Thông tin tới tri thức sẽ tạo ra một ASEAN hòa bình và phát triển
Vai trò của lĩnh vực Thông tin và Truyền thông ASEAN được khẳng định rõ hơn trong Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 vừa qua tại Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng và các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các quốc gia thành viên ASEAN, các nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và nước quan sát viên (Timor Leste), Phó Tổng thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong tham gia Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị (AMRI) lần thứ 16, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã nhấn mạnh: Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên, cùng các nước đối thoại, trao đổi và xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác trong thời gian tới và các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN. Thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động, thông tin được cộng hưởng bởi công nghệ và Internet khiến cho tốc độ lan tỏa, mức độ ảnh hưởng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; Biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN
Phó Chủ tịch nước tin tưởng các Bộ trưởng và các đại biểu sẽ có những ngày làm việc hiệu quả; Cùng chia sẻ, đưa ra những khuyến nghị có giá trị cho cấp cao ASEAN; Thống nhất được các chương trình hành động cụ thể, để tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của lĩnh vực thông tin trong tiến trình phát triển ASEAN; Biến thông tin thành tri thức cho người dân, như chủ đề của Hội nghị năm nay.
Cũng tại phiên khai mạc Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Lĩnh vực thông tin và truyền thông đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này. Tương lai giờ đây không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số. Cách làm, cách tiếp cận phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông là cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới bị quá tải về thông tin. Chúng ta có thể bị nhấn chìm bởi quá nhiều thông tin. Chúng ta đang bị “béo phì thông tin” bởi tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay tin giả. Một ngày, mỗi chúng ta dành không dưới 6 giờ đồng hồ để tiêu thụ lượng thông tin này, thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Rất ít người hiểu được những gì ở phía sau dòng lũ thông tin kia. Rất ít người tìm ra được tri thức, tạo ra được giá trị từ đó". Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh
Trong một thế giới đầy biến động và khó lường như hiện nay, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ, mất niềm tin.Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để giúp chúng ta thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, để mang lại năng lượng tích cực, và nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới. Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Hội nghị AMRI lần thứ 16 năm nay đã thống nhất lựa chọn chủ đề: Truyền thông: “Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.
Làm rõ thêm về chủ đề năm nay theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Muốn phản ứng nhanh với sự thay đổi thì phải nhanh chóng tìm ra được tri thức mới từ sự thay đổi. Muốn có khả năng chống chịu và hồi phục sau một sự va chạm lớn, sau một thảm họa thì phải được trang bị tri thức mới. Bởi vậy, lĩnh vực TT&TT của chúng ta phải chuyển đổi từ việc cung cấp thông tin, tin tức đơn thuần sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới biến động, khó lường, phức tạp và mơ hồ ”.
Bộ trưởng cũng cho rằng tri thức và sự thấu hiểu vẫn là cái tinh hoa nhất của con người. Công nghệ số đã giúp tạo ra thông tin nhiều hơn, nhưng với sự ra đời của công nghệ học sâu, nó cũng có thể giúp tạo ra tri thức và cả sự thấu hiểu thông tin. “Tri thức và sự thấu hiểu sẽ tạo ra một ASEAN hòa bình, phát triển, thịnh vượng và hạnh phúc.
Trong khuôn khổ sự kiện có một loạt hoạt động chính: Hội nghị Bộ trưởng AMRI lần thứ 16; Hội nghị AMRI+3 lần thứ 7; Hội nghị SOMRI lần thứ 20 và SOMRI+3, SOMRI+ Nhật Bản.
Hội nghị Bộ trưởng AMRI lần thứ 16 là diễn đàn để các Bộ trưởng phụ trách về thông tin của các nước ASEAN thảo luận đưa ra định hướng và chỉ đạo thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN trong các lĩnh vực: Báo chí; Phát thanh và truyền hình; Internet (Mạng xã hội, websites, truyền thông trên nền tảng internet) và nâng cao nhận thức về ASEAN.
Hội nghị AMRI+3 lần thứ 7 là diễn đàn để các Bộ trưởng phụ trách về thông tin của các nước ASEAN và 3 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đối thoại, thảo luận về các sáng kiến, ưu tiên, định hướng cũng như thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác trong lĩnh vực thông tin.
Hội nghị SOMRI lần thứ 20 và SOMRI+3, SOMRI+ Nhật Bản là các cuộc họp của quan chức cấp cao phụ trách về thông tin của các nước ASEAN và với các nước đối thoại, nhằm thảo luận về các nội dung đệ trình lên hội nghị AMRI và AMRI+3.
Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã nêu bật vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực truyền thông trong giai đoạn mới, đưa thông tin trở thành động lực của phát triển, không chỉ cung cấp thông tin, để xây dựng một ASEAN tự cường, củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu và thích ứng để khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN. Đặc biệt lĩnh vực thông tin truyền thông đóng vai trò quan trọng và xuyên suốt trong việc thúc đẩy tầm nhìn cộng đồng ASEAN.