Thí điểm xây dựng ĐTTM ở Vĩnh Long: Những khó khăn và định hướng cho năm 2021

Bảo Bình| 04/06/2021 08:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù việc triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đúng lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, song lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long khẳng định "thí điểm không có nghĩa là xem cho biết, làm cho biết, mà thí điểm là để thực hiện và đánh giá, để triển khai thực tế".

Thực hiện Quyết định số 3288/QĐ-UBND, ngày 07/12/2020, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt "Kế hoạch đánh giá kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long", Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) và dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, đồng thời Sở đã thành lập Tổ triển khai và phân công cán bộ phụ trách các nội dung liên quan đến triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.

Theo kế hoạch triển khai thí điểm các dịch vụ ĐTTM ở Vĩnh Long, các dịch vụ và ứng dụng của ĐTTM bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, nhằm quản lý và cung cấp các dịch vụ thông minh của các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, du lịch, giám sát dịch vụ công,… cho người dân, doanh nghiệp (DN), chính quyền và các đối tượng khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Những khó khăn trong quá trình thí điểm xây dựng ĐTTM

Việc triển khai thí điểm xây dựng ĐTTM Vĩnh Long bắt đầu vào khoảng đầu năm 2020. Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết quá trình triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM của tỉnh có nhiều thuận lợi như được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố.

Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như việc xây dựng ĐTTM được triển khai khi kiến trúc ĐTTM của tỉnh ban hành, do đó trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn về mô hình, về kết nối và sự phối hợp các đơn vị. Một số dịch vụ sau khi triển khai có số lượng người dùng còn hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả cao. Hệ thống kết nối camera đa số từ các hệ thống có sẵn với chất lượng camera chưa cao, qua đó ảnh hưởng đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát điều hành. Đặc biệt, "tâm lý thí điểm" cũng gây ra một số khó khăn khi triển khai.

"Các ứng dụng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh; các nền tảng, công nghệ mới khi xây dựng các ứng dụng phải đảm bảo liên thông và chia sẽ dữ liệu nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật cần nhiều thời gian để tiếp cận để vận hành hệ thống hoạt động ổn định và tiếp nhận các công nghệ. Trong khi đó, số lượng cán bộ kỹ thuật chủ yếu Trung tâm CNTTT&TT của Sở TT&TT còn ít nên đôi lúc gặp khó khăn", Tổ chuyên gia đánh giá kết quả triển khai thí điểm cho biết. Ngoài ra, việc triển khai thí điểm ĐTTM Vĩnh Long diễn ra đúng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nên có những thời điểm phải giãn cách, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Theo ý kiến của tổ chuyên gia, xây dựng ĐTTM là một lĩnh vực mới đối với địa phương, vì vậy cần đầu tư nhiều thời gian để tiếp cận cách triển khai. "Đơn cử như có rất nhiều công nghệ để triển khai ĐTTM, thậm chí mỗi lĩnh vực lại có những công nghệ khác nhau, các tiếp cận khác nhau, vì vậy cần có thời gian tìm hiểu, thực hiện".

Xác định xây dựng ĐTTM là xu hướng tất yếu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm, lãnh đạo Sở TT&TT khẳng định "thí điểm không có nghĩa là xem cho biết, làm cho biết, mà thí điểm là để thực hiện và đánh giá, để triển khai thực tế và triển khai đồng bộ, tổng thể, không manh mún". Tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục tìm hiểu các xu hướng công nghệ, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng phù hợp với tình hình địa phương.

Bước đầu xây dựng thành công ứng dụng công dân Smart Vĩnh Long

Smart Vĩnh Long chính là một trong những kết quả thành công của quá trình thí điểm xây dựng ĐTTM ở địa phương. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nền tảng dành cho người dân, DN mang tên Smart Vĩnh Long hoặc trang tiếp nhận phản ánh hiện trường của của tỉnh tại địa chỉ https://congdan.vinhlong.gov.vn. Đây là ứng dụng dành cho công dân tỉnh Vĩnh Long, giúp người dân cập nhật được tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, y tế giáo dục; gửi ý kiến phản ánh, góp ý, chia sẻ dữ liệu đến cơ quan nhà nước (CQNN) và từ đó CQNN cũng sẽ tiếp cận nhanh hơn những ý kiến của người dân.

Theo lãnh đạo Sở TT&TT Vĩnh Long, ứng dụng Smart Vĩnh Long dành cho công dân trong tỉnh hiện đã được cung cấp trên các kho ứng dụng App Store của Apple và Google Play. Nhìn chung, bước đầu dịch vụ đã được người dân đón nhận. Với ứng dụng Smart Vĩnh Long, người dân sẽ có một kênh thông tin mới, hiệu quả với chính quyền.

Ứng dụng Smart Vĩnh Long cũng là một thành công trong quá trình triển khai, xây dựng thí điểm ĐTTM ở địa phương. Để đạt được thành công này, một vấn đề rất quan trọng là cơ quan nhà nước phải phản hồi nhanh nhạy với các ý kiến của công dân, được phản ánh qua ứng dụng.

"Khi người dân thấy ý kiến của họ được lắng nghe, được phản hồi nhanh, họ sẽ càng quan tâm và chia sẻ thông tin, ý kiến cho cơ quan chức năng. Mối tương tác giữa công dân và CQNN từ đó sẽ ngày càng tăng lên. Nhận thức được những lợi ích khi chính quyền triển khai xây dựng ĐTTM, từ đó, người dân sẽ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng ĐTTM ở tỉnh", Lãnh đạo Sở TTT&TT Vĩnh Long cho biết.

Thí điểm xây dựng ĐTTM ở Vĩnh Long: những khó khăn và định hướng cho năm 2021 - Ảnh 1.

Smart Vĩnh Long là ứng dụng dành cho công dân tỉnh Vĩnh Long, giúp người dân cập nhật tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, y tế giáo dục...

Những kết quả bước đầu của dịch vụ ĐTTM tại Vĩnh Long

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Vĩnh Long đã triển khai thí điểm nền tảng ĐTTM với các chức năng cơ bản theo đúng hướng dẫn của Cục, các nội dung trong triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM đã giúp địa phương bước đầu tiếp cận với các nội dung còn mới trong phát triển ĐTTM trong khi chưa phải mất chi phí triển khai. Kết quả triển khai thí điểm sẽ giúp địa phương có được kinh nghiệm từ thực tiễn khi triển khai chính thức về sau.

Việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM năm 2020 tại Vĩnh Long đã đạt một số hiệu quả, như xây dựng nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu, các ứng dụng trong thí điểm Dịch vụ ĐTTM đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng trong bản thân các ứng dụng trong ĐTTM mà còn kết nối với các ứng dụng đã triển khai trước đó của tỉnh như chính quyền điện tử. Các ứng dụng được xây dựng phù hợp cho tất cả thiết bị (máy tính bàn, laptop, tivi, iPad, điện thoại thông minh,…) cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức. Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM và các dịch vụ thí điểm ĐTTM của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người dân, DN cơ quan nhà nước cũng như đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh.

Dịch vụ phản ánh hiện trường, đáp ứng yêu cầu giao tiếp của người dân, DN với cơ quan nhà nước, tổng hợp thông tin từ chính quyền, thông tin khẩn cấp, dịch vụ công. Tính đến hết tháng 05/2021, ứng dụng Smart Vĩnh Long đã hỗ trợ 02 nền tảng di động lớn là Android và iOS, dịch vụ đã tiếp nhận 160 kiến nghị, đã xử lý 154 kiến nghị (các ý kiến còn lại đang xử lý). Ứng dụng đã tích hợp các dịch vụ phục vụ người dân bao gồm phản ánh hiện trường, giáo dục, y tế, du lịch thông minh.

Mặc dù các phản ánh, ý kiến người dân còn ít do hiện nay chỉ thực hiện thí điểm một số lĩnh vực. Dịch vụ y tế thông minh cũng đã được tích hợp trong ứng dụng di động phục vụ người dân, cung cấp thông tin trong lĩnh vực y tế cho người dân như số điện thoại cấp cứu, kết nối 32 camera theo dõi y tế trên địa bàn TP. Vĩnh Long.

Trung tâm IOC của tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tích hợp các thông tin về tình hình xử lý dịch vụ công để thực hiện giám sát tại IOC. Ngoài ra, hệ thống cũng kết nối tín hiệu 51 camera tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ứng dụng cho phép theo dõi chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh, các dữ liệu báo cáo, tích hợp thông tin từ các hệ thống chính quyền điện tử để theo dõi tiến độ, kết quả xử lý, hệ thống chỉ đạo, điều hành và tương tác nội bộ, hệ thống họp thông minh. Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) được triển khai với Trung tâm IOC do đó tiết kiệm nhân lực vận hành cả hai hệ thống, đồng thời bảo đảm được sự phối hợp tốt trong xử lý sự cố về kỹ thuật.

Tiếp tục triển khai ĐTTM phù hợp với điều kiện của địa phương

Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết Vĩnh Long sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu với Lãnh đạo tỉnh triển khai ĐTTM phù hợp với các điều kiện của địa phương. Xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số và dịch vụ ĐTTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chú trọng công tác vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị.

Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng Trung tâm IOC, Trung tâm SOC, trong đó tập trung thực hiện các kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với hệ thống, dịch vụ đã triển khai trước đó từng bước hình hành hệ thống đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt, cần phát triển các hệ thống, dịch vụ ĐTTM phù hợp với yêu cầu của người sử dụng; mở rộng triển khai một số lĩnh vực cần thiết cho các ngành; phân tích làm rõ hiệu quả kinh tế, xã hội, tài chính của các dịch vụ phát triển ĐTTM được đề xuất triển khai.

Vĩnh Long sẽ nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số ĐTTM (KPI) sát với thực tế của địa phương và định kỳ thực hiện đo lường kết quả để có những điều chỉnh phù hợp. Các ban ngành sẽ thiết lập cơ chế để tiếp nhận và kịp thời xử lý các phản ánh của người dân, DN đối với việc sử dụng dịch vụ.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Vĩnh Long đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là TP. Vĩnh Long trở thành đô thị vệ tinh độc lập trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, có tính kết nối, phát triển bền vững; phát triển TP. Vĩnh Long là một trọng tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm xây dựng ĐTTM ở Vĩnh Long: Những khó khăn và định hướng cho năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO