Tổng thư ký ITU, Houlin Zhao
Năm 2015, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), một lần nữa khẳng định danh tiếng của tổ chức này trên toàn thế giới như là một tổ chức năng động và được giao sứ mệnh để kết nối thế giới bằng những phương tiện thông tin truyền thông tiên tiến nhất.
Khi tổ chức kỷ niệm Ngày Viễn thông và Xã hội Thông tin thế giới năm 2016, đánh dấu sự kiện thành lập của ITU vào ngày 17 tháng 5 năm 1865, chúng ta tiếp tục nhìn đến tương lai phát triển của thông tin truyền thông. Năm nay, chúng ta tập trung đề cao nội dung “Các doanh nghiệp CNTT&TT vì sự tiến bộ xã hội”
Ngành viễn thông, CNTT&TT là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật thành công và có lợi nhuận cao nhất và đã cách mạng hóa phương thức liên lạc, giao tiếp của cả thế giới. Thông qua sự kết hợp giữa định hướng chính sách của chính phủ với cải cách quản lý nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới ngành công nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ mới, hoạt động của hàng tỷ người đã được vận hành trong xã hội thông tin chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là một thành tựu chung mà tất cả chúng ta có thể tự hào.
Trên nền tảng đó, chúng ta đang sống trong một môi trường ngày càng thông minh hơn bao gồm nhiều dịch vụ, ứng dụng như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, và vô vàn những ứng dụng đa dạng mới trong các lĩnh vực khác nhau từ y tế, đến tài chính, trong khi vẫn đang hướng tới một hệ thống giao thông và thành phố thông minh. Như chúng ta đang đẩy mạnh triển khai cơ sở hạ tầng và kết nối, vai trò của dịch vụ và những ứng dụng sẽ phát triển cùng với tiềm năng của nhiều doanh nghiệp sáng tạo nhỏ hơn tham gia vào thị trường với những giải pháp đáp ứng nhu cầu địa phương. Doanh nghiệp CNTT được thiết lập để mang đến sự thay đổi tích cực, có ý nghĩa xã hội. Chúng ta cần kinh nghiệm chuyên môn, sự đổi mới và đầu tư của các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chung của chúng ta là phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), doanh nhân khởi nghiệp cũng như những trung tâm công nghệ là những nguồn khác nhau về các giải pháp sáng tạo và thiết thực, làm xúc tác cho sự tiến bộ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90% việc kinh doanh trên toàn thế giới và đại diện cho một “con đường thoát nghèo” đối với nhiều nước đang phát triển.
Vai trò cơ bản của những nhà sáng tạo công nghệ thông tin và những SMEs cũng được phản ánh trong kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về xã hội thông tin (WSIS). Các nhà lãnh đạo thế giới đã nhận biết tiềm năng kinh tế của lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nhu cầu cụ thể của họ, chẳng hạn như tăng khả năng cạnh tranh của họ bằng cách tăng thêm giá trị cho sản phẩm và dịch vụ của họ, tinh giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn và tăng cường năng lực để tham gia vào các dự án liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông.
Hội nghị WSIS cũng khuyến khích một loạt các biện pháp liên quan, bao gồm các đề án ươm mầm phát triển, đầu tư vốn mạo hiểm, quỹ đầu tư của chính phủ, chiến lược xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho mạng lưới nghiên cứu và phát triển cũng như các hoạt động xuất khẩu phần mềm và công viên phần mềm.
Là cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc đối với lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, tôi kêu gọi các đối tác của chúng ta - các chính phủ, giới công nghiệp, học viện và các chuyên gia kỹ thuật - phát huy vai trò, tiềm năng của các công ty nhỏ, trẻ và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin; khuyến khích tăng cường đổi mới kỹ thuật số trong xã hội; ưu tiên các chính sách kinh tế thúc đẩy sự đổi mới; đảm bảo sẵn sàng nguồn nhân lực cần thiết; hỗ trợ hình thành các hệ sinh thái thuận lợi cho kinh doanh cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển hóa các ý tưởng và đổi mới của mình thành sản phẩm hàng hóa và có doanh thu.
Hãy cùng chung tay hợp lực để khai thác vai trò xúc tác của viễn thông, CNTT-TT nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và cân bằng môi trường.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế