“Thung lũng Silicon” của Malaysia lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh

Bảo Bình| 09/11/2021 06:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Thành phố thông minh (TPTM) không chỉ là những gì xảy ra bên ngoài ngôi nhà. TPTM bắt đầu từ trong các ngôi nhà. Đó là quan điểm của kế hoạch tổng thể xây dựng Cyberjaya - "thung lũng Silicon" của Malaysia - trở thành một TPTM và đáng sống.

Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu buộc hàng triệu người phải ở nhà, các công nghệ truyền thông đã giúp chúng ta kết nối với nhau - và các công ty có kết nối số mượt mà đã vươn lên “sống khỏe” trong đại dịch. Giờ đây, khi chúng ta chuẩn bị cho một thế giới hậu đại dịch, nhà phát triển công nghệ người Malaysia Cyberview đã và đang âm thầm làm việc để hồi sinh và biến Cyberjaya thành một TPTM thực sự.

Kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Cyberjaya

Nép mình cách trung tâm Kuala Lumpur nhộn nhịp 20 phút lái xe, TPTM rộng 7.000 mẫu Anh đang nuôi dưỡng tương lai của nền công nghệ Malaysia. Cyberjaya thường được mọi người ví là “thung lũng Silicon” của Malaysia. Thành phố này đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi được xây dựng vào năm 1997. Khởi đầu là một trung tâm CNTT, Cyberjaya đã phát triển thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, có hơn 140.000 người - và là nơi hội tụ đông đảo nhất các công ty công nghệ ở Malaysia.

Thành phố được chia thành 4 phần: phía bắc Cyberjaya được đánh dấu là khu kinh doanh toàn cầu, trong khi trung tâm phát triển cộng đồng và giáo dục nằm ở phía tây, kinh doanh thương mại và bán lẻ diễn ra ở khu vực trung tâm thành phố. Và giờ đây, thành phố có thêm một khu đổi mới ở phía nam. 

John Low, đối tác đồng quản lý của Roland Berger khu vực Đông Nam Á, giải thích: “Sự phân chia không thực sự mang tính nghệ thuật, mà mang tính khoa học hơn. Mỗi quận hoạt động như một hệ sinh thái nhỏ. Là một phần của kế hoạch tổng thể mới của chúng tôi, chúng tôi đang phát triển phía nam thành một trung tâm đổi mới. Phía nam TPTM Cyberjaya sẽ có tập trung vào các lĩnh vực di chuyển thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh và các cụm sáng tạo số. Mỗi cụm này đều được thiết kế với mục đích vì tương lai. Ví dụ, chúng tôi sẽ khám phá khả năng di chuyển trên không, robot y tế và hiệu ứng hình ảnh nâng cao”.

“Thung lũng Silicon” của Malaysia lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 1.

Kế hoạch tổng thể xây dựng Cyberjaya thành 4 khu vực, cùng với nhau, 4 khu vực này sẽ biến Cyberjaya thành một trung tâm công nghệ toàn cầu. Ảnh: Digitalnewsasia

Phía Nam Cyberjaya chính là điểm nổi mới lớn nhất của thành phố này và là trung tâm của kế hoạch tổng thể mới mà nhà phát triển công nghệ Malaysia Cyberview đã triển khai từ năm ngoái. Như trên đã nói, khu vực phía nam sẽ có sự kết hợp của ba cụm công nghệ được lựa chọn cẩn thận: di chuyển thông minh (Smart Mobility), y tế thông minh (Smart Healthcare) và sáng tạo số (Digital Creative). 

Các kế hoạch được đặt ra cho khu vực này là xây dựng khả năng phát triển chăm sóc sức khỏe (CSSK) thông minh tích hợp, được hình dung là một mạng lưới liên kết của các cơ sở CSSK và các cơ sở về y học có thể làm việc cùng nhau. CryoCord, một cơ sở ngân hàng tế bào gốc hàng đầu ở Malaysia đã có trụ sở tại Cyberjaya trong 18 năm qua và có khả năng trở thành chất xúc tác quan trọng trong phân khúc CSSK theo kế hoạch tổng thể của Cyberjaya.

Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành giữa Cyberview và những công ty trong ngành cũng như các nhà tài trợ, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực di động ở Cyberjaya, đó là những cái tên như Aerodyne và Malaysia Automotive Robotics and IoT Institute (MARii).

Sân chơi cho các công ty công nghệ

Cho đến nay, đã có rất nhiều giải pháp công nghệ được thử nghiệm trong Cyberjaya. Điều này tạo nên điểm mấu chốt khiến Cyberjaya trở nên khác biệt: đó là một sân chơi thực tế dành cho các công ty công nghệ. 

Low giải thích và, chỉ vào các bệnh viện, trường đại học, trung tâm thương mại: “Đó là một thành phố tự bền vững. Chúng tôi đã hình dung Cyberjaya như một ‘phòng thí nghiệm sống xanh’, nơi công nghệ mới có thể được thử nghiệm trong môi trường đời thực đồng thời thúc đẩy tính bền vững”. 

Đã có nhiều thứ được thử nghiệm và ứng dụng ở đây. Chẳng hạn, 7 km đường công cộng hiện có đang được Bộ Giao thông Vận tải Malaysia chỉ định làm tuyến đường thử nghiệm cho các phương tiện tự hành. eMooVit là công ty đầu tiên thử nghiệm phương tiện không người lái trong môi trường đô thị. Công ty, được thành lập vào năm 2016, đang phát triển các giải pháp phần mềm không người lái giúp biến một số phương tiện trở nên tự động. Chúng sẽ được sử dụng trong các công viên giải trí, khu dân cư, văn phòng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cũng như để vận chuyển hậu cần. 

Ngoài eMooVit, còn có nhiều công ty khác tham gia sân chơi này. Đó là Aerodyne, một nhà cung cấp dịch vụ giải pháp bay không người lái, cũng có trụ sở chính tại Cyberjaya, trong khi nhà phát triển chia sẻ phương tiện không cần chìa khóa của Hàn Quốc SOCAR đã thử nghiệm Cyberjaya với tư cách là địa điểm đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Và khi các công ty công nghệ khác - bao gồm những công ty làm về các dịch vụ như AI, robot, Internet vạn vật và dữ liệu - tìm cách thiết lập cơ sở tại Cyberjaya, họ sẽ có được một lịch sử phát triển khởi nghiệp vững chắc. Trong những năm qua, 400 công ty khởi nghiệp (startup) đã phát triển trong hệ sinh thái ở Cyberjaya. Trong số đó, có nhiều công ty được nhen nhóm từ chương trình Cyberview Living Lab Accelerator - chương trình hỗ trợ startup ở Cyberjaya được bắt đầu vào năm 2013. 

Najib Ibrahim, giám đốc điều hành của Cyberview, công ty dẫn đầu kế hoạch tổng thể của Cyberjaya, giải thích: Chương trình này cung cấp cho các startup một môi trường hợp tác thông qua không gian làm việc chung, cố vấn, kết nối và các cơ hội thu  hút vốn đầu tư. Kể từ đó, chương trình đã giúp 85 startup tạo ra tổng doanh thu hơn 276 triệu RM (56,8 triệu USD) và tạo ra hơn 709 việc làm. “Một số công ty tham gia chương trình đã đạt được thành công không chỉ ở Malaysia, mà còn mở rộng thành công ra khắp khu vực Đông Nam Á”, Ibrahim nói thêm.

Các công ty không chỉ có thể thử nghiệm những đổi mới của họ trong các thiết lập thực tế trong cộng đồng Cyberjaya, mà họ còn làm như vậy trong một quốc gia đã chứng tỏ mình trên trường quốc tế. Một nghiên cứu gần đây về kinh doanh không biên giới của Standard Chartered đã xếp hạng Malaysia là quốc gia thuận lợi thứ hai trong khu vực đối với các công ty châu Âu và Mỹ, khi lĩnh vực CNTT và truyền thông đóng góp 289 tỷ RM (68,2 tỷ USD) trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2019, báo hiệu tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Cyberjaya là một trong những thành phố 5G đầu tiên của Malaysia

Ibrahim lập luận rằng đổi mới không còn là điều xa xỉ nữa: đó là điều cần thiết. Ông nói: “Đại dịch đã tạo ra một làn sóng thay đổi mới, mở ra các đấu trường mới cho các công ty. Cyberjaya sẽ là một trong số những địa điểm đầu tiên triển khai mạng 5G vào cuối năm 2021”.

Cyberview đã hợp tác với nhà mạng Digi để phát triển mạng lưới 5G từ năm 2019. Chính phủ Malaysia cũng đã thông báo về việc triển khai mạng 5G vào cuối năm tại các địa điểm cụ thể, bao gồm cả Cyberjaya.

Nhưng bất chấp bối cảnh công nghệ đầy năng lượng này, bạn sẽ sai khi so sánh Cyberjaya với Thung lũng Silicon. Ibrahim lập luận: “Không có hai thị trường nào giống nhau. Và Malaysia có rất nhiều thứ để cung cấp. Bất chấp đại dịch đang diễn ra, chúng tôi đã thu hút được 64,2 tỷ RM (15,1 tỷ USD) đầu tư nước ngoài vào năm 2020”. 

Đại dịch đã mang lại nhiều thách thức cho việc thực hiện kế hoạch tổng thể. Nhưng Cyberview vẫn tự tin và được khuyến khích nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh chóng của Malaysia với số lượng những người được tiêm chủng đầy đủ tính đến tháng 10/2021 là hơn 95% dân số Malaysia trưởng thành. 

Ông giải thích: “Nhiều hoạt động kinh tế đang được mở ra và với sự hỗ trợ của chính phủ, chúng tôi có thể tiếp tục phát huy hết khả năng của mình. Dự án dự kiến sẽ thu hút 1.200 công ty, đóng góp 250 tỷ RM (58,9 tỷ USD) vào GDP của quốc gia và tạo ra 87.000 cơ hội việc làm vào năm 2045. Tuy nhiên, ngoài những con số, Cyberview đang thúc đẩy tầm nhìn về tương lai; một TPTM, được kết nối với nhau, cho phép sự đổi mới thực sự phát triển trong một thế giới đang phát triển trở lại.

Xây dựng Cyberjaya phù hợp với kế hoạch kinh tế số Malaysia (MyDigital) 

Không chỉ có những triển vọng tốt đẹp, kế hoạch tổng thể mới cho Cyberjaya do Cyberview đưa ra cũng nhằm giải quyết một trong những vấn đề chính của Cyberjaya ngày nay - đó là các tổ chức vẫn đang làm việc một cách riêng lẻ, tự phát. Kế hoạch tổng thể mới của Cyberjaya được thiết lập nhằm đan xen, kết nối các bộ phận, doanh nghiệp ở Cyberjaya. 

“Mặc dù mọi người ở đây ở gần nhau, nhưng họ vẫn đang hoạt động theo những cách thức riêng lẻ”, John Low, đối tác đồng quản lý khu vực Đông Nam Á của Roland Berger, cho biết. Một trung tâm được hình dung trong kế hoạch tổng thể sẽ cho phép các thực thể giao tiếp và cộng tác tốt hơn, do đó thúc đẩy nhiều đổi mới hơn.

Low cho biết: “Trong kế hoạch mới này, chúng tôi muốn đặt mọi thứ dưới một trung tâm chung. Điều này cũng có nghĩa là tăng cường hỗ trợ bán lẻ và giải trí, cũng như cải thiện khả năng sống của thành phố.

“TPTM không chỉ có những gì xảy ra bên ngoài ngôi nhà. TPTM bắt đầu từ trong các ngôi nhà. Đó không chỉ là cơ sở hạ tầng - thành phố đáng sống và thông minh có nghĩa là tôi có thể làm mọi việc thuận tiện hơn ngay ở nhà - tôi có thể dễ dàng kết nối với những thứ xung quanh mình”, ông nói thêm.

Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện bình thường mới hậu COVID, nơi mà những câu hỏi về cách người ta có thể sống, làm việc và vui chơi trong một thành phố trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Quy hoạch tổng thể mới của Cyberjaya còn một chặng đường dài hơn nữa. Bởi vì một TPTM không chỉ có các tòa nhà và không gian, mà còn phải xây dựng cộng đồng. Điều quan trọng, kế hoạch tổng thể của Cyberjaya cũng phù hợp với kế hoạch chi tiết về nền kinh tế số Malaysia (MyDigital). Kế hoạch tổng thể dự định thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo số của đất nước thành một cộng đồng đẳng cấp thế giới - điều mà MyDigital chú trọng.

Roni Shah Mustapha, Trưởng bộ phận Kinh doanh, Thành phố và Truyền thông tại Cyberview Sdn Bhd cho biết thêm rằng kế hoạch tổng thể này có một cột mốc quan trọng không chỉ cho Cyberjaya mà còn cho cả quốc gia. “Nó không chỉ là chìa khóa thu hút hơn 1.200 công ty vào thành phố đến năm 2045, mà kế hoạch tổng thể còn được dự đoán sẽ tạo ra hơn 60,36 tỷ USD (250 tỷ RM) cho GDP của đất nước và tạo ra hơn 87.000 việc làm trong cùng một khung thời gian”.

Liệu Cyberjaya mới có trở thành một trung tâm công nghệ thực sự của khu vực hay không vẫn còn phải xem, nhưng kế hoạch tổng thể mới là bước khởi đầu cho những gì được cho là một bước nhảy vọt lớn. Thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Và Cyberjaya cảm thấy như thành phố này đang thay đổi để tốt hơn, thông minh hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Thung lũng Silicon” của Malaysia lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO