Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh trong 65 năm qua. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, HNBVN đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với hơn 22.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; 19 Liên Chi hội và 188 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Các nhà báo đã xông pha trên các mặt trận trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lao động không ngừng nghỉ trong thời bình để có những dòng tin, bức ảnh, thước phim thời sự nóng hổi hàng ngày, hàng giờ phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội, của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, HNBVN là người đại diện duy nhất của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền - các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng trong cả nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Tại thủ đô Hà Nội, Lễ Kỷ niệm chính thức và Hội nghị thi đua được tổ chức tại Nhà hát lớn vào hồi 8h30 giờ sáng ngày 20/4. Chương trình sẽ được Đài Truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp trên kênh H1.
Sau buổi lễ tại Hà Nội, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam sẽ hành hương về thành phố Thái Nguyên để dự Chương trình giao lưu văn nghệ “Về nơi nguồn cội” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Nguyên vào hồi 20h cùng ngày. Chương trình sẽ do Đại Phát thanh- Truyền hình tỉnh Thái Nguyên thực hiện, được truyền hình trực tiếp và tiếp sóng trên nhiều kênh truyền hình cả nước.
Sáng 21/4/2015, đoàn đại biểu hành hương về xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thăm Nhà truyền thống và Bia kỷ niệm nơi ra đời. Cuộc mít tinh quần chúng sẽ được tổ chức tại đây để cùng nhau ôn lại dấu mốc lịch sử và chặng đường 65 năm lớn mạnh của Hội Nhà báo Việt Nam.
Chuỗi sự kiện đặc biệt này là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của những người làm báo hôm nay, nguyện tiếp bước và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ nhà báo đi trước.
Ra đời tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày 21/4/1950, Hội lúc đó lấy tên là Hội những người viết báo Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.Nhà báo Xuân Thủy- nhà ngoại giao- một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng là Chủ tịch đầu tiên của Hội và đảm nhận trọng trách này suốt hai nhiệm kỳ (1950- 1962). Các Chủ tịch Hội tiếp theo là nhà báo Hoàng Tùng (1962- 1987), nhà báo Hồng Chương (1987- 1989), nhà báo Phan Quang (1989- 2000), nhà báo Hồng Vinh (2000- 2005), nhà báo Đinh Thế Huynh (2005- 2012) và nhà báo Thuận Hữu (từ 3/2012 tới nay). |