Ngày 12/1, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng năm 2022.
Năm 2021, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục chuyển động nhanh chóng, phức tạp và có nhiều thay đổi quan trọng. Đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động toàn diện, đa chiều đến mọi mặt kinh tế - xã hội của thế giới.
Mô hình phát triển trong mỗi quốc gia đang chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, UNESCO đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm đối phó với những thách thức mới như Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2029, Chương trình Ngân sách giai đoạn 2022-2025; Khuyến nghị về Khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo (AI)…
Kết quả và thành tựu đạt được trong năm 2021 là cân bằng trên tất cả các lĩnh vực trụ cột
Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, UNESCO đã thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời đề xuất và triển khai một số sáng kiến nhằm đối phó tốt hơn với những thách thức mới trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông (TT&TT).
Năm 2021, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và các Tiểu ban chuyên môn nói riêng đã gặp những thách thức nhất định, tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN), hoạt động của Tiểu ban KHTN đã góp phần nâng cao và khẳng định được vai trò của khoa học cơ bản, trong đó nổi bật là việc tổ chức thành công Lễ ra mắt 02 Trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận, bảo trợ và triển khai nhiều hoạt động, sự kiện khoa học có uy tín.
Tiểu ban đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tích cực, chủ động tham gia góp ý đối với Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO; tổ chức thành công chuỗi hoạt động về Khoa học mở với sự tham gia của các chuyên gia đến từ UNESCO, WIPO, Vương quốc Anh và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học Việt Nam.
Trong khi đó, về lĩnh vực khoa học xã hội, năm 2021, Tiểu ban Khoa học Xã hội đã cử chuyên gia tham dự, đóng góp ý kiến tại một số hội nghị, cuộc họp tham vấn trực tuyến góp ý cho Dự thảo Khuyến nghị về đạo đức AI của UNESCO.
Tiểu ban cũng đã tổ chức một số Hội thảo quan trọng như Hội thảo quốc tế "Đạo đức trong thời đại AI" với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm đánh giá những thành tựu của AI đồng thời chia sẻ, trao đổi những thách thức mà AI mang lại, từ góc nhìn đạo đức, nhân văn.
Trong lĩnh vực TT&TT, năm 2021, với sự tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông quan trọng trong cơ cấu của Tiểu ban Thông tin như Thư viện quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), và các cơ quan phụ trách về báo chí truyền thông thuộc Bộ TT&TT cũng đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đưa tin về các hoạt động, chương trình, dự án của UNESCO cũng như các hoạt động có liên quan tới UNESCO tại Việt Nam.
Các tin, bài viết, phỏng vấn, hình ảnh cùng với nội dung, chủ đề đa dạng đã được các cơ quan truyền thông lớn dành nhiều thời lượng để thông tin tới người dân.
Cụ thể, báo VietNamnet dành riêng một tiểu mục Thông tin UNESCO và tổ chức 01 fanpage trên Facebook để cập nhật thông tin, sự kiện Việt Nam tham gia trong UNESCO. Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện gần 1.050.000 tin bài, 350 ảnh, gần 200 tin truyền hình cùng tin đồ họa đăng phát. VTV thực hiện 18 chương trình, phóng sự, phỏng vấn chuyên sâu và phát sóng đồng thời xây dựng một số chuyên mục thông tin về các di sản thế giới Việt Nam được UNESCO ghi danh. Trong khi đó, VOV đã tuyên truyền trên sóng phát thanh bằng 13 thứ tiếng liên quan đến hoạt động hợp tác với UNESCO trên website của đài…
Nhấn mạnh về điểm mới nổi bật đã đạt được trong năm 2021, bà Phạm Thị Phương Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) đại diện Tiểu ban thông tin cho biết, "Ngoài việc tuyên truyền về UNESCO, trong năm 2021, Tiểu ban thông tin cũng đã tập trung vào nội dung mới là khai thác các kiến thức về kỹ năng số và tập trung khai thác các kiến thức của các chuyên gia hàng đầu UNESCO để tập huấn cho các đối tượng liên quan tại Việt Nam".
Cụ thể, năm 2021, Tiểu ban Thông tin tiếp tục chú trọng việc nâng cao năng lực cho nhà báo và người làm truyền thông chuyên nghiệp thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo và khóa đào tạo như Hội thảo "Kinh nghiệm trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số".
Hội thảo với sự tham gia của gần 100 phóng viên (PV) đến từ các cơ quan báo chí, Hội nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và những diễn giả đến từ UNESCO Việt Nam, UNESCO khu vực, cũng như Liên minh châu Âu, nhằm trang bị cho phóng viên những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về đạo đức trong quá trình tác nghiệp, đưa tin trên môi trường số. Từ đó, một báo cáo khuyến nghị chính sách cho Việt Nam về triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số cũng đã được gửi tới cơ quan có thẩm quyền để tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách.
Bên cạnh đó, Tiểu ban Thông tin cũng đã tổ chức khóa đào tạo báo chí "Kỹ năng xuất bản nội dung và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ số" cho 100 nhà báo, PV, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương giúp trang bị cho các cơ quan báo chí kiến thức và kỹ năng phát hiện, thông báo về các hành vi xâm phạm bản quyền báo chí trên môi trường số, tạo môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh cho các cơ quan báo chí của Việt Nam.
Đặc biệt, một trong những hoạt động đáng chú ý của Tiểu ban Thông tin trong năm 2021 đó là phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng số cho phụ nữ vùng nông thôn, tập trung vào các vấn đề như trang bị các kiến thức, kỹ năng số cơ bản, giúp chị em phụ nữ cách tiếp thị, đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, đề xuất các mô hình hợp tác và đầu mối phân phối hàng hóa giữa sàn thương mại điện tử của VNPost với các Hội Liên hiệp phụ nữ ở một số tỉnh thành.
Tiểu ban cũng đã tổ chức tuyên truyền theo những tuyến bài viết, tin bài chuyên sâu về sự cần thiết của kỹ năng số dành cho phụ nữ nông thôn trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cho đến nay, đã có hơn 20 bài viết và 16 tin bài chuyên sâu được đăng tải trên các hệ thống, đặc biệt là trên Tạp chí TT&TT của Bộ TT&TT.
Chia sẻ về những kết quả ấn tượng đã đạt được của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch UBQG UNESCO cho biết: "Chúng ta vui mừng và hài lòng với những kết quả đạt được trong năm 2021 trong bối cảnh tình hình COVID diễn ra phức tạp. Về khoa học không chỉ là có các danh hiệu mà cũng đã bắt đầu bắt nhịp được với xu thế mới, những chuyển biến mới của tình hình thế giới cũng như kinh nghiệm của UNESCO trong lĩnh vực chuyển đổi số, những xu hướng mới liên quan đến AI".
"Đặc biệt, những kết quả và thành tựu đạt được là cân bằng trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của UNESCO và đóng góp thực chất cho sự hợp tác của Việt Nam - UNESCO", ông Đặng Hoàng Giang khẳng định.
Trọng tâm công tác năm 2022 trên một số lĩnh vực
Để nâng cao hình ảnh, vai trò của Việt Nam tại Diễn đàn UNESCO cũng như thúc đẩy bảo vệ các lợi ích quốc gia, tận dụng tri thức UNESCO để xây dựng chính sách và phát triển bền vững đất nước, Ủy ban Quốc gia UNESCO đã xác định một số phương hướng hoạt động trong năm 2022 nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 25/CT-TƯ về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Theo đó, trọng tâm công tác năm 2022 trên một số lĩnh vực được triển khai theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, lĩnh vực KHTN sẽ thực hiện thí điểm một số nội dung liên quan đến Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO tại Việt Nam; Tham gia vào Chương trình Khoa học cơ bản quốc tế và thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa 02 trung tâm dạng 2 về Toán học và Vật lý quốc tế tại Việt Nam với các trung tâm của một số quốc gia thành viên trong ASEAN trong thời gian tới; Triển khai các hoạt động hưởng ứng Nghị quyết về Kỷ niệm năm 2022 là Năm Khoa học cơ bản;…
Đối với lĩnh vực khoa học xã hội, Tiểu ban sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế "Đạo đức trong AI" trong khuôn khổ Chương trình Tham gia của UNESCO và các hội thảo thường niên; Đồng thời, nghiên cứu, phối hợp với Tiểu ban Văn hóa xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu của Việt Nam.
Đặc biệt, trong lĩnh vực TT&TT, Tiểu ban sẽ tập trung xây dựng định hướng và các chủ đề ưu tiên tuyên truyền về UNESCO trong năm 2022 kết hợp tuyên truyền đối ngoại, tận dụng nền tảng số; Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho PV; Tổ chức đón các đoàn PV nước ngoài sang Việt Nam làm phim về các di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Sản xuất các phim tư liệu, giới thiệu sách về di sản…
Với các cơ quan báo chí tham gia trong Tiểu ban thông tin sẽ tiếp tục tập trung thông tin vào các hoạt động nổi bật giữa Việt Nam và UNESCO, cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá các giá trị, di sản thế giới, di sản UNESCO tại Việt Nam, gắn kết việc tuyên truyền quảng bá di sản thế giới với phát triển du lịch bền vững và đưa các di sản thế giới trở thành các điểm đến nổi bật góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương đang sở hữu di sản này.
Đồng thời, Tiểu ban thực hiện nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị di sản văn hóa của UNESCO cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay để gìn giữ bảo vệ các di sản và đẩy mạnh tuyên truyền chiến lược của UNESCO tại Việt Nam với nội dung hợp tác đối tác về sự tiến bộ xã hội…
Ngoài ra, đối với mảng khai thác các kiến thức và nội dung mà UNESCO ưu tiên, Tiểu ban Thông tin vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh các lĩnh vực như nâng cao năng lực số cho PV và cho người dân, đặc biệt ưu tiên phụ nữ, trẻ em và thanh niên. Trong thời gian tới, Tiểu ban cũng đẩy mạnh tăng cường khai thác kiến thức của UNESCO trong việc phát triển kỹ năng giảng dạy và làm việc trên môi trường số đối với các giảng viên và trước mắt là các giảng viên trong ngành TT&TT.
Để đạt được những kết quả tốt hơn nữa, trong thời gian tới Ủy ban Quốc gia UNESCO cần triển khai đồng bộ tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa UNESCO - Việt Nam trên 3 trụ cột theo tên gọi của UNESCO là văn hóa, giáo dục, khoa học hay là 5 lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta xác định là văn hóa, giáo dục, KHTN, khoa học xã hội, TT&TT.
"Chúng ta cần tận dụng, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài, kinh nghiệm điều phối, chuyên gia, năng lực kinh nghiệm cũng như tri thức của UNESCO, của các cán bộ văn phòng UNESCO tại Hà Nội để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực", Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh./.