Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam

PV| 20/06/2022 11:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển.

Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai nữa. Đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện. 

Theo nghiên cứu của Microsoft thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 74% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, đổi mới là bắt buộc và đóng vai trò quan trọng với khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Có tới 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường; 56% CEO của các doanh nghiệp lớn khẳng định rằng chuyển đổi số giúp tăng doanh thu. Nhìn chung, các công ty tiến hành chuyển đổi số thành công có lợi nhuận cao hơn 23% so với các công ty vận hành theo mô thức truyền thống.     

Với đối tượng là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tượng khách hàng đa dạng thì chuyển đổi số được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất qua các ứng dụng mobile. Qua đó, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng...

 Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990. Vì vậy, đổi mới là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp này. 

Tại Việt Nam, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố dự định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới...  

Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Để đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng, các ngân hàng truyền thống đã tích hợp công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ, đồng thời tận dụng được các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo.

Ngành Ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập, sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (Dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV...), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking...). Ở nhóm "Big 4" các ngân hàng lớn nhất Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, là dịch vụ mới, nổi bật với sự đồng nhất về trải nghiệm, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng tiên phong triển khai lắp đặt ATM đa chức năng (CDM) trên thị trường thẻ, từ đó, Agribank mở rộng tới các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, như ngân hàng tự động Autobank, ứng dụng định danh khách hàng trực tuyến (eKYC), giao dịch rút tiền không cần thẻ... thay thế dần các phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả.  

Đối với lĩnh vực viễn thông, tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022 được tổ chức ngày 15/4/2022 tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai", với hệ sinh thái chuyển đổi số khối Chính quyền, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mang tới giải pháp Trung tâm điều hành thông minh IOC và nhận được sự quan tâm đặc biệt nhờ khả năng giám sát và điều hành thông minh tỉnh/thành phố. VNPT cho rằng, đây là yếu tố cơ bản để xây dựng thành công thành phố thông minh với hạ tầng nền tảng thông minh và thế hệ công dân số thông minh. Đến nay, VNPT IOC đã có mặt tại hơn 30 tỉnh/thành phố lớn và là "bộ não số" không thể thiếu với bất kỳ Chính quyền số nào. Bên cạnh đó, VNPT cũng cho ra mắt Hệ sinh thái ứng dụng công nghệ 4.0: vnFace; eKYC; SmartBot; vnSocial... Đây là những ứng dụng AI, Big Data tiên tiến nhất trong nhận diện, định danh điện tử, trợ lý ảo, mạng xã hội đa kênh, mục đích giúp doanh nghiệp nhanh chóng kiểm soát, điều chỉnh và triển khai những dự án kinh doanh số một cách chủ động, chuyên nghiệp theo xu thế chuyển đổi số thế giới. 

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp điển hình cho việc chuyển đổi số doanh nghiệp ngành Viễn thông tại Việt Nam. Tập đoàn đã thúc đẩy chuyển đổi số về quản trị trong tất cả các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và dịch vụ số, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, logistics... 

Tập đoàn Viettel là đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ cho Hệ thống Quản lý tiêm chủng ngừa Covid-19 quốc gia, hỗ trợ hiệu quả cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin diện rộng trên toàn quốc. Nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel giúp kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế, cho phép khám, chữa bệnh trong điều kiện dịch bệnh.

Bộ Y tế bước đầu hình thành kho dữ liệu y tế tập trung và lưu trữ dữ liệu từ hệ thống thông tin do Bộ làm chủ quản và xây dựng phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, khai thác kho dữ liệu, hướng tới đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu ngành Y tế. Đây được xem như giải pháp để giải quyết bài toán khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số, bởi xây dựng thành công và khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số là tiền đề quan trọng nhất quyết định thành công của chuyển đổi số ngành Y tế. Năm 2022, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh triển khai sổ sức khỏe điện tử hướng tới bao phủ toàn dân. Mỗi người dân có một sổ sức khỏe điện tử của riêng mình để chủ động quản lý. Khi đi khám bệnh, sổ sức khỏe điện tử này được coi như một quyển y bạ để các bác sĩ, cơ sở y tế sử dụng hỗ trợ trong các chẩn đoán, thăm khám chữa bệnh...

Trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online của Viettel là công cụ để ngành Giáo dục duy trì việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, giáo viên và học sinh tại hơn 32.000 cơ sở giáo dục đã tổ chức gần 4.000 cuộc họp trực tuyến, 600 hội nghị, hơn 240.000 lớp học ảo, xây dựng hơn 400.000 học liệu số.  

Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk đã chuyển đổi số bắt đầu từ mô hình văn hóa doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp đã áp dụng mô hình Agile với sự phát triển phần mềm để đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng. Công tác chuyển đổi số được thực hiện ở hầu hết các hoạt động như: Quản trị, tài chính, nhân sự, kinh doanh quốc tế và chuỗi cung ứng.  

Sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe nước ngoài như Grab hay Uber cũng chính là đòn bẩy tạo giúp hình thành nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo, đây là những doanh nghiệp có mô hình hoạt động hoàn toàn mới phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng công nghệ.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô rất lớn, sở hữu tập khách hàng đa dạng như VinGroup đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất như VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với VinGroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng...

Theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai gần./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO