Tình hình áp dụng tiêu chuẩn hóa đối với truyền hình kỹ thuật số ở Việt Nam

QH.| 17/11/2017 16:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất đang áp dụng hai tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất thuộc họ chuẩn DVB.

Truyền hình số mặt đất

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 2451-QĐ-TTg vào tháng 12/2011 phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Theo đó, Đề án quy định từ 1/1/2013, các thiết bị thu truyền hình số được sản xuất và nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG4 có hỗ trợ thu MPEG2. Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo.

Hệ thống DVB-T cho phép phát các dịch vụ SD (sử dụng mã hoá MPEG-2) và các dịch vụ HD (sử dụng mã hoá MPEG-4) cùng các dữ liệu khác trong một dòng truyền tải (MPEG-2 TS). DVB-T mô tả kiến trúc đóng gói (Framing Structure), mã hoá kênh (Channel Coding) và quá trình điều chế (Modulation) chi tiết trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 744. DVB-T hỗ trợ độ rộng kênh truyền (bandwidth) có thể là 5 MHz, 6 MHz, 7 MHz, và 8 MHz. Tại Việt Nam sử dụng kênh có độ rộng 8 MHz.

Một số tham số kĩ thuật cơ bản của DVB-T bao gồm:

Mã sửa sai FEC dạng turbo với bộ mã hóa ngoài Reed-Solomon (204, 188): có thể sửa tối đa 8 byte lỗi trong mỗi packet 188 bytes và mã nội sử dụng mã vòng xoắn Convolutional Code (hay còn gọi là FEC) với các tỷ lệ: 1/2, 2/3, 3/4, 5/6, và 7/8;

Giản đồ điều chế: QPSK, 16-QAM, 64-QAM;

Dữ liệu truyền được tổ chức thành các Frame và các SuperFrame, một SuperFrame được tạo thành từ 4 Frame. Mỗi Frame gồm 68 Block, và mỗi Block có thể có 1512, 3024 hay 6048 symbol tuỳ thuộc vào Mode điều chế 2k, 4k hay 8k;

Kỹ thuật điều chế OFDM với các mode: 2k (2048 sóng mang), 4k (4096 sóng mang), hoặc 8k (8192 sóng mang);

Khoảng bảo vệ (Guard Interval): 1/4, 1/8, 1/16, và 1/32;

Các tín hiệu báo hiệu (tín hiệu Pilot và các tín hiệu TPS): mang các thông tin truyền phát cung cấp các thông tin này tới phía thu, cho phép phía thu tự động xác định tín hiệu đã phát (tuỳ thuộc vào đầu thu có hỗ trợ hay không).

DVB-T2 - một chuẩn mới trong họ tiêu chuẩn DVB được phát triển dành cho truyền hình số mặt đất với mục đích tăng khả năng sử dụng băng tần, tăng dung lượng dữ liệu có thể truyền cũng như cải tiến chất lượng tín hiệu. Trong các điều kiện thu tương đương so với DVB-T, DVB-T2 tăng dung lượng 30%, thậm chí trong một số trường hợp có thể tăng tới 65%. Hiệu quả đạt được này nhờ vào các cải tiến từ các đặc trưng lớp vật lý tới cấu hình mạng, cũng như tối ưu quá trình thực thi để đạt được bộ thông số tối ưu cho các kênh truyền. Chi tiết cấu trúc khung (Frame Structure), mã hoá kênh (Channel Coding) và quá trình điều chế được mô tả trong tiêu chuẩn ETSI EN 302 755.

Truyền hình số vệ tinh

Hiện nay, truyền hình số vệ tinh tiêu chuẩn DVB-S/S2 được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam, hầu hết các đài Phát thanh truyền hình (PTTH ) lớn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng đã và đang ứng dụng để cung cấp dịch vụ và tiêu chuẩn DVB-S/S2 đã được đưa vào định hướng phát triển công nghệ trong Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đến năm 2020.

Một số đơn vị đang ứng dụng rộng rãi tiêu chuẩn DVB-S/S2 như: Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) phát sóng DVB-S2 trên vệ tinh VINASAT-1 cung cấp các gói dịch vụ nội dung SDTV và HDTV từ tháng 1/2010; Liên doanh VSTV giữa đài VTV và Canal (Pháp) phát sóng DVB-S trên vệ tinh VINASAT-1 cung cấp các dịch vụ nội dung SDTV và hệ thống phát sóng DVB-S2 gói nội dung HDTV;  vv.....

Truyền hình cáp số

VTVcab

Các kênh truyền hình số của VTVcab đều được truyền dẫn trên nền hạ tầng mạng truyền hình cáp quy mô, đồng bộ của Truyền hình Cáp Việt Nam. Đây là một yêu cầu bắt buộc và cũng là một sự kết hợp tối ưu để xem được tín hiệu truyền hình số chất lượng cao, ổn định vì tín hiệu truyền hình số của VTVcab không bị tác động của thời tiết. Sở hữu một hệ thống truyền dẫn tín hiệu truyền hình số theo tiêu chuẩn Châu Âu (tiêu chuẩn DVB-C), VTVcab sẽ đưa tới cho khách hàng một dịch vụ truyền hình HD có chất lượng hình ảnh sắc nét hơn từ 4 - 5 lần so với truyền hình thông thường, đi liền với đó là hệ thống âm thanh đa kênh được tích hợp trong các thiết bị giải mã tín hiệu hiện đại, đã tạo nên một thế giới giải trí chất lượng cao cho khách hàng.

Hình 1: Trọn bộ giải mã tín hiệu đầu thu của VCTV

HCTV

Hệ thống cáp DVB-C của Công ty dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội sử dụng đầu thu kỹ thuật số SD OPENTEL HVC-100, đầu giải mã TOPFIELD HDTV/SDTV và đầu thu HD mới của HCATV.

Hình 2: Đầu thu HD của HCATV

HTVC

Dịch vụ truyền hình cáp của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cả dịch vụ truyền hình SDTV và HDTV sử dụng đầu thu TOPFIELD (HDTV và SDTV), đầu thu PAMA (HDTV và SDTV), đầu thu OPENTEL (SDTV) và đầu thu VIACCESS (SDTV).

Hình 3: Đầu thu HTVC

SCTV

Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV Co., Ltd) cung cấp cả dịch vụ truyền hình SDTV và HDTV với 118 kênh truyền hình SDTV và 30 kênh truyền hình HDTV.

Hình 4: Đầu thu SCTV

Bảng 1.Các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) liên quan truyền hình kỹ thuật số

STT

Tên TCVN/QCVN

Ký hiệu

1

Thiết bị STB trong mạng truyền hình cáp kỹ thuật số

TCVN 8666:2011

2

Dịch vụ truyền hình cáp số theo tiêu chuẩn DVB-C - Tín hiệu tại điểm kết nối thuê bao – Yêu cầu kỹ thuật

TCVN 8688:2011

3

Dịch vụ IPTV trên mạng viễn thông

TCVN 8689:2011

4

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phổ tần và tương thích điện từ đối với thiết bị phát hình quảng bá mặt đất sử dụng kỹ thuật số DVB-T

QCVN 31: 2011/BTTTT

5

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2

QCVN 63: 2012/BTTTT

6

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu phát truyền hình kỹ thuật số DVB-T2

QCVN 64: 2012/BTTTT

7

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ (EMC) của mạng cáp phân phối tín hiệu truyền hình

QCVN 71: 2013/BTTTT

8

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ (EMC) của thiết bị trong hệ thống phân phối truyền hình cáp

QCVN 72: 2013/BTTTT

9

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phổ tần và tương thích điện từ của máy phát hình kỹ thuật số DVB-T2

QCVN 77: 2013/BTTTT

10

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm điện từ của các đài phát thanh, truyền hình

QCVN 78: 2014/BTTTT

11

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S và DVB-S2 tại điểm thu

QCVN 79: 2014/BTTTT

12

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị thu tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S và DVB-S2

QCVN 80: 2014/BTTTT

13

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại điểm thu

QCVN 83: 2014/BTTTT

14

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình cáp số DVB-C tại điểm kết nối thuê bao

QCVN 85: 2014/BTTTT

Kết luận

Ở Việt Nam, truyền hình kỹ thuật số đang áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số thuộc họ chuẩn DVB. Việc quyết định chọn chuẩn phát sóng DVB cho Việt Nam có nghĩa quyết định chọn tiêu chuẩn truyền dẫn  số mặt đất, vệ tinh qua cáp tương ứng là DVB-T, DVB-S và DVB-C - các tiêu chuẩn này đều thuộc họ chuẩn DVB.

DVB-T2 một chuẩn mới trong họ tiêu chuẩn DVB được phát triển dành cho truyền hình số mặt đất với mục đích tăng khả năng sử dụng băng tần, tăng dung lượng dữ liệu có thể truyền cũng như cải tiến chất lượng tín hiệu.

Truyền hình số vệ tinh tiêu chuẩn DVB-S/S2 được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam, hầu hết các đài PTTH lớn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng đã và đang ứng dụng để cung cấp dịch vụ. Tiêu chuẩn DVB-S/S2 đã được đưa vào định hướng phát triển công nghệ nêu trong Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghiên cứu, rà soát hoàn thiện tiêu chuẩn về giao diện cho khối truy nhập có điều kiện dùng trong truyền hình kỹ thuật số (DVB-CI ), đề tài cấp Bộ TTTT, mã số: 23-16-KHKT-TC.

[2]. https://www.dvb.org

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tình hình áp dụng tiêu chuẩn hóa đối với truyền hình kỹ thuật số ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO