TS. Nguyễn Thuỵ Anh: Chìa khoá của xây dựng văn hoá đọc gia đình là tôn trọng “quyền không đọc” của trẻ

Linh Anh| 01/12/2022 13:57
Theo dõi ICTVietnam trên

TS. Nguyễn Thụy Anh là người sáng lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con, đồng thời là người tổ chức mô hình trại hè EcoCamp góp phần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. Hơn mười năm nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện và hình thành một thói quen cả đời, Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, năm 2021 đã được Tạp chí Forbes bình chọn top 20 phụ nữ truyền cảm hứng.

Nỗ lực không ngừng lan toả tình yêu đọc sách

Sau 17 năm sinh sống và học tập tại Nga, TS. Thụy Anh trở về Việt Nam. Năm 2010, CLB Đọc sách cùng con ra đời. Slogan của CLB cũng đã thể hiện rõ sứ mệnh và mong muốn của người sáng lập: "Đọc sách cùng con - lớn lên cùng con". 

Buổi sinh hoạt đầu tiên, CLB đã nhận được sự đăng ký tham gia của 200 gia đình, một con số ngạc nhiên với cả người tổ chức. Kể từ đó, CLB Đọc sách cùng con đã trở thành "mái nhà chung" của các gia đình. Các buổi đọc sách diễn ra đều đặn hàng tuần, mặc dù lúc này CLB vẫn chưa có địa điểm cụ thể, các buổi sinh hoạt phải tổ chức linh hoạt tại các địa điểm khác nhau. Nhưng những khó khăn đó không ngăn được bước chân của nhà giáo dục Nguyễn Thụy Anh. 

Trong những buổi đọc sách đó, các cấp độ đọc sách được TS. Thụy Anh lên kế hoạch chương trình rất chi tiết. Từ đọc sách theo chủ đề, các buổi đọc sách lớn với sự tham gia của các khách mời, các nhà văn, nhà thơ,… vừa tạo động lực giúp các bạn nhỏ đến gần hơn với sách, vừa khơi gợi cảm xúc, khích thích trí tưởng tượng cho các bạn nhỏ mạnh dạn, tự tin sáng tạo theo cách của mình.

Năm 2014, CLB Đọc sách cùng con được Hội đồng Giám khảo Quốc tế lựa chọn là Mô hình hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ Giải thưởng mô hình hoạt động Hiệu quả lần thứ 10, giải thưởng Quốc tế Dubai.

TS. Thụy Anh đã thiết kế, nghiên cứu và thử nghiệm để xác lập được một quy trình vận hành các CLB , đưa chương trình vào tập huấn cho giáo viên, phụ huynh tại các trường, hướng dẫn viên các CLB ở hầu hết các huyện của một số tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quãng Ngãi, Thái Bình, Hà Giang,… Các dự án đã được TS. Thụy Anh triển khai có thể kể đến như: Tầm nhìn thế giới, Không gian đọc, Cơm có thịt, Tri thức và ước mơ, Sách cho em,…

Từ tháng 10/2014 - 10/2015, TS. Thụy Anh đã tập huấn cho 368 thầy cô giáo tại các huyện Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quảng Bạ, Yên Minh (tỉnh Hà Giang), đồng thời cộng tác và chia sẻ mô hình với nhiều cơ sở mầm non, trường tiểu học và trung học cở sở tại Hà Nội.

Một trong những hoạt động tiêu biểu khác mà TS. Thụy Anh đã triển khai thành công đó là các hoạt động đưa trẻ em trải nghiệm với các nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, kịch, … Đây là những hoạt động mà theo lời chị nhằm "nuôi dưỡng tình yêu với các loại hình nghệ thuật dân tộc giúp thế hệ trẻ Việt Nam xây dựng một phông nền văn hóa vững vàng để trở thành một công dân toàn cầu". Trại hè thiếu nhi EcoCamp - trại hè kỹ năng hướng nghiệp, đã trở thành một hoạt động được các em nhỏ mong đợi hàng năm.

TS. Nguyễn Thuỵ Anh: Chìa khoá của xây dựng văn hoá đọc gia đình là tôn trọng “quyền không đọc” của trẻ - Ảnh 1.

CLB Đọc sách cùng con có nhiều hoạt động lý thú dành cho lứa tuổi teen

TS. Thụy Anh còn được biết đến trong vai trò một nhà văn, nhà thơ, dịch giả. Bộ sách "Nhim nhỉm nhìm nhim - Vui cùng tiếng Việt - Mẹ hổ dịu dàng - Ngày xưa, ngày nay, ngày sau" đã trở thành một người bạn không thể thiếu của các em nhỏ muốn khám phá, làm quen với thế giới xung quanh mình, đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng cho bản thân, chân quý cảm xúc với những người thân yêu xung quanh mình. Những tác phẩm của chị là nơi lưu giữ những câu chuyện của con trẻ.

Ngoài các hoạt động trong nước, TS. Thụy Anh còn tham gia hoạt động dạy tiếng và giới thiệu văn hóa Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại Warszawa, Ba Lan và cộng đồng người Việt tại Stuttgart, Đức; hay tham gia chương trình Festival sáng tác văn học do Hội nhà văn Nga tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam xa tổ quốc có thể hiểu và yêu tiếng Việt hơn.

Năm 2022, bà cho ra mắt bộ sách "Chào tiếng Việt" được coi như cẩm nang dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát triển "hệ sinh thái đọc"

Khi được hỏi về việc bên cạnh mô hình CLB Đọc sách cùng con, nhiều năm qua, bà và cộng sự đã tổ chức những trại hè đặc biệt, TS. Nguyễn Thuỵ Anh cho biết:EcoCamp của chúng tôi là một trại hè thiếu nhi thường niên dành cho các bạn trẻ từ 6 - 15 tuổi mà ở đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đọc sách như một công cụ tự học, tự tìm tòi trong quá trình trải nghiệm cuộc sống. Không chỉ các trại viên, các anh chị phụ trách tuổi sinh viên cũng là những hạt nhân tham gia vào "hệ sinh thái" đọc ấy.

TS. Nguyễn Thụy Anh và các bạn trẻ tham dự EcoCamp

TS. Nguyễn Thụy Anh và các bạn trẻ tham dự EcoCamp

Theo TS. Nguyễn Thuỵ Anh, "hệ sinh thái đọc" - khái niệm này liên quan đến không gian đọc, hoạt động đọc, cộng đồng người đọc các lứa tuổi và ảnh hưởng tương hỗ của họ. Ở trại hè EcoCamp, chúng tôi đặc biệt dành nhiều công sức xây dựng góc thư viện và tổ chức những sự kiện sách thay đổi theo ngày. Những kỹ năng đọc, nghe, nói, viết đều được chú trọng qua các cuộc thi, tọa đàm, sân khấu hóa tác phẩm với những cái tên thú vị: Giọng đọc sởn gai ốc; Đọc thì được, không đọc thì thiệt...

Sách sẽ xuất hiện tự nhiên ở khắp nơi: Trong thư viện, trong phòng ở, phòng học, phòng ban chỉ huy... Nhưng sách không chỉ là đích đến. Sách còn là phương tiện đưa các bạn trẻ đến với cuộc sống, khuyến khích các bạn nhìn quanh, nghe, cảm nhận... để rồi lại quay lại với sách tìm lời đáp cho muôn vàn câu hỏi xuất hiện khi va chạm thực tế, tương tác với mọi người. Sẽ có những nhiệm vụ liên quan đến nội dung sách, hoặc những thử thách cần đọc sách mới có thể vượt qua.

Trong thời gian ngắn ngủi ở trại, chúng tôi vẫn kịp tổ chức hội nghị, hội thảo, tranh biện hoặc vài cuộc giao lưu với nhà văn, nghệ sĩ - những người tạo cảm hứng đọc và sống cho các bạn trẻ thông qua câu chuyện cuộc đời mình và những kỹ năng nghề nghiệp đặc trưng mà họ chia sẻ cùng bạn trẻ.

TS. Nguyễn Thụy Anh và hành trình khơi dậy niềm yêu thích đọc sách của trẻ

TS. Nguyễn Thụy Anh và hành trình khơi dậy niềm yêu thích đọc sách của trẻ

Theo TS. Nguyễn Thuỵ Anh các bậc phụ huynh có thể làm rất nhiều thứ để xây dựng văn hóa đọc (thói quen và kỹ năng đọc) trong gia đình. Cụ thể là: Thiết kế không gian đọc êm ái, thuận tiện, đủ sáng, giá sách thấp vừa phải để trẻ có thể tự lấy sách, ngắm sách, sắp xếp sách. Cùng đọc với trẻ để tạo cộng đồng đọc nhỏ trong gia đình. Đưa trẻ đi hiệu sách hằng tháng, hằng quý.

Bên cạnh đó, cha mẹ, ông bà có thể cùng nhắc đến các nhân vật trong cuốn sách mà trẻ mới đọc như thể họ là người quen, người thân. Rồi cùng làm đồ chơi theo chủ đề trong sách, cùng "chơi" với từng từ, câu, đoạn văn của tác giả: Thử mô tả từ bằng động tác cơ thể; tìm các phương án thay thế từ, câu... Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không ép buộc hay lôi cuốn trẻ đọc sách bằng những món quà, tiền. Luôn nói "mời" chứ không nói "phải làm!".

"Nói tóm lại, chìa khóa của việc xây dựng văn hóa đọc gia đình là tôn trọng "quyền không đọc" của  trẻ!"- bà Nguyễn Thuỵ Anh chia sẻ!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Thuỵ Anh: Chìa khoá của xây dựng văn hoá đọc gia đình là tôn trọng “quyền không đọc” của trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO