Tốt hơn và khác đi mỗi ngày

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng| 13/10/2020 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Thi đua yêu nước của ngành lần thứ 4 ngày 12/10/2020. Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Thi đua yêu nước của ngành lần thứ 4 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV 2020 - 2025.

Thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn Đ/c Trương Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và chỉ đạo Đại hội. Tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, các đồng chí đại biểu và các vị khách quý đã đến dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xin gửi tới toàn thể các đồng chí lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất! Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!

Kính thưa các đồng chí,

Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Đảng, Nhà nước; phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Bộ đã phát động phong trào thi đua xuyên suốt là thi đua “Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”.

Trên thực tế, việc tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành Thông tin và Truyền thông hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm và sức sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân đã nhận được khen thưởng của Nhà nước và Chính phủ, thực sự là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành học tập và noi theo.

Với nội dung trọng tâm là tổng kết công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua trong giai đoạn 2015 - 2020, Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đã đạt được; xác định hạn chế và giải pháp khắc phục; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua của Bộ trong thời gian tới.

Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, tôi xin được phép phát biểu một số ý như sau.

1)- Việc 5 năm hãy làm 1 năm

Từ năm 1948, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm 1 năm! Và chỉ khi đó mà có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao.

2)- Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại

Công việc hàng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Thi đua là thông qua việc hàng ngày của mỗi người. Bởi vậy, mục tiêu cao là phải đến được từng người. Ngày nay, mỗi người đều có thể tiếp cận kho tri thức của nhân loại, có thể lập nhóm làm việc với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, và vì vậy, sức mạnh của mỗi cá nhân là vô cùng to lớn. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ. Hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn. Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại!

3)- Thi đua là để tạo ra giá trị

Thi đua phải có mục tiêu, có tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Thi đua cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày, tự thấu hiểu mục tiêu của mình là gì, làm thế nào để đạt được, để có thể tự giác, tự nguyện thực hiện mỗi ngày. Bởi vậy phải tuyệt đối tránh sự chung chung.

4)- Việc là gốc của thi đua

Phải có việc mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì sẽ không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải coi việc nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng - là những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội, cho đất nước - để làm tiền đề cho thi đua yêu nước. Bởi vì, việc là gốc của thi đua.

5)- Thi đua là toàn dân, thi đua là để phát triển từng cá nhân

Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị và nhất là trong mỗi người. Thi đua phải huy động được sự tham gia thực chất của “toàn dân”, bất kỳ ai trong đơn vị - dù làm công việc gì, chức danh nhiệm vụ ra sao, địa bàn hoạt động ở đâu đều được tham gia thi đua. Thi đua trước hết là vì con người, là cách tốt nhất để mỗi người được hoàn thiện bản thân mình, được động viên, được khích lệ, được nâng đỡ, được ghi nhận và biểu dương thành tích.

6)- Thi đua là để tìm ra và nhân lên giá trị

Thi đua phải luôn gắn liền với tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Sau các phong trào thi đua, mỗi người, mỗi đơn vị cần phải rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình từ đồng nghiệp, từ đơn vị bạn. Đất nước chúng ta rộng lớn, dân chúng ta đông, sự sáng tạo của người Việt Nam chúng ta là đến từng cá nhân, bởi vậy mà việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình sẽ tạo ra giá trị cấp số nhân. Mà mục tiêu cuối cùng của thi đua là để tạo ra giá trị cho đất nước phát triển, và thông qua đó để mỗi cá nhân phát triển bản thân mình. Giá trị luôn cần được nhân lên thì đất nước mới phát triển nhanh được, cá nhân mới có thể nhanh khám phá bản thân và hoàn thiện bản thân.

Kính thưa các đồng chí,

Thế giới ngày càng trở nên khắc nghiệt. Trung bình nghĩa là chết, nhưng kha khá hay thậm chí tốt cũng sẽ không thay đổi được thứ hạng. Chỉ có xuất sắc thì mới bứt phá vươn lên và thay đổi được thứ hạng. Bởi vậy, thi đua là để tiến tới sự xuất sắc. Và chỉ có khát vọng xuất sắc, có mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua.

Mỗi sáng thức dậy chúng ta hãy bắt đầu chạy. Mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn thế giới khác đi, hãy suy nghĩ khác đi, hãy đặt mục tiêu cao hơn năng lực của mình, và vì thế, chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp độc đáo.

Sau Đại hội này, mỗi chúng ta sẽ luôn thi đua với chính mình, luôn tốt hơn và khác đi ngay cả với chính mình, tốt hơn và khác đi mỗi ngày, để tạo ra giá trị cho đơn vị mình, cho ngành mình, cho đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, để cho khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực. Và cũng để qua đó, mỗi chúng ta sẽ khám phá ra bản thân mình.

Hãy làm công việc hàng ngày với một tình yêu lớn!

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV 2020-2025.

Kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí đại biểu khách quý và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tốt hơn và khác đi mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO