TMĐT xuyên biên giới: Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Đoàn Thị Yến, Trịnh Hồng Hải| 19/03/2019 11:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang bùng nổ. Việt Nam đồng thời cũng kêu gọi đầu tư thêm từ Trung Quốc vào các dự án công nghệ cao

Tuy nhiên, hiện giờ bối cảnh khởi nghiệp tại châu Á vẫn còn có những bí ẩn. Singapore và Trung Quốc đã trở thành những trung tâm khởi nghiệp quan trọng, tuy nhiên thị trường ở các nước Đông Nam Á cũng đang phát triển mạnh mẽ. Trong số đó, Việt Nam đang thực hiện bước “Đại nhảy vọt” trong thế giới công nghệ cao.

Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm tiềm năng đạt 5,1%, Việt Nam mang trong mình một kỳ vọng lớn. Là một trung tâm hoạt động sản xuất, TP. Hồ Chí Minh có một nguồn cung lớn các nhà phát triển và những nhà thiết kế trẻ tài năng. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, chỉ một mình các kỹ năng không tạo nên một quang cảnh khởi nghiệp tuyệt vời.

Văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay ra sao? Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhảy vọt, với các công ty khởi nghiệp huy động được 205 triệu đô la trong năm 2016, tăng 46% so với năm 2015.

Lĩnh vực dẫn đầu trong hệ sinh thái là fintech, đã thu được gần 129 triệu đô la tiền đầu tư trong năm 2016. Trung bình có khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm về ngành kỹ thuật, nhưng hoạt động khởi nghiệp lại tương đối nhỏ hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Mặc dù vậy, Việt Nam chắc chắn có một số tiềm năng lớn. Thương mại điện tử cũng đang theo xu hướng này.

Thị trường Việt Nam đang thu hút những gã khổng lồ về thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba. Công ty có trụ sở tại Hàng Châu đã đưa ra các sáng kiến ​​cho phép các thương nhân Việt Nam sử dụng các mạng lưới toàn cầu của họ để thúc đẩy doanh số bán hàng quốc tế.

Mới đây, Alibaba vừa ký thỏa thuận với nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam - Fado Vietnam, để ra mắt kênh giao dịch mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), để xuất khẩu sản phẩm của họ ra toàn cầu thông qua alibaba.fado.vn. Điều này mang lại cho các công ty Việt Nam tiềm năng bán hàng hóa tới 260 triệu công ty thu mua từ 240 quốc gia. Theo dữ liệu từ báo cáo thương mại điện tử của Việt Nam năm 2018, hiện có tới 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã thiết lập các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy doanh số bán hàng xuyên biên giới.

Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Việt Nam cũng đang kêu gọi Trung Quốc đầu tư thêm vào các dự án công nghệ cao

Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất trong khu vực dành cho các nhà đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) đạt 33% trong hai năm qua, Việt Nam được xếp hạng cao trong số các thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Và Trung Quốc cũng đang giúp Việt Nam tiến lên và phát triển theo xu hướng này. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã hoàn thành khoản đầu tư quy mô lớn vào tiki.vn vào năm ngoái, trong khi nhà bán lẻ trực tuyến PRC tiếp tục rót vốn vào Lazada, thị trường kỹ thuật số lớn nhất ở Đông Nam Á, nơi có hơn 31 triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Hiện tại có khoảng 35,4 triệu người dùng thương mại điện tử tại Việt Nam, với thêm 6,6 triệu người dùng dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến vào năm 2021. 42 triệu người dùng thương mại điện tử này sẽ chiếm 58% tổng dân số Việt Nam. Nước ta là vùng đất cơ hội cho các công ty thương mại điện tử trong và ngoài nước vì có lực lượng dân số trẻ, tỷ lệ truy cập Internet cao (xếp thứ 17 trên thế giới) và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Theo dữ liệu, tỷ lệ truy cập Internet ở Việt Nam hiện ở mức 56% và sẽ đạt 69% vào năm 2021. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là 31% và dự kiến ​​sẽ tăng lên 42% vào năm 2021. Người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu được phân chia thành mua hàng qua điện thoại thông minh và mua hàng qua máy tính để bàn. 18% khách hàng thực hiện lần giao dịch mua sắm trực tuyến gần đây nhất thông qua điện thoại thông minh, trong khi 71% thực hiện giao dịch mua gần đây nhất qua máy tính để bàn. Người dùng trung bình chi 62 USD cho mỗi lần mua trực tuyến, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 96 USD vào năm 2021.

Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu xu hướng quốc gia. Thành phố ghi nhận tổng điểm 82,1 điểm, cao hơn 3,5 điểm so với chỉ số năm 2017. Các chỉ số phụ khiến thành phố ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nhân lực và các giao dịch giữa Doanh nghiệp và Doanh nghiệp (B2B). Hà Nội đứng thứ hai, với 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm ngoái, tiếp theo là thành phố Hải Phòng ở phía Bắc, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương ở phía Nam.

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã thúc đẩy các ngành công nghiệp như Fintech. Bởi vì khoảng 42% người tiêu dùng nước ta hiện chưa có thẻ tín dụng, giao hàng bằng tiền mặt đã trở nên cực kỳ phổ biến khi 91% người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam chọn phương thức thanh toán này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TMĐT xuyên biên giới: Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO