Tranh Tết Đông Hồ - Ký ức xuân xưa

Dương Giang| 09/03/2020 11:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột Loẹt lòe trên vách bức tranh gà

Câu thơ của Tú Xương đã nói lên không gian Tết xưa không thể thiếu tranh Đông Hồ bởi tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Những hình ảnh và chủ đề trong tranh gần gũi với người dân Việt Nam, như: Tranh Cá chép, Tranh Sân gà, Tranh Lợn âm dương, Tranh Vinh Hoa, Đám cưới chuột… Tranh mua về được dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh được in trên giấy điệp với màu tự nhiên: màu đen lấy từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre được ngâm kĩ trong chum vại vài tháng rồi mới sử dụng; màu xanh lấy từ gỉ đồng hay lá chàm - lá này thường được người vùng dân tộc thiểu số phía Bắc dùng để nhuộm quần áo; màu vàng lấy từ hoa giành giành, hoa hòe; màu đỏ lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ điệp. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hòa với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô. Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực.

Tranh Tết Đông Hồ - Ký ức xuân xưa - Ảnh 1.

Tranh "Vinh hoa" mang ý nghĩa tượng trưng cho ước muốn hiển đạt.

Tranh Đông Hồ gồm 7 loại chủ đề chính, là: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng tranh từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944. Khi đó, từ tháng Tám đến tháng Chạp, cả làng tất bật mùa tranh Tết. Trong làng có 17 dòng họ thì cả 17 dòng họ đều làm tranh. Hàng nghìn, hàng vạn bức tranh các loại được bán đi khắp nơi, các gia đình mua về treo Tết để trang hoàng nhà cửa, cầu mong phú quý, vinh hoa.

Nhưng rồi, qua biến động của lịch sử, chiến tranh kéo dài, khi hòa bình lại chuyển đổi cơ chế… tranh Đông Hồ đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhớ lại, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi lang thang qua ngôi nhà 65, phố Nguyễn Thái Học, tìm gặp họa sĩ Mai Văn Hiến (ông sinh năm 1923, mất năm 2006; nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 - năm 2001) để tìm hiểu những tư liệu về Mỹ thuật Việt Nam. Trong câu chuyện, họa sĩ nói: Tôi sẽ giới thiệu cho chị một nghệ nhân hiếm hoi của dòng tranh Đông Hồ, ông ấy ở ngay dưới tầng 1. Lúc đó, thời mới mở cửa, ít người còn chú ý đến dòng tranh này. Tết đến, các gia đình cũng chẳng còn thú vui mua tranh Tết: Gà, Vịt, Lợn… Đông Hồ về treo. Vì vậy, tôi cũng không mặn mà với lời gợi ý của họa sĩ lão thành và đã bỏ qua một đề tài thú vị. Nhưng đã là di sản tinh hoa, thì luôn có sức sống tiềm ẩn, lâu bền, dù có lúc bị lãng quên do hiện thực cuộc sống, do trào lưu…

Tranh Tết Đông Hồ - Ký ức xuân xưa - Ảnh 2.

Tranh Gà mẹ, gà con - tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, "tình mẫu tử" thiêng liêng, sự đoàn tụ sum vầy.

Những năm gần đây, nhờ sự tâm huyết với dòng tranh, các nghệ nhân hiếm hoi còn lại trên quê hương Tranh Đông Hồ đã mạnh dạn đầu tư các xưởng sản xuất tranh để truyền nghề cho con cháu. Nổi lên là Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (84 tuổi) hiện giữ vai trò là thợ cả, là linh hồn của các khâu quan trọng quá trình làm tranh. Hiện nay, ông đã truyền nghề cho các con, cháu với 24 thành viên. Con trai Nguyễn Đăng Tâm (47 tuổi) có thể đảm đương được hầu hết các công đoạn của quy trình làm tranh: sáng tạo chủ đề mới, đa dạng hóa sản phẩm, chỉ đạo sản xuất, giám sát chất lượng, định hướng cho các hoạt động của xưởng tranh gia đình. Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cùng con cháu mạnh dạn đầu tư xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ trên diện tích 5.000m2 ngay đầu làng Đông Hồ. Các xưởng tranh hàng ngày thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, mua tranh.

Tranh Tết Đông Hồ - Ký ức xuân xưa - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Còn tại gia đình cố nghệ nhânNguyễn Hữu Sam (1933 - 2016), người con dâu trưởng - nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và con trai thứ của ông là bà Nguyễn Hữu Quả cùng vợ và các con, cháu đã được người cha trao truyền nghề. Gia đình hai người con thành lập xưởng tranh tại nhà, sản xuất và tiêu thụ tranh như là kế sinh nhai chính.

Trước đây, khổ tranh Đông Hồ truyền thống chỉ là cỡ nhỏ, nhưng giờ đây, các sản phẩm tranh đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Từ tranh dân gian truyền thống, các nghệ nhân còn sáng tạo thành những bộ lịch Tết, tem thư, sách bé tập tô, tranh bưu thiếp dùng cho bạn bè trong nước và quốc tế.

Một điều thú vị là tác giả Laurel Kendall (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ) trong bài viết: Từ làng Đông Hồ đến đường Central Park West… cho biết: Trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ có hơn 850 hiện vật là các ấn phẩm in khắc gỗ, thì 125 hiện vật đến từ Việt Nam, trong đó có hơn 100 tranh in khắc gỗ đến từ Đông Hồ.

Nghề làm tranh dân gian đông Hồ được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa quốc gia năm 2012. Gần đây, ngày 01/11/ 2019, Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại" đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tranh Tết Đông Hồ - Ký ức xuân xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO