“Buổi sáng luôn là thời gian yêu thích trong ngày của Nina. Trước khi bị ốm, cô ấy thường bật ra khỏi giường ngay khi có tia nắng đầu tiên, và cô ấy khăng khăng đòi mở rèm lúc đi ngủ, ngay cả khi chúng tôi ở trong một khách sạn với phía đông hướng ra sa mạc. Có vẻ phù hợp khi cô ấy qua đời vào 6 giờ sáng ngày 26 tháng Hai, ngay trước khi mặt trời lên cao”, Trích lời của John Duberstein, chồng của Nina Riggs quá cố.
Tôi đọc xong cuốn sách này vào một buổi sớm mùa xuân, tại một quán cà phê vắng người nơi phố cổ. Gấp lại trang sách cuối cùng, tôi thấy mắt mình ươn ướt. Tại sao lại vậy nhỉ? Tại vì hơi ấm ngọt ngào của mùa xuân, dư vị nồng nàn của ly cà phê tôi đang uống, hay là do cuốn sách tôi đang đọc đã thì thầm với tôi điều gì?
“Thời khắc tươi đẹp” đối với tôi là một cuốn nhật ký, một cuốn nhật ký từ một người xa lạ. Thật kỳ lạ, khi ngay cả những người lạ không quen biết cũng có thể dạy cho ta một điều gì đó từ trải nghiệm cuộc sống của họ. Nina là một nhà thơ, với một người chồng hết mực yêu thương cô và hai cậu con trai kháu khỉnh luôn âu yếm mẹ. Cô bị chẩn đoán với căn bệnh ung thư vú vào tuổi trung niên - căn bệnh đã di truyền trong gia đình cô qua nhiều thế hệ, quái ác như một lời nguyền.
Nina đã dành những ngày cuối cùng của đời mình để ghi lại những chiêm nghiệm vào trong cuốn sách, giữa những máy móc dây rợ hỗ trợ sự sống và cơn đau thoi thóp sau những buổi xạ trị tàn khốc.
Cuốn sách được chia làm bốn phần: Giai đoạn một, hai, ba và bốn - tương ứng với từng giai đoạn phát triển căn bệnh ung thư ác tính của Nina.
Những trang sách tràn ngập khung cảnh quen thuộc của bệnh viện: “Các cỗ máy phát tiếng bíp. Ánh sáng mờ lúc 3 giờ sáng ở hành lang. Hàng ghế nhựa hẹp và phiếu theo dõi. Mái tóc xơ xác của tôi. Đồ đạc vứt bừa trên ghế, cái túi ung thư vú màu hồng. Cuộc diễu hành bất tận của các kỹ thuật viên, y tá và bác sĩ.”
Điểm xuyết trong đó là những nỗi đau. “Thật khó để nói chính xác nỗi đau hình thành những ngày của tôi như thế nào; nó thay đổi như thời tiết, như cà chua, như một đứa trẻ. Đôi lúc nó tìm thấy tôi khi vừa đặt lưng lên giường; đôi lúc là chỉ sau khi tôi ở quá lâu tại một bữa tiệc; đôi lúc đó là tất cả về tôi – bản thân thật sự của tôi – và những lần khác tôi chỉ nhận ra nó trên khuôn mặt và điệu bộ của người khác ...”
Như ánh sáng của ánh trăng soi rọi qua những đám mây u tối, những chiêm nghiệm tuyệt đẹp của Nina trong lúc chống chọi với căn bệnh quái ác cũng được đan cài trong những đoạn văn nhỏ nhắn nhưng đầy ý thơ. Đôi lúc, sự chiêm nghiệm ấy là nỗi tiếc thương khi ngắm nhìn những điều bình an thường nhật: “Mùi vị chiếc bánh sandwich phô mai nướng, đôi tất của tôi tạo cảm giác tuyệt như thế nào, một bài hát John đang chơi trong bếp.”
Đôi lúc, chiêm nghiệm ấy lại mang tính triết lý, như lời nói của một người thông thái vừa chia sẻ, vừa răn dạy sự trân trọng cuộc sống cho thế hệ sau, như một đoạn trích mà Nina đã chép lại từ nhật ký của Emerson, năm 1838: “Tôi vui mừng với thời khắc ẩm thấp, ấm áp, lấp lánh, vừa chớm nở và du dương xuyên qua những bức tường hẹp của tâm hồn tôi, kéo dài rung động và sinh khí đến tận chân trời. Đó là buổi sáng, một thời khắc tươi đẹp để thôi là tù nhân của cơ thể ốm yếu này, để trở nên rộng lớn như thế gian …”
Hài hước, triết lý, song cũng không kém phần cảm động, đó là những tính từ mà tôi muốn dành cho cuốn sách nhỏ bé này. Là một cuốn sách với những câu chuyện nhỏ xoay vần quanh chủ đề sự chết, nhưng “Thời khắc tươi đẹp” lại có khả năng dạy cho chúng ta hiểu được rằng thế nào mới là sống.
Cuốn sách như một lời cầu nguyện đẹp xinh, buồn nhưng đong đầy tình người, với những vần điệu đong đầy tính thơ có khả năng mở lối đi sâu vào trái tim con người.