, Menlo Security và Proofpoint. Những đối tác này của SenSecures cam kết cung cấp cho các tổ chức, DN tại Việt Nam những dịch vụ ATTT với công nghệ mới và tiên tiến nhất, dễ dàng tiếp cận, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.

Ông Shum Mew Toong - Giám đốc điều hành của SenSecures – khẳng định: Sứ mệnh của Công ty là đồng hành cùng các tổ chức, DN Việt Nam trong việc ứng phó với vấn đề an toàn thông tin, lấp đầy những thiếu hụt trong cách tiếp cận truyền thống về ATTT một cách hiệu quả nhất. Cam kết đồng hành cùng DN ứng phó với mọi tình huống ATTT có thể xảy ra.

Bị hẫp dẫn bởi nền kinh tế số Việt Nam đầy tiềm năng

Ông Shum Mew Toong kỳ vọng rất cao vào sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực. Giải thích tại sao SenSecures chọn Việt Nam là đất nước đặt chân đầu tiên trong khu vực ASEAN, ông Shum Mew Toong chia sẻ: Chúng ta đều biết trong nền kinh tế hiện nay sự tham gia của thành phần kinh tế số là một con số rất lớn nhưng lớn như thế nào thì có lẽ chúng ta chưa được cập nhật thông tin mới nhất về thị trường. Năm 2018 tổng GDP của Việt Nam chỉ vào tầm 200 tỷ USD thì đến năm 2025 thì toàn bộ doanh thu dự kiến của kinh tế số khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã là con số khoảng 300 tỷ USD. Từ năm 2015 cho đến năm 2018, thống kê cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số tại Việt Nam trên GDP có tốc độ tăng trưởng trung bình là 38%/năm. 

Đây là một điều đáng mừng. Đặc biệt hơn, nếu nhìn nó trong bức tranh tổng thể tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số so với sự tăng trưởng GDP thì hiện tại Việt Nam và Indonesia đang là hai nước dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng hàm lượng của kinh tế số trong tăng trưởng chung của GDP.

Ông Shum Mew Toong - Giám đốc điều hành của SenSecures

Năm 2016, chúng ta đã chứng kiến có đến 23 tỷ USD để đầu tư vào kinh tế số của Singapore. Trong khi đó, năm 2018 con số đầu tư này ở Việt Nam mới khoảng 1 tỷ USD. Rõ ràng đây là một cơ hội cho Việt Nam vì người ta muốn phát triển kinh tế số chắc chắn phải có sự đầu tư. Chúng ta sẽ nhìn thấy dòng tiền chuẩn bị đổ vào Việt Nam trong tương lai gần để phát triển kinh tế số, đặc biệt dòng tiền sẽ tập trung vào một vài ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn của kinh tế số.

Theo báo cáo của E-conomy 2019 cho thấy có 7 khu vực thành thị chiếm tỷ trọng rất lớn. được coi là khu vực metro trong việc phát triển nền kinh tế số, trong đó Việt Nam đóng góp hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta có thể thấy rõ hơn, 15% dân số thuộc khu vực đô thị lại đóng góp 52% về doanh số cho nền kinh tế số.

Như vậy, nếu một đô la đầu tư vào thị trường khu vực nông thôn thì sẽ chắc chắn sẽ có từ 5 - 6 USD được đầu tư vào khu vực thành thị. Rất nhiều dịch vụ từ khâu tiêu dùng tới thanh toán sẽ chuyển sang số hóa. 

“Nhưng điều đáng chú ý là sự dịch chuyển rất lớn về lượng từ năm 2019 so với năm 2025. Năm 2019 thì chúng ta thấy là nếu có 100 tỷ USD được bỏ ra đầu tư cho nền kinh tế thì chỉ khoảng 1/3 số đó rơi vào kinh tế số. Nhưng một vài năm sau, đến năm 2025 thì trong 2,3 nghìn tỷ USD được đầu tư cho nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì 1,1 tỷ USD thuộc về kinh tế số. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta có sự tăng trưởng bền vững 38% mỗi năm kể từ năm 2015 đến nay”, ông Shum Mew Toong nhấn mạnh.

Trong một thị trường nhiều hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức như vậy, SenSecures đã chọn Việt Nam là nơi để đặt bước chân đầu tiên. SenSecures sẽ đóng góp một phần nhỏ vào trong sự phát triển chung của nền kinh tế số tại Việt Nam, nhưng đây là sự đóng góp rất quan trọng vì tất cả chúng ta đều muốn phát triển bền vững và an toàn.

“Chính vì thế chúng tôi đã bắt đầu với các dịch vụ về ATTT. Điều quan trọng nhất là toàn bộ cộng đồng toàn bộ xã hội toàn bộ người dân của Việt Nam phải nâng cao nhận thức của mình về ATTT. Chúng ta phải biết được ATTT cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) hay quốc gia đều là điều sống còn để chúng ta có thể cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế số”, ông Shum Mew Toong chia sẻ.

Hướng tới dịch vụ chuyên nghiệp

Khi các tổ chức, DN có tiền đầu tư cho ATTT, các đơn vị hoàn toàn có thể mua các giải pháp và các dịch vụ. Nhưng nếu chúng chỉ được cài đặt không thôi đôi khi lại tiềm ẩn các lỗ hổng để có thể bị tấn công. Chính vì thế, xu hướng hiện nay, các tổ chức, DN trên thế giới ít mua các giải pháp về để tự trang bị cho mình mà thườnglà sẽ nghiên cứu chuyển dần nhu cầu sang sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Quý, Giám đốc phát triển kinh doanh SenSecures Việt Nam, giới thiệu sứ mệnh hoạt động của công ty

Chia sẻ về hướng phát triển của SenSecures, ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Công ty, cho biết: “Chúng tôi có một dải rộng các dịch vụ sẽ được triển khai từ nay cho đến trong tương lai và lộ trình của chúng tôi chia làm nhiều pha. Dịch vụ đầu tiên mà chúng tôi triển khai đó chính là dịch vụ đào tạo để tạo ra những nhận thức tốt hơn về ATTT cho các tổ chức, DN và người dùng cuối".

Sau dịch vụ về đào tạo, ông Hùng cho biết: "Chúng tôi sẽ cung cấp nhóm dịch vụ chuyên nghiệp, đòi hỏi quá trình tư vấn, triển khai do những chuyên gia có trình độ cao của các hãng trực tiếp thực hiện, sử dụng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Tiếp theo chúng tôi sẽ triển khai các dịch vụ quản trị ATTT cho khách hàng. Đây là một hướng tiếp cận mới. Mặc dù chủ trương sử dụng dịch vụ thuê ngoài ở Việt Nam đã được bật đèn xanh từ khoảng 2, 3 năm trước, nhưng tập quán sử dụng hầu hết các khách hàng hiện nay khi có nhu cầu thì chủ yếu là mua sắm các giải pháp về và tự cài đặt, tự vận hành. Trong khi đó, xu hướng về áp dụng các dịch vụ quản trị thì đã rất phổ biến trong khu vực và trên thế giới. Theo lộ trình, chúng tôi sẽ giới thiệu những dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ trên điện toán đám mây đến các khách hàng”.

Lãnh đạo SenSecures và đại diện đối tác trao đổi cùng các phóng viên về hoạt động cung cấp dịch vụ của Công ty

Vì là “liên quân” từ những nhà cung cấp dịch vụ ATTT đã có danh tiếng trên toàn cầu, SenSecures sẽ lấy những giải pháp mới nhất, phù hợp nhất từ McAfee, Menlo Security và Proofpoint để cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam.

Ông Ngô Việt Khôi, Giám đốc Công nghệ của SenSecures cho biết: Các dịch vụ Công ty sẽ cung cấp bao gồm 3 nhóm chính: Dịch vụ Đào tạo nhận thức ATTT được cung cấp từ Proofpoint (Security Awareness Training); Dịch vụ tư vấn đánh giá ATTT cho DN từ McAfee (Assessment/Pentesting/Consultant); Dịch vụ ngăn chặn hiểm họa qua Web/E-mail dựa trên nền tảng công nghệ cách ly của Menlo Security (Isolation Technology).

Ông Khôi khẳng định, các dịch vụ mà Công ty cung cấp hoàn toàn khác biệt và chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho khách hàng. Chúng tôi nhìn thấy cái sự thiếu hụt và những khoảng cách giữa cách làm truyền thống về ATTT tại Việt Nam với khả năng chống chọi với các nguy cơ không ngừng gia tăng. SenSecures tiếp cận và lấp đầy những khoảng cách này.

Một loạt những dịch vụ ATTT chuyên nghiệp như: dịch vụ đào tạo chuyên sâu phân tích mã độc; dịch vụ tư vấn phân loại dữ liệu và chống thất thoát dữ liệu; dịch vụ tư vấn xây dựng Trung tâm vận hành giám sát ATTT; dịch vụ tư vấn xây dựng chương trình phản ứng khi có sự cố ATTT; dịch vụ giám sát ATTT thuê ngoài… sẽ được công ty từng bước triển khai một cách bài bản để cung cấp đến khách hàng với độ tin cậy cao, có cam kết rõ ràng.

Sự kiện ra mắt Công ty SenSecures Vietnam với sự hợp tác của các “đại gia” trong lĩnh vực ATTT toàn cầu, được kỳ vọng mang lại cái nhìn mới về cách đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong các tổ chức, DN Việt Nam. Đồng thời, các DN đang cung cấp dịch vụ ATTT trong nước cũng phải tăng cường đổi mới để giữ vững vị trí cạnh tranh trên thị trường.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thêm một “liên quân” cung cấp dịch vụ ATTT tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO