Với quan điểm, công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển KTXH, là phương tiện chủ lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã chú trọng việc tin học hoá trong các dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, quản lý hộ tịch, cấp phép xây dựng, quản lý nhà đất và các dịch vụ công khác, qua đó từng bước hình thành nền hành chính điện tử.
Ứng dụng CNTT góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và thúc đẩy phát triển KTXH. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trực tiếp giúp cho các doanh nghiệp chủ động hội nhập với khu vực và quốc tế.
Cơ sở hạ tầng CNTT là hạ tầng KTXH được ưu tiên phát triển. Cần kết hợp khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiệncó với việc xây dựng mới phù hợp với nhu cầu và khả năng, đảm bảo công nghệ hiện đại, quản lý hiệu quả nhằm tạo cơ sở cho ứng dụng và phát triển CNTT của Tỉnh. Xây dựng công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của Tỉnh.
Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT tại các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT được xem là một trọng tâm của quy hoạch. Ứng dụng CNTT phải đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin dữ liệu. Xã hội hóa việc ứng dụng và phát triển CNTT.
Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng, chính vì lẽ đó mà trong giai đoạn từ 2016 – 2020, Tây Ninh có kế hoạch đầu tư 435,400 tỷ đồng cho việc phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn toàn Tỉnh. Cũng từ đó, Tây Ninh đã có những chỉ tiêu cụ thể cho kế hoạch này, bao gồm:
Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể: Tây Ninh sẽ đạt tỷ lệ 100% các trao đổi thông tin, gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên vàvới các cơ quan Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng, được vận hành tích hợp trong khuôn khổ hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành. Đảm bảo 100% việc kết nối thông suốt, trao đổi và tích hợp thông tin thường xuyên giữa các cơ quan Đảng với cáccơ quan Nhà nước qua hệ thống mạng.
Ngoài ra, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp huyện trở lên áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVNISO 9001: 2008. Tỷ lệ điều hành, xử lý, giải quyết văn bản, công việc trên môi trường mạng máy tính tại Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban của Đảng; Văn phòng ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan đoàn thể Tỉnh, các sở, ban, ngành đạt 100% và tại các huyện ủy, thị ủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, các cơ quan đoàn thể huyện đạt 85%.
100% các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên được tin học hóa, thực hiện trên môi trường mạng máy tính. 100% các văn bản, hồ sơ, dữ liệu, số liệu tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên được số hóa và quản lý trên mạng máy tính. 90 - 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ cấp xã trở lên sử dụng thành thạo máy tính và mạng máy tính trong công việc. Giảm ít nhất 80% lượng giấy tờ sử dụng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ: Phấn đầu 100% các doanh nghiệp lớn có trang thông tin điện tử riêng hoặc tham gia hoạt động tại sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. 70% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử có hệ thống thư điện tử,có kết nối Internet để tìm kiếm thông tin và thực hiện được một số giao dịch trên mạng. 100% các doanh nghiệp có máy tính. Trong đó 85 - 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng máy tính trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Hình thành sàn giao dịch TMĐT của Tỉnh và kết nối với các sàn giao dịch lớn trong cả nước. 70% các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch để quảng bá sản phẩm; 90% các doanh nghiệp truy nhập sàn giao dịch để tìm kiếm thông tin.
Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội: Tây Ninh có kế hoạch phổ cập Internet cho người dân. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn được kết nối Internet băng thông rộng. Mở rộng kết nối Internet đến 70% các điểm truy cập ở ấp, khu phố. 100% các trường THPT, THCS, tiểu học được trang bị phòng máy tính với số lượng từ 25 đến 40 máy tính mỗi phòng. 100% các trường THPT, THCS, tiểu học có kết nối Internet. 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã có kết nối mạng nội bộ, kết nối Internet và sử dụng HTTT quản lý bệnh viện. Tất cả các bệnh viện, các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã có kết nối Internet và mạng diện rộng để báo cáo các thống kê chuyên ngành.
Phát triển các lĩnh vực chính trong CNTT
Tây Ninh phấn đầu 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể tỉnh và cấp huyện có mạng nội bộ đượckết nối trong mạng diện rộng của tỉnh, kết nối Internet. 100% Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng và Internet, mỗi mạng nội bộ có ít nhất 1 máy chủ và 5 máy trạm, phục vụ hiệu quả tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công đối với người dân. Xây dựng Trung tâm Thông tinđiện tử của Tỉnh với hạ tầng CNTT đủ mạnh đáp ứng được nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử, TMĐT, các dịch vụ CNTT và truyền thông, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2020, công nghiệp công nghệ thông tin sẽ trở thành ngành công nghiệp của Tỉnh. Thu hút và xây dựng được một số công ty có thương hiệu và sản phẩm phần mềm được công nhận trên thị trường trong nước.
Đến năm 2020, lực lượng CNTT toàn Tỉnh đạt khoảng 1.000 người, trong đó 5% có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 65% có trình độ đại học, cao đẳng; còn lại là trung cấp. 100% cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh được đào tạo phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, biết sử dụng máy tính và truy cập Internet, được đào tạo về ứng dụng CNTT trong công việc.
100% giáo viên biết sử dụng máy tính và truy cập Internet. 100% giáo viên các cấp sử dụng các ứng dụng tin học hỗ trợ cho việc giảng dạy. 100% học sinh các trường THPT, THCS và tiểu học được học tin học. Phổ cập tin học cho 100% cán bộ y tế các cấp. Phổ cập tin học cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục thường xuyên và trường trung cấp. Phổ cập tin học căn bản cho 100% học sinh trường dạy nghề trên địa bàn Tỉnh. Phổ cập tin học cho lực lượng cộng tác viên theo từng lĩnh vực, ngành chuyên môn. Đào tạo 100% lãnh đạo, cán bộ quản lý các đơn vị kinh tế biết sử dụng máy tính và giao dịch điện tử trên Internet. Đào tạo đủ nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp CNTT. Đào tạo khoảng 800 cán bộ CNTT nòng cốt cho phát triển TMĐT, phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.