Truyền thông

Thời đại số, mạng xã hội và văn hoá đọc

Thảo Lâm 13/07/2025 11:00

Trong thời đại công nghệ số, khi mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người lo ngại rằng sự phát triển của các nền tảng trực tuyến sẽ dần “giết chết” thói quen đọc sách.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một chiều hướng tích cực: mạng xã hội không những không làm mai một văn hóa đọc, mà còn trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự lan tỏa của thói quen này, đặc biệt trong giới trẻ.

Tóm tắt:
- Mạng xã hội (MXH) như TikTok, Instagram, Facebook, YouTube và Goodreads tạo không gian để cộng đồng yêu sách kết nối, chia sẻ và giới thiệu sách.
- Các hội nhóm, trang cá nhân và kênh review sách trên MXH thu hút hàng triệu người theo dõi, làm tăng sức hút của văn hóa đọc.
- Những video ngắn, hình ảnh sống động và cảm xúc chân thành từ “bookstagrammer” hay “booktoker” khiến sách trở nên hấp dẫn, đặc biệt với giới trẻ.
- Ở Việt Nam, các cộng đồng như “Hội những người thích đọc sách” và booktoker trên TikTok góp phần lan tỏa niềm
đam mê đọc sách.
- Các chiến dịch như “Tháng đọc sách” hay livestream giới thiệu sách giúp MXH trở thành sân khấu quảng bá văn hóa đọc.
- Các trích dẫn hay video “viral” trên MXH có thể làm sách cũ nổi tiếng trở lại, như “Đi tìm lẽ sống” bùng nổ doanh số nhờ TikTok.
- Trào lưu như #BookTok, với hơn 200 tỷ lượt xem toàn cầu, biến đọc sách thành phong trào cộng đồng, khuyến khích chia sẻ cảm nhận.
- Các thử thách đọc sách, như “Thử thách đọc sách cùng Fahasa”, tạo không khí thi đua, truyền cảm hứng đọc trong
cộng đồng.
- MXH giúp nhà xuất bản, tác giả kết nối trực tiếp với độc giả, tổ chức livestream, tọa đàm online để đưa sách đến gần hơn.
- Các cây bút trẻ như Gào, Anh Khang sử dụng MXH để thử nghiệm sáng tác, xây dựng độc giả trung thành trước khi xuất bản.
- Tuy nhiên, MXH cũng có mặt trái như nội dung thương mại hóa, review thiếu chiều sâu, hay chạy theo lượt xem, đòi hỏi độc giả cần tỉnh táo và phản biện.

Không gian chia sẻ và lan tỏa niềm đam mê đọc sách

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube hay gần đây là Goodreads đã trở thành nơi để cộng đồng yêu sách kết nối, chia sẻ những cuốn sách yêu thích, viết cảm nhận, đánh giá và giới thiệu sách cho nhau. Những hội nhóm, trang cá nhân, kênh review sách xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi.

Ví dụ như một cuốn sách bình thường The Song of Achilles hay It Ends With Us trở nên “hot” đến mức cháy hàng, chỉ nhờ vài video ngắn đầy cảm xúc trên TikTok. Những phân tích sâu sắc, cảm nhận chân thành và các góc nhìn mới lạ từ cộng đồng mạng xã hội đã đưa sách đến gần hơn với mọi người, khiến văn hóa đọc trở thành xu hướng.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ nội dung, các “bookstagrammer”, “booktoker” hay “booktuber” đã khéo léo kết hợp hình ảnh, video ngắn, âm nhạc và cảm xúc cá nhân để biến việc giới thiệu sách trở nên sống động, hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhờ đó, việc tiếp cận sách trở nên nhẹ nhàng, thú vị và gần gũi hơn với nhiều đối tượng, đặc biệt là giới trẻ - nhóm vốn dễ bị cuốn hút bởi hình thức truyền thông sinh động.

Ở Việt Nam, mạng xã hội cũng không hề kém cạnh. Các cộng đồng đọc sách trên Facebook như “Hội những người thích đọc sách”, cùng những tài khoản booktuber và những video review sách trên TikTok đã làm sống động hơn không gian yêu sách tại đây. Người trẻ chia sẻ phương pháp học, các cuốn sách phát triển bản thân, tạo cảm hứng mạnh mẽ để sách trở thành công cụ khám phá tri thức. Hơn nữa, các chiến dịch lớn như

“Tháng đọc sách”, những buổi livestream giới thiệu sách của các nhà xuất bản đã khiến mạng xã hội thực sự trở thành một sân khấu lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người.

van-hoa-doc-1.png

Khơi dậy sự tò mò và truyền cảm hứng đọc sách

Một đoạn trích hay, một câu nói truyền cảm hứng, hay thậm chí là một video ngắn giới thiệu nội dung cuốn sách có thể tạo ra hiệu ứng “viral” mạnh mẽ, khiến cuốn sách trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi. Không ít tác phẩm cũ đã được “hồi sinh” nhờ cộng đồng mạng, trở thành hiện tượng bán chạy trở lại chỉ sau một vài chia sẻ mang tính lan truyền.

Ví dụ như cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” (Man’s Search for Meaning) - Viktor E. Frankl xuất bản lần đầu: năm 1946. Mặc dù đã tồn tại hơn 70 năm, nhưng cuốn sách này bắt đầu bùng nổ doanh số toàn cầu vào khoảng năm 2020-2022 nhờ các nội dung lan truyền mạnh mẽ trên TikTok (BookTok) và YouTube Shorts. Trên TikTok hàng loạt người dùng chia sẻ trích đoạn sâu sắc từ sách như: “Người nào có lý do để sống thì có thể chịu đựng bất kỳ điều gì”; hoặc những phản hồi cảm động về cách sách giúp họ vượt qua trầm cảm, mất mát, khủng hoảng cá nhân. Kết quả cuốn sách lọt vào top bán chạy của Amazon và New York Times Bestseller List nhiều tuần liên tiếp, dù trước đó doanh số chỉ ở mức trung bình.

Nhiều nhà sách và nhà xuất bản phải tái bản liên tục để đáp ứng nhu cầu. Tại Việt Nam, cuốn sách cũng được giới trẻ Việt đón nhận mạnh mẽ, nhất là sau đại dịch COVID-19, khi nhiều người đối diện với khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống. Các hội nhóm đọc sách trên Facebook, BookTok Việt, và các reviewer như “Tủ Sách Hạt Giống Tâm Hồn”, “Trạm Đọc” đều liên tục giới thiệu sách này.

Mạng xã hội còn tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực, nơi người dùng thấy được giá trị và “sức hút” của việc đọc. Trào lưu “đọc sách mỗi ngày”, thử thách “50 cuốn sách trong năm”, hay các chiến dịch “Book Challenge”... đã khiến việc đọc sách không còn là hoạt động cá nhân đơn lẻ mà trở thành hành động cộng đồng, được khuyến khích, cổ vũ và lan tỏa mạnh mẽ.

Hay như chiến dịch “#BookTok” trên TikTok - Phong trào đọc sách toàn cầu của giới trẻ. BookTok là một cộng đồng đọc sách được hình thành và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng TikTok, nơi các video ngắn chia sẻ sách yêu thích, cảm nhận cá nhân, trích đoạn truyền cảm hứng hoặc phản ứng xúc động khi đọc sách được lan truyền với tốc độ “viral”. “#BookTok” đã vượt mốc 200 tỷ lượt xem trên toàn cầu (tính đến 2024) và hàng triệu người tham gia đăng video về: sách yêu thích trong năm; cảm xúc sau khi đọc một chương sách đặc biệt; review sách theo thể loại (romance, fantasy, self-help...); thử thách như #10BooksYouMustRead, #MonthlyReadingWrapUp... Tại Việt Nam, các booktoker như @Tramdoc, @Phuongnambooks, @Hathuybooks... góp phần đưa nhiều đầu sách vào “hot trend”.

Các cuốn sách như “It Ends With Us” (Colleen Hoover), “The Seven Husbands of Evelyn Hugo” (Taylor Jenkins Reid), hay “Before The Coffee Gets Cold” đã trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ #BookTok. Nhiều hiệu sách và thư viện đã có góc “sách hot trên BookTok” để giới thiệu sách được cộng đồng mạng quan tâm. Một số nhà xuất bản thậm chí đã điều chỉnh chiến lược marketing để phối hợp với booktoker - biến họ thành kênh truyền thông chủ lực.

Những chiến dịch như: #ReadWithMe - cùng nhau đọc sách và chia sẻ cảm nhận hằng ngày; #ReadingChallenge2024 - thử thách đọc 12/24/50 cuốn sách trong năm; “1 tuần không mạng xã hội, chỉ đọc sách” - được lan truyền như một trào lưu detox tinh thần. Các phong trào này thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, biến việc đọc thành một lối sống tích cực và hiện đại.

Thông qua TikTok và cộng đồng BookTok, hành vi đọc sách đã được cộng đồng hóa, mang tính phong trào, cổ vũ lẫn nhau, và tạo ra ảnh hưởng xã hội lớn. Đây là một minh chứng điển hình cho việc mạng xã hội có thể trở thành “bệ phóng” cho văn hóa đọc trong thời đại số.

Tại Việt Nam, chương trình “Thử thách đọc sách cùng Fahasa” - đây là một chương trình do Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) phát động, thường tổ chức vào dịp hè hoặc tháng 4 (tháng sách và bản quyền), nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia thử thách đọc sách theo từng chủ đề trong khoảng thời gian nhất định.

Người tham gia đăng ký online, chọn một hoặc nhiều chủ đề thử thách như: Đọc 5 cuốn sách phát triển bản thân, Đọc 3 tác phẩm văn học Việt Nam, Đọc sách cùng con trong 14 ngày liên tiếp… Người tham gia đăng bài cảm nhận, hình ảnh sách, hoặc trích dẫn yêu thích lên mạng xã hội (Facebook/Instagram) kèm hashtag: #thuthachdocsachcungFahasa. Kết quả, hàng nghìn người tham gia, bao gồm cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và người nổi tiếng yêu sách. Tạo không khí thi đua tích cực trong đọc sách - mỗi người đọc không chỉ cho bản thân mà còn truyền cảm hứng cho người khác. Một số nhà trường và thư viện địa phương còn lồng ghép thử thách này vào phong trào đọc của học sinh.

van-hoa-doc-2.png

Hay như Chương trình “Sách hay dành cho học sinh” - đây là một chương trình thường niên được tổ chức bởi các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thư viện tỉnh hoặc các nhà xuất bản lớn như Kim Đồng, Giáo dục, Nhã Nam. Mục tiêu là xây dựng thói quen đọc sách trong nhà trường và khuyến khích học sinh tiếp cận sách ngoài SGK. Với các hoạt động nổi bật như: Tổ chức cuộc thi “Giới thiệu sách em yêu” - học sinh quay video hoặc viết bài cảm nhận về cuốn sách mình tâm đắc; Thư viện tổ chức Tuần lễ đọc sách: trưng bày các tựa sách hay, tổ chức giờ đọc chung và hướng dẫn cách chọn sách phù hợp độ tuổi; Một số địa phương tổ chức “Ngày hội đọc sách” cấp trường/huyện với sự tham gia của phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Chương trình đã góp phần xây dựng cộng đồng đọc trong trường học, biến đọc sách thành hoạt động tập thể thay vì cá nhân. Khuyến khích học sinh thể hiện chính kiến, cảm xúc và năng lực thuyết trình thông qua việc chia sẻ về sách.

Như vậy có thể thấy rằng thấy rằng đọc sách không còn là hành vi cá nhân khép kín, mà đã trở thành một hoạt động xã hội, có tính cộng đồng, với sự tham gia và cổ vũ của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng mạng. Điều đó càng minh chứng thêm Mạng xã hội và tổ chức xã hội, khi phối hợp hiệu quả, có thể tạo ra làn sóng thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc hiện đại.

Đưa sách đến gần hơn với độc giả

Nhờ mạng xã hội, các nhà xuất bản, tác giả, và đơn vị phát hành có thể kết nối trực tiếp với người đọc, nắm bắt được nhu cầu, xu hướng và phản hồi một cách nhanh chóng. Những buổi livestream giao lưu tác giả, tọa đàm sách online, hay chương trình tặng sách miễn phí qua mạng đều là những hình thức mới, linh hoạt và hiệu quả để đưa sách đến với công chúng.

Không chỉ vậy, mạng xã hội (MXH) còn góp phần giúp các tác phẩm văn học mới, các cây bút trẻ có cơ hội tiếp cận độc giả dễ dàng hơn. Những câu chuyện sáng tác trên nền tảng Wattpad, Facebook hay các blog cá nhân, nếu được cộng đồng đón nhận, có thể trở thành sách in và được phát hành rộng rãi.

Không cần xuất thân từ giới chuyên môn, một cây bút trẻ hoàn toàn có thể khởi đầu bằng chính MXH, nơi họ vừa thử nghiệm phong cách, vừa xây dựng cộng đồng độc giả trung thành. Cộng đồng mạng đóng vai trò như một “ban biên tập xã hội”, góp ý, ủng hộ, chia sẻ - từ đó giúp người viết hoàn thiện tác phẩm trước khi chính thức xuất bản. Có thể kể đến các tác giả như Anh Khang (khởi đầu viết từ Facebook, với các tác phẩm đã xuất bản: Ngày trôi về phía cũ, Thương nhau để đó); Iris Cao (khởi đầu viết từ Facebook, blog. Tác phẩm: Ai rồi cũng khác, Mình sinh ra đâu phải để buồn); Hamlet Trương (YouTube, Facebook.

Tác phẩm: Thương nhau để đó (viết chung với Iris Cao), Yêu đi đừng sợ). Một tác giả nữ vô cùng ấn tượng với bút danh Gào, tên thật là Vũ Phương Thanh. Cô là một blogger nổi tiếng với hàng triệu lượt xem. Gào là cái tên dẫn đầu trong danh sách những tác giả trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Bắt đầu sự nghiệp làm viết từ những truyện ngắn trên các mạng xã hội như Yahoo và 360 Blog, Gào nhanh chóng chứng minh tài năng của mình. Cô đã trở thành CEO từ khi mới 21 tuổi và từng quản lý nhóm nhạc 365 của VAA. Đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm như: Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật ký son môi, Tự sát, Hoa linh lan, Anh sẽ yêu em mãi chứ, và gần đây nhất là Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - một tác phẩm hợp tác với Minh Nhật.

Trong những tác phẩm của Gào, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những câu chuyện gần gũi với cuộc sống hàng ngày, về tình bạn, tình yêu, và những vấn đề của giới trẻ hiện đại. Năm 2015, cô nhận giải Tác giả được yêu thích nhất tại Tiki Book Awards.

Như vậy có thể thấy rằng mạng xã hội ngày nay không chỉ là nơi tiêu thụ văn học, mà còn là vườn ươm cho các cây bút trẻ, cho phép họ xuất bản, thử nghiệm, giao lưu và tiếp cận hàng vạn độc giả mà không cần thông qua hệ thống xuất bản truyền thống ban đầu.

Cần một văn hóa đọc tỉnh táo trong thời đại số

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một kênh lan tỏa mạnh mẽ cho văn hóa đọc. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc đọc sách trên mạng xã hội cũng đang bộc lộ không ít mặt trái đáng lo ngại.

Nội dung dễ bị thương mại hóa, dẫn đến đọc “lướt” hoặc đọc vì hình thức. Khi việc đọc sách trở thành “nội dung” để chia sẻ trên mạng, không ít cá nhân và tổ chức đã biến nó thành công cụ tiếp thị hơn là hoạt động tri thức thuần túy. Sách được chọn vì bìa đẹp, dễ “bắt trend”, ngắn gọn, dễ trích dẫn - hơn là vì giá trị học thuật hay chiều sâu nội dung. Những đoạn review ngắn vài chục giây trên TikTok hay Instagram thường chỉ tập trung vào những trích dẫn “viral”, dễ gây xúc động, thay vì bối cảnh đầy đủ của tác phẩm. Người xem, đặc biệt là giới trẻ, vì muốn “bắt kịp trào lưu”, có xu hướng đọc nhanh, đọc lướt, hoặc đọc chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng - đánh mất ý nghĩa thực sự của việc đọc để suy ngẫm.

Chất lượng đánh giá sách không đồng đều, có thể gây hiểu sai tác phẩm. Không ít người tạo nội dung về sách trên mạng xã hội chưa có nền tảng chuyên môn về văn học, phê bình hay giáo dục. Điều này dẫn đến những đánh giá thiếu chiều sâu, đôi khi hiểu sai thông điệp tác phẩm, thậm chí là xuyên tạc nội dung vì mục đích câu view.

Ví dụ, nhiều cuốn sách như “Nhà giả kim”, “Đi tìm lẽ sống” hay “Hoàng tử bé” bị rút gọn thành những “bài học thành công”, làm mất đi tầng ý nghĩa triết lý hoặc ngụ ngôn sâu sắc của tác phẩm. Việc thiếu kiểm duyệt và không có chuẩn mực đánh giá khiến người đọc mới rất dễ bị định hướng sai, chọn sách theo phong trào mà không hiểu bản chất.

Lệ thuộc vào lượt xem/like - khi người làm nội dung chạy theo thị hiếu. Thuật toán của các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook thường ưu tiên nội dung ngắn, cảm xúc mạnh, dễ lan truyền. Điều này khiến nhiều người làm nội dung về sách buộc phải “giật gân hóa” việc đọc để thu hút lượt xem: review sách bị “drama hóa”: phóng đại chi tiết, gán mác sai lệch như “cuốn sách khiến tôi bật khóc suốt 3 ngày”; bỏ qua sách khó, sách hàn lâm, sách chuyên sâu - vì lo ngại “không ai xem”; hình thành một hệ sinh thái “đọc theo tương tác”, làm xói mòn thói quen đọc sâu và tư duy phản biện.

Việc mạng xã hội thúc đẩy đọc sách là điều đáng mừng, nhưng đi cùng đó, độc giả cũng cần biết lựa chọn thông tin, giữ tinh thần phản biện, và tránh rơi vào lối đọc vì hình thức. Đồng thời, người làm nội dung cũng cần đặt giá trị học thuật và chân thực lên hàng đầu, không vì lượt thích mà hy sinh chiều sâu tri thức.

Mạng xã hội không chỉ là nền tảng giao tiếp mà đang trở thành một không gian học tập và phát triển văn hóa mới. Nếu được định hướng đúng, đây sẽ là một động lực tích cực góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển bền vững văn hóa đọc. Để làm được điều đó, một số chuyên gia cho rằng cần: thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà xuất bản, tác giả và người làm nội dung số; tích hợp các chương trình giáo dục truyền thông và kỹ năng đọc hiểu vào nhà trường; xây dựng môi trường đọc lành mạnh, có chọn lọc, và đa dạng trên MXH.

Mạng xã hội không còn là “kẻ thù” của văn hóa đọc như nhiều người từng lo ngại. Trái lại, nếu được sử dụng đúng cách, mạng xã hội chính là một công cụ đắc lực để truyền cảm hứng, kết nối cộng đồng và lan tỏa tình yêu với sách. Trong bối cảnh công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sách và mạng xã hội, hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới đầy triển vọng cho văn hóa đọc trong thời đại số.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2025)

Bài liên quan
  • Văn hoá đọc trong giới trẻ hiện nay - Đang đi lên hay xuống dốc?
    Trong một thế giới chuyển động không ngừng với sự bùng nổ của công nghệ số, cách thức tiếp cận tri thức của giới trẻ đã thay đổi mạnh mẽ. Những câu hỏi đặt ra là: Liệu văn hóa đọc trong giới trẻ đang hồi sinh mạnh mẽ, hay dần lụi tàn trước những cám dỗ của mạng xã hội và công nghệ giải trí? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thực trạng và xu hướng của văn hóa đọc hiện nay.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thời đại số, mạng xã hội và văn hoá đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO