Để triển khai nhanh, có hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho mọi người dân đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã đưa vào hoạt động nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia.
Nền tảng này bao gồm 4 hệ thống là Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Đối với người dân, lợi ích rõ nét của nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia là tất cả mọi người đều có thể dễ dàng đăng ký và tra cứu sức khỏe tiêm chủng thông qua website và ứng dụng.
Theo thông tin từ Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, tại những điểm tiêm ứng dụng nền tảng, sau 30-60 phút người tiêm nhận được kết quả chứng nhận điện tử về việc đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Tuy vậy, phản ánh của nhiều người dân cho thấy, mặc dù đã tiêm vắc xin Covid-19 được một thời gian, không phải ai cũng nhận được chứng nhận điện tử về việc đã thực hiện tiêm chủng.
Đem thắc mắc này trao đổi với đơn vị phát triển ứng dụng, đại diện đơn vị này cho biết, có nhiều lý do dẫn tới việc một số người dân chưa có chứng nhận đã tiêm vắc xin.
Nguyên nhân đầu tiên là có thể điểm tiêm chủng của những trường hợp nói trên chưa áp dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia. Tại những cơ sở này, việc lưu trữ dữ liệu hiện vẫn đang thực hiện bằng giấy và chưa được cập nhật lên hệ thống.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân thứ 2, đó là có những người tiêm vắc xin tại điểm tiêm đã ứng dụng nền tảng, tuy nhiên do dữ liệu tiêm nhiều nên chưa cập nhật lên hệ thống. Đó là lý do nhiều người đã tiêm vắc xin Covid-19 nhưng chưa có chứng nhận tiêm chủng trên ứng dụng.
Hồi giữa tháng 7, khi chia sẻ cụ thể hơn với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Ngô Vĩnh Quý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) từng cho biết, trước đây chúng ta đã tiêm vắc xin nhưng nền tảng đang hoàn thiện. Do vậy, với những đợt tiêm trước, thông tin của người dân vẫn chưa được cập nhật trên hệ thống.
Theo ông Quý, nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia mới đưa vào sử dụng và vẫn còn đang trong giai đoạn giao thoa. Những dữ liệu tiêm trước đây sẽ được Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị dần cập nhật lên hệ thống để có thông tin cung cấp cho người dân.
Ở những đợt tiêm sau, việc quản lý thông tin sẽ được sử dụng bằng nền tảng. Khi đó, toàn bộ thông tin về tình hình tiêm chủng của người dân sẽ được cập nhật lên ứng dụng.
Thực tế cho thấy, chỉ 1 tháng sau phát biểu của ông Quý, hiện đã có khoảng hơn 5 triệu mũi tiêm được cập nhật lên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia.
Con số này tương ứng với hơn 5 triệu chứng nhận tiêm chủng đã cấp phát và vẫn đang tăng dần lên mỗi ngày. Do đó, người dân không cần quá sốt sắng bởi thông tin mũi tiêm sẽ dần được cập nhật đầy đủ lên hệ thống.
Theo số liệu mới nhất trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 15,59 triệu mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trong đó, TP.HCM là địa phương thực hiện nhiều mũi tiêm nhất với tổng cộng 4,86 triệu liều (Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi chiếm 69,78% dân số). Đứng thứ 2 cả nước về số mũi tiêm vắc xin là Hà Nội với 2,25 triệu liều (Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi chiếm 39,08% dân số).
Một số tỉnh, thành phố khác có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ở mức cao là Bắc Ninh ( 36,16%), Long An (30,32%), Quảng Ninh (28,56%), Bắc Giang (28,44%), Vĩnh Long (27,32%), Lào Cai (27,66%), Đồng Tháp (26,68%)./.