Thương mại xanh sẽ mở đường cho các ứng dụng công nghệ

Bảo Bình| 20/01/2022 06:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Các chính sách về thương mại xanh có thể giúp thúc đẩy các công ty áp dụng công nghệ số, sản xuất và xuất khẩu thân thiện với môi trường...

Chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững” là một trong những ưu tiên mà Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng Việt Nam nên chú trọng để đạt sự tăng trưởng bền vững. 

Theo WB, đại dịch đã nhấn mạnh sự mong manh của cuộc sống con người khi đối mặt với những cú sốc ngoại sinh, khiến cho cải thiện khả năng chống chịu không chỉ đối với các đại dịch trong tương lai mà còn cả những biến đổi khí hậu trở thành việc làm cấp thiết. Do đó, nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tăng cường sự tham gia của họ hướng tới sự phục hồi xanh trên toàn thế giới. 

Mặc dù các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu chưa dẫn đến những thay đổi đáng kể trong các chính sách ở Việt Nam, song chúng đã trở thành một trong những trụ cột mới của chiến lược 10 năm của đất nước, được thông qua vào tháng 2/2021.

Mới đây, WB đã công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 1/2022. Báo cáo có tiêu đề: "Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”. Trong một thế giới đang ngày càng bị tác động nhiều hơn bởi biến đổi khí hậu, thương mại xanh có thể là chất xúc tác thúc đẩy áp dụng công nghệ, tạo việc làm mới, và mở ra những động lực tăng trưởng mới. 

Theo báo cáo, thương mại xanh có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh và giúp giảm thiểu mất an ninh lương thực. Thương mại xanh đem lại cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức, do những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong chính sách thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đặc biệt, xanh hóa thương mại hàng hóa có thể khuyến khích các ngành kinh tế trang bị công nghệ số và duy trì năng lực cạnh tranh khi thế giới yêu cầu những biện pháp sản xuất và thương mại phát thải carbon thấp.

Đặc biệt, việc triển khai một nền thương mại xanh được kỳ vọng sẽ là động lực tiềm năng giúp tạo thêm việc làm mới khi các ngành, các công ty phải trang bị các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số, để đạt hiệu quả bảo vệ môi trường và hiệu quả về năng suất.

Xuất khẩu các mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử của Việt Nam tăng cao

WB cho biết đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 04/2021 đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang các sản phẩm giá trị cao hơn. Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, các mặt hàng điện tử và máy móc đã trở thành những mặt hàng bán chạy, được các hộ gia đình và doanh nghiệp (DN) trang bị, vì các biện pháp giãn cách xã hội và phương thức làm việc từ xa đã làm chuyển dịch nhu cầu. 

Xu hướng xuất khẩu cũng có sự thay đổi, với các mặt hàng điện tử và máy móc đạt mức xuất khẩu cao ra nước ngoài, chuyển đổi từ các mặt hàng truyền thống công nghệ thấp sang các mặt hàng công nghệ tiên tiến hơn. 

Sau khi xảy ra đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021, xu hướng này càng được đẩy mạnh do những khó khăn, hạn chế đối với hoạt động sản xuất ở các ngành công nghệ thấp. Các sản phẩm công nghệ thấp như may mặc và giày da có quy trình sản xuất thâm dụng lao động cao, vì vậy dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các biện pháp giãn cách. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này giảm lần lượt 9,8% và 27,2% trong quý III/2021. Kể từ khi được mở cửa vào tháng 10, các DM này lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng, gây khó khăn trong việc nhanh chóng khôi phục sản xuất hoàn toàn. 

Trong khi đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điện thoại và máy móc lần lượt đạt 7,7% và 15,9%, còn xuất khẩu máy tính và hàng điện tử chỉ giảm 0,2% trong quý III/2021. Theo Tổng cục Hải quan, tính trong cả năm 2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt trị giá xuất khẩu lên 50,83 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. 

Cụ thể, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 12,76 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1%; sang thị trường EU (27 nước) đạt 6,57 tỷ USD, tăng 6,1%....

Thương mại xanh mở đường cho các ứng dụng công nghệ 

Theo WB, các chính sách về thương mại xanh có thể giúp đẩy mạnh áp dụng công nghệ, sản xuất và xuất khẩu thân thiện với môi trường. Việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa công nghệ và tự do hóa chính sách quản lý nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các dịch vụ và công nghệ số trong các lĩnh vực từ các nền kinh tế phát triển, đồng thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhằm tăng sản lượng. 

Công nghệ số có thể được sử dụng để thu thập thông tin chi tiết về vòng đời sản phẩm, sau đó đưa vào phân tích dữ liệu. Điều này có nghĩa là những người ra quyết định có thể xác định bộ phận nào của DN cần được chuyển đổi. Những chuyển đổi như vậy theo hướng tối đa hóa tính bền vững có thể mang lại cả tác động xã hội và tăng lợi nhuận. Ví dụ tốt nhất về điều này là sử dụng hiệu quả năng lượng.

Có hai vấn đề chính khi sử dụng quá nhiều năng lượng. Thứ nhất, liên quan đến môi trường, đó là khi năng lượng không thể tái tạo, thì đó là một sự lãng phí tài nguyên quý giá. Thứ hai, liên quan đến lợi nhuận kinh doanh, năng lượng đắt đỏ và việc sử dụng quá mức sẽ làm tăng chi phí. Do đó, việc chuyển hướng sang sử dụng năng lượng hiệu quả có cả những động lực về thương mại và môi trường. Đây chính là nơi công nghệ số có thể được ứng dụng để giải quyết những thách thức trong việc sử dụng năng lượng.

Chiếu sáng thông minh, trên thực tế là một công nghệ dựa trên IoT, là một câu chuyện thành công hàng đầu. Trong hệ thống chiếu sáng thông minh, các cảm biến chuyển động được kết nối với hệ thống chiếu sáng, dẫn đến đèn sẽ tắt khi chúng ta rời khỏi phòng. Theo IBM, các hoạt động hàng ngày (như chiếu sáng) chiếm 70% tổng chi phí của một tòa nhà.

Thương mại xanh sẽ mở đường cho các ứng dụng công nghệ  - Ảnh 1.

Một nền thương mại xanh có thể khuyến khích các ngành kinh tế trang bị công nghệ số và duy trì năng lực cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng sạch lên ít nhất 20% vào năm 2030

Theo báo cáo mới của tổ chức Green Alliance, công nghệ số có thể thay đổi chương trình nghị sự về môi trường. Báo cáo lập luận rằng việc tăng cường số hóa các công nghệ và giải pháp môi trường có thể đẩy nhanh khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế xanh đang phát triển. 

Trên thế giới, chương trình áp dụng công nghệ số trong thương mại xanh và bảo vệ môi trường được nhiều quốc gia hưởng ứng. EU có kế hoạch thúc đẩy các ngành công nghiệp carbon thấp như một phần của Thỏa thuận Xanh, tập trung vào số hóa, bao gồm mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối, củng cố vai trò lãnh đạo công nghiệp của mình. Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD đến năm 2025 vào cơ sở hạ tầng số.

Caterina Brandmayr, Trưởng phòng Chính sách Khí hậu tại Green Alliance, cho biết: “Sử dụng sức mạnh của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp là một lợi ích cùng có lợi cho môi trường và nền kinh tế”.

Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) được tổ chức vào đầu tháng 11/2021 ở Glasgow, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết: “Việt Nam sẽ tham gia giải pháp về biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, đồng thời cam kết từng bước loại bỏ sản xuất điện bằng than và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy nhiều dự án của khu vực tư nhân được tiến hành nhằm giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững. Đáng chú ý, 84% các dự án triển khai Internet of Things - 70% trong số đó do khu vực tư nhân thúc đẩy - đang giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cho thấy rằng một nền văn hóa dựa trên công nghệ số có thể mở ra những lợi ích thương mại của một nền kinh tế xanh.

Đương nhiên, việc triển khai công nghệ mới không phải lúc nào cũng thuận lợi và có thể có những tác dụng phụ tiêu cực, cũng như đối với môi trường. Chương trình Hợp tác đổi mới công nghệ Vision 2030 có thể giúp giảm thiểu những tác hại như vậy bằng cách thúc đẩy mạng lưới quan hệ đối tác đa lĩnh vực tập trung vào việc sử dụng công nghệ để thực hiện các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc. Điều này cho thấy rằng trong khi những thách thức ở phía trước, các giải pháp công nghệ sáng tạo có thể đóng góp vào một tương lai bền vững hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thương mại xanh sẽ mở đường cho các ứng dụng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO