Xu thế chuyển đổi đồng - quang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ
Nếu như cuối năm 2011 toàn thị trường băng rộng cố định (bao gồm cả ADSL và FTTx) tại Việt Nam chỉ mới đạt 4,08 triệu thuê bao thì sau gần 5 năm, con số này đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt 8,19 triệu thuê bao vào thời điểm tháng 5/2016. Như vậy, mức thâm nhập (số đường băng rộng/hộ gia đình) tại Việt Nam đã đạt 37%, nghĩa là cứ 3 hộ gia đình thì có hơn 1 hộ sử dụng băng rộng cố định.
Biểu đồ: Tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định giai đoạn 2011 - 2015 (Đơn vị tính: Triệu thuê bao) - Nguồn: MIC
Một điểm đáng lưu ý là dù thị trường băng rộng cố định nói chung phát triển ổn định nhưng trong từng phân khúc lại có các xu hướng phát triển trái ngược nhau. Trong khi thị trường cáp đồng (ADSL) giảm khá mạnh thì thị trường cáp quang FTTx lại phát triển bùng nổ.
Nếu như tháng 4/2013 mới có 4,3 triệu thuê bao ADSL thì đến tháng 4/2016 con số này chỉ còn 2,8 triệu. Nghĩa là đã có khoảng 1,5 triệu thuê bao ADSL “bốc hơi” khỏi thị trường. Hầu hết số thuê bao “bốc hơi” này là do chuyển đổi từ ADSL sang FTTH do giá giữa hai dịch vụ đã không còn chênh lệch nhiều chứ không phải do thuê bao rời bỏ nhà mạng.
Trong khi đó, thị trường FTTH chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại. Nếu như tháng 4/2013 mới chỉ có 0,21 triệu thuê bao thì đến tháng 4/2016 con số này đã là 4,5 triệu. Gấp 21 lần chỉ sau 3 năm! Một con số đáng kinh ngạc.
Xu hướng dịch chuyển từ đồng - quang là điều mà các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel, FPT... đều đã dự liệu trước đó bởi đó là xu thế chung toàn cầu. Tuy nhiên, dù tất cả đều dự liệu được xu hướng thị trường thì tác động của nó lên các nhà mạng vẫn khác nhau.
VNPT với lượng thuê bao cáp đồng ADSL đã phát phát triển tích lũy từ thời “chưa có khái niệm cáp quang” tại Việt Nam đương nhiên bị tác động nhiều nhất. Trong khi các doanh nghiệp có tuổi đời trẻ hơn như Viettel, FPT lại bị tác động không đáng kể. Có thể nói con số 1,5 triệu thuê bao cáp đồng “bốc hơi” ở trên thì phần lớn là của VNPT. Do đó trong giai đoạn này, VNPT bên cạnh phát triển thuê bao quang mới thì còn “vất vả” hơn các nhà mạng khác do phải thực hiện chuyển đổi rất mạnh các thuê bao từ đồng sang quang. Đồng thời phải chăm sóc tốt khách hàng ADSL để đảm bảo nếu họ có nhu cầu chuyển đổi sang quang thì vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của VNPT.
Thuê bao băng rộng của VNPT: tăng trưởng bình quân 10%/năm giai đoạn 2011 - 2015
Tuy nhiên, bất chấp những bất lợi do xu thế chuyển dịch từ đồng - quang, thuê bao băng rộng cố định của VNPT vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, nếu như năm 2011, VNPT có 2,73 triệu thuê bao băng rộng thì đến hết tháng 4/2016 con số này là 4,1 triệu thuê bao (Biểu đồ). Như vậy số lượng thuê bao thực tăng của VNPT trong giai đoạn này là 1,4 triệu thuê bao, chưa kể số lượng không nhỏ thuê bao chuyển đổi từ đồng sang quang.
Biểu đồ tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định (bao gồm cả FTTx và ADSL) của VNPT trong giai đoạn 2011 - nay (Đơn vị tính: Triệu thuê bao; Nguồn: MIC)
Xét về tốc độ tăng trưởng, trong giai đoạn bốn năm (2011-2015), số lượng thuê bao của VNPT đã tăng 140%, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân là 10%/năm. Trong khi giai đoạn 2011-2014 tốc độ tăng khá thấp chỉ từ 1-6%/năm thì giai đoạn 2014-2015 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến với mức tăng 23%. (Bảng dưới). Sang năm 2016, tốc độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì với việc tăng trưởng 7% chỉ trong 4 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu duy trì tốc độ tăng của 4 tháng đầu năm cho 8 tháng tiếp theo của năm 2016 thì tốc độ tăng trưởng thuê bao của VNPT năm 2016 so với 2015 sẽ ở khoảng 21%.
Bảng tổng hợp các chỉ số phát triển băng rộng cố định qua từng năm của VNPT
Những số liệu đó cho thấy thuê bao băng rộng của VNPT đang phát triển tốt và có xu hướng đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao.
Thị phần và số lượng thuê bao: Mối quan hệ không tuyến tính!
Tuy nhiên, dù thuê bao thực tăng mạnh và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, thị phần của VNPT vẫn giảm từ 67% ở năm 2011 xuống 50% vào thời điểm hiện nay (Bảng trên). Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc thuê bao của VNPT sụt giảm bởi thị phần và số lượng thuê bao không có mối quan hệ tuyến tính!
Số liệu từ bảng trên cho thấy, bất chấp thuê bao băng rộng của VNPT tăng mạnh từ 2,73 triệu lên 4,1 triệu trong giai đoạn từ tháng 11/2011 đến nay thì thị phần của VNPT vẫn giảm từ 67% xuống còn 50%. Điều này là do dung lượng thị trường lớn ra với sự “tham chiến” của nhiều nhà mạng. Tỷ lệ nhỏ của một miếng bánh lớn đôi khi lớn hơn nhiều so với tỷ lệ lớn của miếng bánh nhỏ.
Cuối cùng, "cuộc chiến" trong thị trường băng rộng cố định luôn là cuộc chơi dài hạn bởi chi phí đầu tư lớn, hồi vốn chậm. Do đó chiến thắng thuộc về nhà mạng nào là câu chuyện toàn trình chứ không mang tính thời điểm./.