Tinh thần tương thân lan tỏa

Diên Khánh – Quý Hiền | 16/12/2021 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Phong trào toàn dân phòng, chống dịch không ngừng được nêu cao. Trong gần hai năm qua, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng tuyến đầu, người dân đã cho thấy tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của Việt Nam. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều nghĩa cử đã được thực hiện, trong đó có việc đi chợ hộ.

Một hình thức chưa từng có 

Đi chợ hộ là hình thức nhằm chia sẻ với những người trong vùng phong tỏa, khu cách ly, vùng dịch diễn biến phức tạp. Mục tiêu là giúp người dân an tâm ở nhà để bảo đảm không bị lây bệnh. Đi chợ hộ là việc làm thiết thực, ý nghĩa, có tính hiệu quả và lan tỏa cao. Cho thấy tinh thần tương thân tương ái của người dân ta lúc nào cũng được nêu cao. Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận việc đi chợ hộ là một phương thức cung ứng thực phẩm mới theo yêu cầu phòng chống dịch, phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đáp ứng nhưng do không có thời gian chuẩn bị nên có những khó khăn, lúng túng bước đầu. Song, qua đúc rút kinh nghiệm, việc đi chợ hộ đã đạt nhiều kết quả tốt, góp phần lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia xã hội cho rằng, việc đi chợ hộ là chưa có trong lịch sử, đây là giải pháp rất mới để giúp người dân trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Bình thường, người dân tự đi chợ, mua đồ cho gia đình cũng đã gặp không ít khó khăn. Việc đi mua thuốc tây đôi khi cũng không đúng chủng loại. Nhưng trong dịch bệnh, toàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2,2 triệu hộ dân.

Tinh thần tương thân lan tỏa - Ảnh 1.

Có thời điểm cao nhất, 1,7 triệu hộ dân đăng ký có người đi chợ thay mình. Điều đó cho thấy sự ứng biến nhanh nhạy của người dân cũng như chính quyền các cấp trong việc giúp đỡ cộng đồng bớt khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh. Anh Võ Chí Nhất (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) chia sẻ: "Theo tôi thì đi chợ hộ là một ý rất hay trong khi dịch hoành hành. Bởi lẽ nó hạn chế được người dân ra đường, những người được ra đường thì được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, khi thấy có dấu hiệu thì sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. Nhờ đó, vào những tháng giữa năm 2021, nhiều hộ dân đã an tâm ở nhà, chống dịch". Nhìn nhận ở góc độ nhân văn, nhà văn Tống Phước Bảo (TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: "Với việc các lực lượng tình nguyện viên, đoàn thanh niên và bộ đội triển khai việc đi chợ hộ cho người dân ngay thời điểm đỉnh dịch của TP. Hồ Chí Minh cho thấy sự ứng biến kịp lúc và tinh thần tương thân tương ái giữa nguy khó. Nhiều hẻm, xóm bị giăng dây phong tỏa, chợ truyền thống đóng cửa, các siêu thị thì phải xếp hàng và sử dụng phiếu đi chợ rất khó khăn và mất thời gian. Thậm chí nhiều khu phố với hàng loạt ca nhiễm, cách ly hoàn toàn thì việc cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm bằng biện pháp đi chợ hộ là một sự cứu cánh kịp thời và đáng quý".

Thực tế, có những bạn trẻ chưa bao giờ phải đi chợ nhưng khi nhận nhiệm vụ thì luôn cố gắng hoàn thành phiếu đi chợ một cách đầy đủ nhất. Ban đầu có thể chưa quen nhưng sau một vài ngày, lực lượng đi chợ hộ đã gần như giải tỏa cơn khát thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con vùng giăng dây rất thành thục. Có những việc phát sinh như đi chợ dư hoặc thiếu nhưng hầu như đều được giải quyết ổn thỏa, bởi ngay tâm dịch, người Sài Gòn vẫn luôn giữ cho mình bản tính tử tế và thích ứng rất tốt. Việc đi chợ hộ cũng là một trong những phong trào ghi đậm dấu ấn tình nguyện, nêu cao nghĩa đồng bào. 

Cánh tay nối dài của người dân 

Thời điểm TP. Hồ Chí Minh thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, đã xuất hiện nhiều việc chia sẻ có ý nghĩa. Việc đi chợ giúp dân của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xem như "cánh tay nối dài" đưa lương thực, thực phẩm từ cửa hàng, siêu thị đến tay người dân, góp phần giữ nhịp sinh hoạt ổn định hằng ngày của biết bao gia đình. Sáng 24/8, sau khi chốt xong 160 đơn hàng của người dân trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Hằng Năm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2, Quận 5 liền chuyển đơn đến cửa hàng Co.op Food nằm dưới tầng trệt chung cư Phan Văn Trị để nhân viên cửa hàng chuẩn bị hàng hóa theo yêu cầu. Hai giờ sau, các đơn hàng hoàn tất theo từng túi, chị cùng cán bộ khu phố và các chiến sĩ lực lượng vũ trang chuyển đến từng hộ dân theo đúng thông tin trên phiếu đăng ký mua hàng.

Tinh thần tương thân lan tỏa - Ảnh 2.

Nhóm đi chợ giúp dân phường 2, Quận 5 gồm 20 thành viên, chủ yếu là hội viên Hội Phụ nữ phường, đoàn viên thanh niên và lực lượng dân quân hỗ trợ chọn hàng, chuyển hàng đến tận tay hộ dân. Binh nhì Nguyễn Bảo Quốc, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đóng quân tại tỉnh Đồng Nai nhận nhiệm vụ tăng cường đến TP. Hồ Chí Minh, tham gia đi chợ giúp dân tại phường 2, Quận 5. Quốc chia sẻ: "Chúng tôi xem đơn hàng rồi cùng nhân viên các cửa hàng, siêu thị nhanh chóng hoàn tất gói hàng để cùng nhóm đi chợ đưa đến hộ dân một cách nhanh nhất để bà con không thiếu thốn lương thực, nhất là các nhu yếu phẩm. Nhóm còn nhận mua giúp thuốc chữa bệnh theo đơn cho bà con". Không riêng Quận 5, các địa bàn khác ở TP. Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ người dân trong cuộc sống. Từ ngày 23/8, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 1 (Quận 6) Nguyễn Thị Phương cùng hơn 20 thành viên Tổ công tác hỗ trợ dân đã tất bật đi chợ giúp dân. Cùng với việc chuẩn bị các túi quà, Trung tâm An sinh xã hội TP. Hồ Chí Minh đã hình thành lực lượng phản ứng nhanh SOS để hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp khó khăn mà địa phương chưa thực hiện hỗ trợ, nhất là ở các hẻm sâu. Khi nhận được thông tin, lực lượng này sẽ tiếp cận, khai thác thông tin (số thành viên, trẻ em, người già,…) để cứu trợ các nhu yếu phẩm đến tận nơi. Mới đây, Tổng đài 1022 của TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ anh Hồ Minh Tuấn ở số 5, Lã Xuân Oai, phường Trường Thạnh (TP. Thủ Đức). Tuấn chia sẻ: Nhiều tuần qua, 70 công nhân trong cơ sở sản xuất của anh thực hiện "ba tại chỗ" cho nên không thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm. Chỉ sau khoảng một giờ, anh Tuấn và các công nhân đã nhận đủ số lương thực, thực phẩm để tiếp tục bám trụ tại cơ sở sản xuất.

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết: Để cùng chính quyền thành phố thực hiện một số biện pháp tăng cường, nâng cao phòng, chống dịch COVID-19, UBND Quận 5 yêu cầu 14 phường phải thực hiện chương trình đi chợ giúp người dân nhằm bảo đảm mỗi người dân đều nhận được thông tin để đăng ký mua hàng, không để người dân thiếu nhu yếu phẩm. Quận sẽ tăng cường thêm lực lượng thanh niên tình nguyện, lực lượng quân sự để hỗ trợ địa phương cùng tham gia đi chợ giúp dân kết hợp tuần tra, giám sát thực hiện giãn cách. Song song với phương thức này, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác như tổ chức bán hàng lưu động; triển khai Dự án Chợ Nghĩa tình. Nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, tới đây, thành phố sẽ bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. Điều đó giúp cho nhiều hộ dân, dù trong điều kiện cách ly nhưng vẫn ấm lòng.

(Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần tương thân lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO