Tình trạng các ứng dụng “trăm hoa đua nở” trong giai đoạn “quá độ” CĐS tại Việt Nam

Thế Phương| 25/08/2021 08:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, việc người dùng "loạn" và phải cài đặt quá nhiều ứng dụng chủ yếu do Việt Nam đang trong giai đoạn "quá độ", tương tự như các nước khác trên thế giới, trước khi chỉ còn lại 1-2 ứng dụng cho mỗi lĩnh vực và có sự liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu (CSDL).

Người dùng than phiền vì phải cài đặt quá nhiều ứng dụng

Chị Minh Thu (quận Thanh Xuân - Hà Nội) đã than phiền về tình trạng phải cài đặt và sử dụng quá nhiều ứng dụng cho những nhu cầu hiện nay. Như để đăng ký tiêm chủng, chị phải cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, còn khi đi lại thì chị phải khai báo sức khỏe trên ứng dụng Khai báo y tế hoặc Bluezone. Còn để nhập học cho con thì chị phải gộp thẻ bảo hiểm y tế của con với bố mẹ qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội, rồi muốn quản lý học bạ của con thì phải cài app Enet, nộp tiền cho con thì phải thông qua ViettelPay. "Chưa kể đến, việc cô giáo dạy học trực tuyến cho con thì qua Zoom, nhưng giao bài thì qua Zalo", chị Minh Thu chia sẻ.

Anh Nam Long (quận Hà Đông - Hà Nội) thì cho biết, anh vẫn thường đóng tiền điện qua ShopeePay hoặc MoMo, 2 ứng dụng ví điện tử được anh sử dụng vì là tín đồ của mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên giờ đóng tiền nước anh cũng phải đóng trên ví điện tử, ngặt nỗi cả 2 ứng dụng anh Long thường sử dụng lại không dùng để thanh toán tiền nước được. Thậm chí, trong danh sách ví điện tử thanh toán tiền nước còn có cả ví ECPay mà anh Long chưa nghe đến bao giờ. "Để rồi, tôi lại phải cài thêm ZaloPay chỉ để đóng tiền nước hàng tháng, trong khi vẫn dùng chính trên ShopeePay và MoMo", anh Long bày tỏ.

Không chỉ các ứng dụng liên quan đến đời sống hàng ngày, nhiều người sử dụng cũng đã cảm thấy bối rối với các ứng dụng liên quan đến dịch Covid-19. Giữa tháng 8/2021, Bộ Công An đã cho ra mắt app khai báo "di biến động dân cư" nhằm quản lý sự di chuyển của dân chúng. Trong khi đó, Bộ Y tế đang khuyến khích sử dụng nhiều giải pháp công nghệ, như: khai báo y tế điện tử bằng mã QR code, ứng dụng truy vết Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử đăng ký tiêm vắc-xin, Bản đồ an toàn Covid-19... Chưa kể đến, một số địa phương còn có những ứng dụng riêng hay thêm tính năng trên ứng dụng do mình phát triển trước đó. Hay tại một số công ty còn yêu cầu các nhân viên của mình khai báo sức khỏe hàng ngày thông qua Zalo để tiện quản lý.

Đánh giá về tình trạng này, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It cho biết, bất kì quốc gia nào cũng phải trải qua những giai đoạn "quá độ" như Việt Nam hiện nay. Để rồi, qua quá trình phát triển sẽ sự chọn lọc tự nhiên, có những ứng dụng tồn tại được và những sản phẩm rời khỏi thị trường.

Đồng thời, do đang trong giai đoạn cạnh tranh nên mỗi ứng dụng sẽ tận dụng những lợi thế của mình để thu hút người dùng, nên việc chồng chéo lên nhau và không liên thông về dữ liệu cũng là điều dễ hiểu. "Trong giai đoạn này, người dùng sẽ "loạn" vì phải cài đặt quá nhiều ứng dụng, nhưng qua thời gian, các sản phẩm này sẽ tự loại lẫn nhau và chỉ có một số ít được tiếp tục ủng hộ", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, một số ứng dụng tận dụng những lợi thế nhất định như độc quyền thanh toán một dịch vụ thiết yếu nào đó, nhưng điều này chỉ giúp sản phẩm đó gia tăng lượng người cài đặt, còn sử dụng thường xuyên hay không lại là một câu chuyện khác. Để rồi, những ứng dụng ít người sử dụng sẽ được Apple gợi ý xóa bỏ trên iPhone. "Do đó, những lợi thế này chỉ tạo hiệu ứng cài đặt ban đầu còn chứ không mang nhiều ý nghĩa đảm bảo cho sự phát triển lâu dài", ông Hùng chia sẻ.

Câu chuyện này cũng xảy ra tại nước ngoài, ban đầu "trăm hoa đua nở" khi mỗi lĩnh vực có khoảng 5-7 ứng dụng cùng nhau cạnh tranh nhưng rồi chỉ còn lại 1-2 sản phẩm mạnh nhất sống sót. Bởi vì, việc ra mắt một ứng dụng rất đơn giản nhưng để thành công thì cần phải có chiến lược marketing, vận hành bài bản… và sở hữu hệ sinh thái xung quanh nó để bổ trợ.

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, sở dĩ tình trạng "loạn ứng dụng" này diễn ra là do thiếu một kế hoạch tổng thể dữ liệu dùng chung ở cấp rộng và cao nhất là cấp toàn quốc. Việc này kéo dài đến thời điểm nào còn tùy vào kế hoạch tổng thể được triển khai. Bởi vì, việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực và có sự phối hợp giữa nhiều bên khác nhau.

"Hầu hết các quốc gia phát triển đã trải qua giai đoạn này và hiện họ đã áp dụng khá bài bản cho toàn bộ các dịch vụ công trên một hoặc 2 ứng dụng chung cho toàn quốc như Singapore. Còn các quốc gia đang phát triển, cũng có tình trạng như Việt Nam hiện tại và cần có một kế hoạch và chiến lược tổng thể về dữ liệu và cách triển khai", ông Giản chia sẻ thêm.

Việc “loạn ứng dụng” chủ yếu do Việt Nam đang trong giai đoạn “quá độ” - Ảnh 1.

Để tạo thuận lợi cho người dùng, Bộ Công an cùng Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã họp bàn và thống nhất việc các ứng dụng sẽ trên một phần mềm, qua nền tảng của CSDL quốc gia về dân cư.

Cần có chiến lược bài bản khi dùng chung dữ liệu giữa các ứng dụng

Đánh giá về việc dùng chung dữ liệu ở Việt Nam hiện nay, theo ông Giản, đối với các dịch vụ công (DVC), việc này đã có tiến triển khá tốt, hiện nay các cơ quan bộ ngành và DVC cũng đã nhận ra vấn đề và cũng đã dần dần khắc phục. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn cần nhiều thời gian và nỗ lực.

"Một kiến trúc tổng thể dữ liệu dùng chung là một dự án lớn, chiến lược quốc gia, bảo mật là một yếu tố quan trọng nhất nằm trong chiến lược này. Vì vậy khi xây dựng và triển khai, bảo mật sẽ được lưu tâm đầu tiên", ông Giản lý giải.

Đồng thời, cơ quan quản lý nên có một ban tư vấn chiến lược là các chuyên gia để đảm bảo việc xây dựng kế hoạch, chiến lược và triển khai là đồng nhất và tổng thể.

Còn theo ông Hùng, ở Việt Nam hiện nay, mỗi ứng dụng một CSDL khác nhau và chưa có sự liên thông, kết nối giữa các sản phẩm. Mặc dù ai cũng biết việc liên thông dữ liệu là rất tốt nhưng rào cản lớn nhất vẫn là thỏa thuận hợp tác với nhau như thế nào và ai sẽ là trọng tài để các bên cùng có lợi. Quan trọng nhất vẫn là tìm ra giải pháp phù hợp để các đơn vị kết nối với nhau, và từ đó làm giàu kho dữ liệu đó. "Khi thống nhất được giải pháp thì mới bắt đầu quay lại để tháo gỡ từng khó khăn để thực hiện", ông Hùng bày tỏ.

Từ đó, ông Hùng đã đưa ra đề xuất, CSDL dùng chung cần phải được một tổ chức nhà nước có uy tín quản lý, kiểm soát cũng như phải có một cơ chế, quy định khi sử dụng giữa các ứng dụng. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt, đồng ý cho từng ứng dụng được khai thác những thông tin nào trong kho dữ liệu dùng chung đó. Đây cũng đang là xu hướng đang được triển khai trên thế giới và CSDL đó sẽ ngày càng được làm giàu, có giá trị bởi các ứng dụng được phê duyệt. "Chủ yếu ở đây là ai sẽ đứng ra để nhận trách nhiệm này và đưa ra các cơ chế, quy định phù hợp cho kho dữ liệu dùng chung", ông Hùng cho biết.

Tại nước ngoài, các dữ liệu liên quan đến người dùng, dù được lưu tại một CSDL dùng chung nhưng chỉ khi người dùng cho phép thì những thông tin liên quan đến họ mới được chia sẻ.

"Khi các tiện ích được cài đặt, người dùng sẽ kiểm soát từng loại dữ liệu trên CSDL dùng chung của họ, thông qua việc cho phép ứng dụng khai thác từng danh mục thông tin cụ thể. Các ứng dụng khai thác thông tin dùng chung này và trong quá trình sử dụng sẽ bổ sung thêm dữ liệu cho người dùng, để từ đó đánh giá hồ sơ dữ liệu (profile) này uy tín hay không", ông Hùng chia sẻ.

Mặc dù vậy, việc sử dụng chung dữ liệu nên được xem xét tùy theo từng ứng dụng, vì nếu không kiểm soát, quản lý tốt thì dữ liệu người dùng sẽ bị khai thác tràn lan. Khi đó, cái hại sẽ nhiều hơn cái tốt, như tình trạng hacker bán dữ liệu người dùng như CMND, số điện thoại… "Nhất là khi ở Việt Nam, người dùng chưa có khái niệm về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Data Privacy) nên chưa có sự quan tâm đúng mực về dữ liệu cá nhân của mình, nên thường sẽ đồng ý cho ứng dụng truy cập tất cả những yêu cầu", ông Hùng bày tỏ.

Ở Việt Nam, việc ghép từng mảnh hỗn độn hiện nay và xây dựng được một cách bài bản kho dữ liệu dùng chung như vậy thì sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vì đây là một bài toán rất khó. Với dân số 100 triệu dân Việt Nam, ngoài những thông tin cơ bản thì sẽ còn rất nhiều dữ liệu liên quan khác đến hành vi người dùng trên Internet…

"Nếu Việt Nam làm được kho dữ liệu dùng chung như vậy thì sẽ thành một quốc gia lớn về chuyển đổi số", ông Hùng nhấn mạnh.

Trước tình trạng có nhiều phần mềm khai báo y tế như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declarations và của Bộ Công an gây khó khăn cho người dùng, ngày 17/8, sau khi Bộ Công an cùng Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã họp bàn và thống nhất, các ứng dụng này sẽ chạy trên một phần mềm, qua nền tảng của CSDL quốc gia về dân cư.

Công dân có thể khai báo bằng phần mềm nào cũng được để lấy mã QR dùng khi qua chốt kiểm dịch. Các mã QR có giá trị như nhau vì phần mềm là liên thông. Ba Bộ cũng thống nhất sử dụng chung một mẫu tờ khai y tế để thuận tiện cho người dân khi khai báo, di chuyển. Mẫu này do Bộ Công an xây dựng và đã đưa vào sử dụng.

Chia sẻ trong Tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" ngày 24/8 do báo điện tử VnExpress tổ chức, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế, cho biết, việc thống nhất chuẩn hóa mã QR trong việc chống dịch đang được đẩy mạnh triển khai, đạt được nhiều kết quả nhất định. Gần đây Bộ Công an triển khai thêm dữ liệu dân cư. Để việc này hiệu quả hơn, người dân không gặp khó khăn thì sẽ thống nhất một mã QR chung để liên thông, phòng chống dịch có sự tham gia của Bộ Công an. Từ 25/8 sẽ triển khai thí nghiệm liên thông giữa hai bên.

"Sự khác biệt là mã QR phòng chống dịch đơn giản hơn mã QR của Bộ Công an vốn chứa nhiều thông tin. Mã QR chống dịch đơn giản, chỉ có thông tin định danh để hỗ trợ truy vết, phòng chống dịch, xem người dân có liên quan thế nào đến ca lây nhiễm từ di chuyển quốc tế đến di chuyển trong siêu thị, khu công nghiệp. QR trên căn cước công dân, bảo hiểm y tế (BHYT) lại chứa nhiều thông tin nghiệp vụ", ông Nam nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng các ứng dụng “trăm hoa đua nở” trong giai đoạn “quá độ” CĐS tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO