Thúc đẩy “tài chính xanh”: giải pháp tạo điều kiện phát triển ngành hóa chất bền vững

Hải Anh| 23/11/2022 19:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Các biện pháp thúc đẩy tài chính xanh như đưa ra các khoản vay hoặc trái phiếu xanh được xem là một trong những giải pháp tài chính cần thiết để khuyến khích tăng cường đầu tư vào hóa học xanh và quy trình sản xuất thân thiện hơn.

Phát triển hóa học xanh là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp hóa chất 

Từ trước đến nay, việc các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng hoá chất độc hại đã luôn được cảnh báo sẽ gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới sức khỏe con người và môi trường. 

Nhìn nhận và hiểu rõ tác hại của các loại hóa chất này cũng như vì lợi ích lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại chất hóa học xanh vào quy trình sản xuất. Áp dụng hóa học xanh trong sản xuất sẽ giúp giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đất, nguồn nước từ đó giảm bớt các tác động xấu của hóa chất độc hại tới sức khỏe con người.

Hóa học xanh là khái niệm về phát triển hóa học một cách bền vững, vì thế sẽ khuyến khích phát triển và sử dụng các phương pháp hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất độc hại trong quy trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Hóa học xanh sẽ giúp giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hóa chất đang định hướng phát triển bền vững và hóa học xanh sẽ đóng góp lớn vào việc thực hiện định hướng này. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam xác định phát triển hóa học xanh là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp hóa chất trong nước, nhằm bảo đảm phát triển bền vững, đồng thời giúp hiệu quả kinh tế nâng cao, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có sức cạnh tranh hơn.

Sắp tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hóa chất 2007 theo hướng đưa các chỉ tiêu, tiêu chí Hóa học xanh thành các quy định mềm và phát triển thành các quy định bắt buộc theo một lộ trình nhất định phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất.

Quá trình chuyển đổi sang nền hóa học xanh sẽ đòi hỏi thời gian dài để thực hiện. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và đặc biệt là các lợi ích trong dài hạn đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, môi trường và nền kinh tế nói chung. 

Chắc chắn, quá trình áp dụng hóa học xanh để chuyển đổi sang một nền sản xuất công nghiệp thân thiện và bền vững sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt, để theo đuổi hóa học xanh, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư tài chính nghiêm túc, có định hướng phát triển nguồn lực và công nghệ rõ ràng. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy ứng dụng hóa học xanh

Ngoài các nỗ lực của doanh nghiệp, các hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức cũng cần được chú trọng, đặc biệt là giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại của hóa chất không an toàn đối với sức khỏe con người, với môi trường và các thế hệ con cháu mai sau. Để thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nâng cao tiêu chuẩn về sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy các cơ sở sản xuất hạn chế, ngừng sử dụng hóa chất độc hại, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng. 

Mức độ quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường cũng đang ngày càng tăng cao, với các chiến dịch lựa chọn tiêu dùng những sản phẩm không gây hại cho môi trường, đặc biệt quảng bá, nâng cao vai trò chất lượng của những sản phẩm tẩy rửa thân thiện với tự nhiên. Các hoạt động này sẽ góp phần tạo điều kiện để phát triển nền hóa học xanh.

Giáo dục và đào tạo về hóa học xanh cũng là giải pháp cốt lõi để đảm bảo nâng cao nhận thức của cộng đồng về hóa học xanh. Tại các trường đại học, nâng cao tính thực tiễn trong hoạt động giảng dạy về hóa học xanh và phương thức áp dụng các giải pháp sản xuất bền vững là điều rất cần thiết. Việc đẩy mạnh tăng cường đào tạo về hoá học xanh tại các trường đại học là một trong những yếu tố góp phần hình thành nhận thức về các giải pháp sản xuất bền vững ngày từ khi doanh nhân đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực dịch chuyển, đầu tư vào các phương pháp sử dụng hóa học xanh

Thúc đẩy tài chính xanh như đưa ra các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh được xem là các giải pháp tài chính cần thiết để khuyến khích các khu vực tư nhân huy động nguồn lực, từ đó có thể tăng cường đầu tư vào hóa học xanh và quy trình sản xuất thân thiện hơn. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm dịch chuyển đầu tư vào các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia nhận định, để thực hiện các định hướng bền vững lâu dài, các chương trình, dự án phát triển hóa học xanh cần được thúc đẩy hơn nữa, với mục đích tiên quyết phát triển ngành công nghiệp hoá chất bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải các chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và các sinh vật sống.

Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc Chính phủ có thể thúc đẩy phát triển bền vững thông qua những chính sách ưu đãi về thuế, phí, thì công tác phát triển lực lượng lao động được đào tạo đầy đủ về phát triển hóa học xanh cũng cần được chú trọng. Đặc biệt, để tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp áp dụng hóa chất an toàn, cần tăng tính minh bạch về mối nguy hiểm của các chuỗi hóa chất được sử dụng, từ đó có giải pháp thay thế. Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công trình nghiên cứu, quy mô phòng thí nghiệm áp dụng vào sản xuất của các doanh nghiệp với chương trình hành động chi tiết, nguồn tài chính từ doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức quốc tế theo nguyên tắc cùng có lợi.

Thúc đẩy “tài chính xanh”, tạo điều kiện phát triển ngành hóa chất bền vững - Ảnh 1.

Để tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp áp dụng hóa chất an toàn, cần tăng tính minh bạch về mối nguy hiểm của các chuỗi hóa chất được sử dụng, từ đó có giải pháp thay thế. Ảnh minh họa

Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, cũng đã có nhiều chương trình, dự án liên quan đến hóa học xanh, trong đó có dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại”. Dự án được GEF/UNDP tài trợ và được các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam đồng tài trợ, thực hiện triển khai. Đây là dự án đã được triển khai từ nhiều năm qua, tập trung giảm thiểu sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy, thông qua hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận hóa học xanh trong 6 ngành công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Mạ crôm; sản xuất giấy và bột giấy; sản xuất nhựa; dệt; hóa chất bảo vệ thực vật; dung môi - sơn.

Tất cả các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu phát triển ngành hoá chất Việt Nam một cách bền vững và đảm bảo an toàn cho môi trường. Các chương trình hóa học xanh sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam áp dụng những giải pháp, hóa chất an toàn, giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất độc hại./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy “tài chính xanh”: giải pháp tạo điều kiện phát triển ngành hóa chất bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO