Đời sống xã hội

Trung tướng Doãn Thái Đức: Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội

P.V (ghi) 23/11/2023 10:16

Ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường và tìm kiếm cứu nạn luôn là vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia. Mùa mưa bão đang đến, vấn đề ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh càng trở nên cấp thiết.

PV đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu quanh công tác cứu hộ - cứu nạn hiện nay.

PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, ngày 10/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm và làm việc với Cục Cứu hộ - Cứu nạn. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Phòng, chống sự cố, thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước”. Nhận định của Chủ tịch nước đã nói lên tầm quan trọng của những người lính làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xin đồng chí Cục trưởng chia sẻ về điều này.

anhbai20.tkcn.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại Cục Cứu hộ - Cứu nạn.

Trung tướng Doãn Thái Đức: Đây là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân viên Cục Cứu hộ - Cứu nạn nói riêng và những người làm công tác cứu hộ - cứu nạn trên cả nước nói chung, thể hiện tầm quan trọng của công tác cứu hộ - cứu nạn hiện nay.

Như chúng ta đã biết công tác cứu hộ - cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh luôn có tầm quan trọng đặc biệt, đòi hỏi phải được thực hiện liên tục, xuyên suốt, từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới vùng sâu vùng xa, từ biên giới tới hải đảo. Đó chính là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của những người lính chúng tôi.

Cũng trong cuộc gặp mặt này, lãnh đạo, chỉ huy Cục Cứu hộ - Cứu nạn và toàn thể cán bộ, nhân viên Cơ quan nghiêm túc tiếp thu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả để công tác phòng thủ dân sự, phòng chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn làm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần tạo môi trường ổn định cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã đề ra.

Nói về cứu hộ - cứu nạn trong nước, để làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân thì lực lượng cứu hộ - cứu nạn luôn phải có sự đồng hành, phối hợp tham gia của tất cả các bộ, ban ngành, địa phương… Vậy công tác phối hợp, hiệp đồng về cứu hộ - cứu nạn giữa Cục với các bộ, ban ngành, địa phương hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Trong công tác cứu hộ - cứu nạn, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã xác định là khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh chúng ta cần thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Để thực hiện tốt được phương châm này thì công tác phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương luôn rất quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự - ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa.

Từ khi thành lập đến nay, Cục Cứu hộ - Cứu nạn không chỉ làm tốt việc giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà còn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra các khu vực, địa bàn thường xuyên có nguy cơ xảy ra sự cố, thiên tai, thảm họa, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho quân và dân ta. Cụ thể:

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; trình Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 1/3/2023 ban hàn Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về phòng thủ dân sự; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Luật Phòng thủ dân sự đã được Kì họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV biểu quyết thông qua ngày 20/6/2023 với 469/475 phiếu tán thành (tương đương 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội).

Thực hiện phối hợp với Bộ Công an xây dựng Kế hoạch ứng phó thảm họa, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và An toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tiến hành kết hợp với Bộ Y tế xây dựng Nghị định về việc giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp; Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đến năm 2030; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; Chiến lược ngành y tế, Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2030; Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2030. Kết hợp cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Phòng thủ dân sự các cấp, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa cho phù hợp với tình hình thực tiễn và biến đổi khí hậu hiện nay.

Việc Cục Cứu hộ - Cứu nạn giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương là như vậy, còn vấn đề hợp tác với các nước trên thế giới thì sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Việc tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác quốc tế qua các kênh song phương, đa phương về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và thế giới luôn diễn ra thường xuyên và liên tục, một số hoạt động hợp tác quốc tế như:

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác diễn đàn quốc tế, khu vực như: Diễn đàn khu vực Asean (ARF); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean (ADMM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean mở rộng (ADMM+) liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phối hợp với nhóm thường trực quân sự Asean trong ứng phó với thiên tai, thảm họa; Diễn tập chung Quân đội 03 nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng trong ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan xây dựng dự án thành lập Trung tâm Asean ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED); Xây dựng kho vật tư y tế Asean để ứng phó với các tình huống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức cứu trợ nhân đạo (CRS), Tổ chức hỗ trợ gia cư về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai (Habitat for Humanity).

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với các tổ chức Tìm kiếm cứu nạn quốc tế để chuyển giao, cung cấp, tiếp nhận thông tin báo nạn và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng thông báo bay, vùng biển thuộc trách nhiệm quản lí.

Bộ Công an đã đề nghị Italia hỗ trợ lực lượng công an về các biện pháp ứng phó y tế trong tình huống khẩn cấp và khủng hoảng…

dien-tap-ptds.jpg
Một buổi diễn tập phòng thủ dân sự về phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn tại Lạng Sơn. Ảnh minh họa.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã triển khai, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí Trung tướng?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Trước hết là việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, nhất là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị. Cùng với đó là những công việc: Tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà trọng tâm là triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự, Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương; kiện toàn lực lượng Phòng thủ dân sự chuyên trách và kiêm nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời nghiên cứu, nắm vững, dự báo tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của các cấp, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, thảm họa. Tổ chức ứng trực, sẵn sàng xử lí kịp thời, hiệu quả mọi tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa xảy ra. Tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng thủ dân sự nhằm nâng cao năng lực ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa..../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung tướng Doãn Thái Đức: Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO