Triển khai đo kiểm thử nghiệm IPv6 tại Việt Nam

03/11/2015 20:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Phòng đo kiểm IPv6 khi ra đời sẽ thực hiện đo kiểm khả năng tuân thủ và tương thích, nhằm đảm bảo sẵn sàng kết nối vào mạng Internet đối với các thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thiết bị, sản phẩm sử dụng công nghệ IPv6.

Trước tình hình cạn kiệt địa chỉ IPv4, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trong đó có Việt Nam đã có những động thái tích cực triển khai ứng dụng địa chỉ Pv6. Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ và lộ trình bảo đảm tất cả thiết bị, phần mềm viễn thông và công nghệ thông tin kết nối Internet được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6.

Ngày 25/3/2014, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định số 305/QĐ- BTTTT về Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch là xây dựng phòng đo kiểm chứng nhận thiết bị sản phẩm hỗ trợ Pv6 tại Việt Nam. Phòng đo kiểm IPv6 khi ra đời sẽ thực hiện đo kiểm khả năng tuân thủ và tương thích, nhằm đảm bảo sẵn sàng kết nối vào mạng Internet đối với các thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thiết bị, sản phẩm sử dụng công nghệ IPv6.

CƠ SỞ XÂY DỰNG PHÒNG ĐO KIỂM IPv6

Chương trình chứng nhận gán nhãn sẵn sàng IPv6

Mô hình phòng đo kiểm IPv6 sẽ lựa chọn Chương trình chứng nhận gán nhãn sẵn sàng IPv6 (IPv6 Ready Logo Program) làm cơ sở xây dựng, nhằm đánh giá tính hợp chuẩn, hợp quy của thiết bị. Cơ sở cho sự lựa chọn trên do chương trình chứng nhận này là một diễn đàn quốc tế hoạt động với mục tiêu đánh giá sự phù hợp và kiểm tra khả năng tương thích IPv6 đối với các thiết bị và dịch vụ IPv6 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản trị, cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Internet đến từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp... Đồng thời, nhiều hãng sản xuất thiết bị IPv6 trên thế giới cũng đã tham gia đánh giá thiết bị của họ trên cơ sở các bộ bài đo của tổ chức này để đạt được "IPv6 Ready Logo" như Cisco, Juniper, Huawei, ZTE, Alcatel... Khi đạt được IPv6 Ready Logo của tổ chức này đồng nghĩa với việc thiết bị IPv6 đã được xác nhận tính tuân thủ tiêu chuẩn cũng như tính tương thích với các thiết bị IPv6 chuẩn khác.

Các phương pháp đo, bộ bài đo cho thiết bị IPv6 được chương trình IPv6 Ready Logo xây dựng với nhiều nhóm chức năng khác nhau. Trong đó, các bộ bài đo cho giao thức lõi, bài đo cho DHCPv6, bài đo cho IPsec, bài đo cho SNMP và bài đo cho router CE IPv6 đã chính thức được công nhận và được sử dụng để đánh giá tính hợp chuẩn của thiết bị IPv6 các hãng. Các bộ bài đo còn lại gồm bài đo cho IKEv2, bài đo cho IMS UE, bài đo cho MIPv6, bài đo cho MLDv2, bài đo cho NEMO và bài đo cho SIP vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tình hình tiêu chuẩn hóa IPv6 tại Việt Nam

Để có thể triển khai hiệu quả IPv6 và có sở cứ kỹ thuật cho việc xây dựng phòng đo kiểm IPv6 thì việc xây dựng các tiêu chuẩn IPv6 đóng một vai trò quan trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ ban hành được một tiêu chuẩn liên quan đến IPv6 là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9802-1:2013 "Giao thức Internet phiên bản 6 (IPv6) - Phần 1: Quy định kỹ thuật".

Một số các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác đang dừng ở mức sản phẩm của các đề tài nghiên cứu và đang được Bộ TTTT tổ chức xin ý kiến rộng rãi trên website. Các bộ tiêu chuẩn này đều xây dựng theo các tiêu chuẩn RFC của IETF như RFC 1981, RFC 4291, RFC 4861, RFC 6434, RFC 7084. Trong thời gian tới, nhóm tiêu chuẩn cơ bản bao gồm các tiêu chuẩn giao thức lõi IPv6 sẽ được ưu tiên xây dựng trước, còn các tiêu chuẩn bổ sung về chức năng như DHCP, Mobile IP, bảo mật... sẽ được xây dựng tùy thuộc vào mức độ quan trọng và tình hình triển khai cụ thể.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đánh giá hợp chuẩn, hợp quy của các thiết bị IPv6 tại Việt Nam, ngoài việc xây dựng các tiêu chuẩn cho IPv6 thì Vụ Khoa học và Công nghệ cũng định hướng xây dựng phương pháp đo cũng như bộ bài đo để đánh giá thiết bị IPv6 phù hợp các tiêu chuẩn IPv6 xây dựng tại Việt Nam. Các phương pháp đo này thường được xây dựng theo phương thức chấp thuận nguyên vẹn nội dung các bài đo của chương trình IPv6 Ready Logo, có sửa đổi hình thức phù hợp với quy định xây dựng tài liệu tại Việt Nam. Các bài đo đã xây dựng được bao gồm:

-Phương pháp đo kiểm tra giao thức khám phá nút mạng lân cận IPv6.

-Phương pháp đo kiểm tra giao thức khám phá Path MTU trong IPv6.

-Phương pháp đo kiểm và đánh giá giao thức IPv6 của thiết bị định tuyến biên phía khách hàng.

MÔ HÌNH PHÒNG ĐO KIỂM IPv6

Căn cứ vào tình hình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tại Việt Nam thì phòng đo kiểm IPv6 trong giai đoạn tới sẽ tập trung đo kiểm các giao thức lõi đối với thiết bị như Host, Router, CE Router (thiết bị định tuyến biên phía khách hàng). Để thực hiện được các bài đo thử nghiệm khả năng tuân thủ và các bài đo thử nghiệm liên quan đến khả năng tương thích thì hệ thống, thiết bị của phòng đo kiểm sẽ có mô hình như sau:

-Thử nghiệm khả năng tuân thủ:

Tester: Nhóm các máy chủ cài công cụ đo kiểm.

NUT (Node under testing): Là đối tượng được đo kiểm thử.

Laptop: Quản trị, điều khiển và xác thực.

-Thử nghiệm khả năng tương thích

Manager: Nhóm các thiết bị máy chủ điều khiển, quản lý các thiết bị test.

Dumper: Nhóm các thiết bị máy chủ theo dõi, thu thập kết quả test.

TAR (Target): Nhóm các thiết bị máy chủ cài các OS khác nhau để thực hiện các bài thử nghiệm tính tương thích.

NUT (Node under testing): Đối tượng được đo kiểm thử.

REF-1: Thiết bị kết nối kiểm thử tính năng tương tác 1(host/router).

REF-2: Thiết bị kết nối kiểm thử tính năng tương tác 2 (host/router).

ĐO KIỂM THỬ NGHIỆM KHẢ NĂNG TUÂN THỦ IPv6

Trong thời gian qua, với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có thì Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành đo kiểm thử nghiệm được khả năng tuân thủ đối với thiết bị Host. Công cụ TAHI của Nhật Bản được lựa chọn sử dụng vì đã được thừa nhận công khai trên IPv6 Forum, hoàn toàn miễn phí và đã được chương trình IPv6 Ready Logo công nhận. Mô hình thiết lập để đo kiểm thử nghiệm tương tự như mô hình đo kiểm khả năng tuân thủ đã đề cập ở Hình 1 trong đó:

-Tester: Máy chủ cài đặt hệ điều hành FreeBSD phiên bản khuyến cáo 8.4, công cụ V6veal của Nhật Bản dành cho bài đo tuân thủ và Self-test tool - 5.0.0

-NUT: Thiết bị test sử dụng hệ điều hành Ubuntu

-10.04 LTS (Long term support).

Sau khi chạy kịch bản test thì kết quả được đưa ra dưới dạng HTML bao gồm 05 phần. Mỗi một phần bao gồm thời gian đo kiểm, kết quả đo kiểm Pass/ Fail của từng bài đo, Log đo kiểm, Script thực hiện đo kiểm. Chức năng và số lượng bài đo cụ thể đối với mỗi một phần như sau:

-Phần 1 kiểm tra khả năng tuân thủ của thiết bị đối với những đặc tính kỹ thuật cơ bản của giao thức Internet phiên bản 6 (RFC 2460 - IPv6 Specification). Phần này bao gồm 54 bài đo nhỏ được chia làm 03 nhóm kiểm tra là tiêu đề IPv6, các tùy chọn và tiêu đề mở rộng IPv6, Phân mảnh IPv6.

-Phần 2 kiểm tra khả năng tuân thủ của thiết bị đối với giao thức khám phá nút mạng lân cận IPv6 (RFC 4861 - Neighbor Discovery for IPv6). Phần này bao gồm 236 bài đo nhỏ, được chia làm 03 nhóm kiểm tra là khả năng phân giải địa chỉ và phát hiện nút mạng liền kề không thể hướng tới, khám phá Router và Prefix và chức năng chuyển hướng.

-Phần 3 kiểm tra khả năng một host có thể thực hiện việc quyết định đưa ra cách thức tự động cấu hình địa chỉ IPv6 (RFC 4862 - IPv6 Stateless Address Autoconfiguration) trên các giao diện của nó. Phần này bao gồm 236 bài đo nhỏ được chia làm 02 nhóm kiểm tra là khả năng tự động cấu hình địa chỉ và dò tìm địa chỉ trùng lặp, xử lý quảng bá Router và khoảng thời gian tồn tại của địa chỉ.

-Phần 4 bao gồm 16 bài đo kiểm tra khả năng host có thể khám phá đơn vị truyền lớn nhất (MTU) của một tuyến (RFC 1981 - Path MTU Discovery for IPv6).

-Phần 5 bao gồm 25 bài đo để kiểm tra khả năng tuân thủ của thiết bị đối với đặc tính kỹ thuật của giao thức bản tin điều khiển sử dụng trong ICMPv6 (RFC 4443 - ICMPv6).

Trong thời gian sắp tới, để mô hình phòng đo kiểm chứng nhận thiết bị, sản phẩm hỗ trợ IPv6 có thể được xây dựng và đi vào hoạt động thì Bộ Thông tin và Truyền Thông, Cục Viễn thông cần tiến hành các công việc như sau:

-Tiếp tục hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phương pháp đo liên quan đến các thiết bị IPv6. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng phòng đo kiểm IPv6, Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới cần tiếp tục:

Ban hành danh mục thiết bị phải thực hiện thủ tục hợp quy, hợp chuẩn đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ IPv6.

Xây dựng lộ trình đảm bảo các thiết bị kết nối Internet sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6.

-Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị liên quan đến đo kiểm sản phẩm, dịch vụ IPv6 như hệ thống Server, Router, Host, Switch...

-Tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các phòng đo kiểm khác để nâng cao năng lực, hợp tác, nhằm chuyển giao công nghệ, đào tạo khi có sự thay đổi, nâng cấp hệ thống phần mềm đo kiểm.

-Các cán bộ thực hiện đo kiểm cần được đào tạo để nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên về IPv6, hệ điều hành Unix, Linux, FreeBSD, Fedora, OpenSolaris, Ubuntu, NetBSD, OPenBSD cũng như chuyên sâu về quản trị mạng.

Tài liệu tham khảo

[1].https://www.ipv6ready.org.
[2].http://www.mic.gov.vn.
[3].http://www.vnnic.vn

Trần Trọng

(TCTTTT Kỳ 1/12/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đo kiểm thử nghiệm IPv6 tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO