Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã chủ trì phiên họp. Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất năm 2017 để lựa chọn và đóng góp ý kiến cho mẫu thiết kế bộ tem bưu chính và tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo “Thông tư quy định một số nội dung về tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm” thay thế cho Quyết định số 90/2003/QĐ-BBCVT ngày 15/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TTTT) về việc ban hành “Quy định về việc phát hành tem bưu chính kỷ niệm”.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng
Sau khi nghe Tổ giúp việc Hội đồng giới thiệu ý tưởng sáng tác, thuyết minh nội dung thể hiện trên các mẫu thiết kế tem, đề xuất ý kiến thẩm định sơ bộ và ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung: Số lượng mẫu thiết kế của các bộ tem trình Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đúng theo quy định hiện hành và Tổng số lượng mẫu thiết kế trình Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính phiên họp lần thứ nhất năm 2017 gồm 3 bộ tem, trong đó có 1 bộ tem kỷ niệm và 2 bộ tem chuyên đề.
Cụ thể, tem kỷ niệm gồm 1 bộ tem:
Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967 - 2017)”, gồm 1 mẫu, có 3 phương án. Các nội dung được đề nghị chỉnh sửa gồm: Thể hiện 3 bông hoa (sen nở, chớm nở và nụ); đối với bông sen nở, chọn bông hoa khác đẹp hơn; Giảm tỷ lệ logo ASEAN Post; Nghiên cứu thể hiện hình ảnh trống đồng...
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc cơ quan chuyên ngành khác có thẩm quyền là cơ quan xác nhận bộ tem.
Tem chuyên đề, gồm 2 bộ tem:
Bộ tem “Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản văn hóa thế giới”, gồm 3 mẫu và 1 blốc.
Bộ tem cần thể hiện các mẫu vật sau: mẫu 1: Đầu rồng thời Lý (Hoàng thành Thăng Long); mẫu 2: Đầu chim phượng thời Trần (Hoàng thành Thăng Long) và mẫu 3: Nghiên cứu khả năng đưa hiện vật uyên ương thay cho “Đầu rồng thời Lê sơ”. Sử dụng khuôn khổ chữ nhật cho các mẫu tem (Xin thêm ý kiến của Trung tâm Hoàng thành-Thăng Long); Giảm bớt màu bo tem trên cả 3 mẫu. Màu bản đồ và màu nền cùng tông; chuyển màu nhạt từ phía trong ra ngoài đậm;
Đối với mẫu blốc: Mẫu tem trong blốc: Ngói úp nóc gắn lá đề trang trí hình rồng thời Lý; Sử dụng khuôn khổ chữ nhật cho phù hợp với tem; bỏ hình ảnh bậc thềm rồng; chuyển hình bản đồ từ trong tem ra làm nền blốc; tăng tỷ lệ cửa Đoan Môn và để cân giữa; mẫu tem trong blốc sử dụng thiết kế tràn lề; chuyển dòng chữ “Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội – Di sản văn hóa thế giới” xuống dưới; Mẫu tem và mẫu blốc cần phù hợp với nhau.
Viện Sử học Việt Nam hoặc cơ quan chuyên ngành khác có thẩm quyền là cơ quan xác nhận bộ tem.
Bộ tem “Sâm Ngọc Linh”, gồm 1 mẫu và 1 blốc, có 3 phương án.
Nội dung chỉnh sửa được đề nghị là tên bộ tem theo đúng Quyết định số 1542/QĐ-BTTTT ngày 01/9/2016 của Bộ TTTT về việc bổ sung Chương trình phát hành tem năm 2017 và viết đầy đủ theo kiểu chữ in thường. Tên khoa học theo đúng tên ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và viết sau tên tiếng Việt. Về Tem, lấy mẫu tem trong blốc làm mẫu tem của bộ tem.
Blốc: mẫu tem trong blốc thể hiện riêng hình ảnh củ sâm là chính, trích đoạn phần cây sâm có đủ lá, hoa nhô lên từ cạnh dưới khuôn hình tem, lưu ý lá cây sâm có răng cưa, chọn củ đẹp, điển hình cho mẫu tem. Bỏ hình ảnh cây to ở giữa; lưu ý sinh cảnh (rừng cây) làm nền phải đúng với môi trường mà cây sâm sinh sống, có tán lá và độ dốc của sườn núi; hình ảnh các cây sâm nhỏ phía dưới đúng với tư liệu.
Cơ quan xác nhận bộ tem là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật hoặc cơ quan chuyên ngành khác có thẩm quyền.
Về đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư, sau khi nghe đại diện Vụ Bưu chính giới thiệu một số nội dung chính của dự thảo Thông tư và ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã kết luận: dự thảo Thông tư đã rút gọn nhưng vẫn đề cập được các chủ đề về sự kiện, nhân vật phát hành tem kỷ niệm. Tuy nhiên, Vụ cần nghiên cứu, xem xét và sử dụng từ ngữ trong dự thảo để đơn giản và dễ hiểu. Đề nghị các thành viên Hội đồng tiếp tục nghiên cứu và góp ý bằng văn bản theo như nội dung của Công văn số 580/BTTTT-BC ngày 24/02/2017 của Bộ TTTT về việc xin ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm và gửi về Bộ TTTT (Vụ Bưu chính) để tổng hợp, giải trình và báo cáo Lãnh đạo Bộ.