Sau hơn một tháng kể từ khi Covid-19 ập đến và tàn phá miền Bắc nước Ý, các bệnh viện nơi đây bước vào cuộc chiến không ngừng nghỉ với kẻ thù vô hình. Hàng nghìn bệnh nhân tuyệt vọng, chen chúc trong những phòng cấp cứu chật chội với tiếng ho khan, thở dốc và cái chết luôn cận kề. Cuộc chiến này không có khói súng hay đạn bom, nhưng ranh giới sinh tử chưa bao giờ mong manh đến thế!
Kể từ giữa tháng 3, khi miền Bắc nước Ý trở thành trung tâm của đại dịch chết chóc toàn cầu Covid-19, hàng chục nghìn người Ý nhiễm bệnh và hàng trăm người chết mỗi ngày. Có thể nói chỉ trong một tháng, Covid-19 đã phá huỷ đất nước yên bình với dân số già nhất châu Âu. Tại vùng Lombardy – nơi ổ dịch Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Ý – hệ thống y tế vẫn được xem là tiên tiến và hiện đại - bỗng trở thành một tiền tuyến tuyệt vọng, già nua và chết chóc.
Các bệnh viện lập tức mở rộng khu chăm sóc đặc biệt, toàn bộ phòng bệnh đều bổ sung máy thở và các hành lang bệnh viện chật kín bình ôxy và giường bệnh. Đội ngũ bác sỹ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên trở thành những chiến sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh và có nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào. Thi thoảng khi được trở về nhà nghỉ ngơi, họ phải tự cách ly gia đình, ngồi trước bàn công hoặc ngủ gục trên bàn làm việc với gương mặt đầy vết bầm tím do khẩu trang và đồ bảo hộ.
Những bức ảnh dưới đây được nhiếp ảnh gia người Ý Andrea Frazzetta - hiện đang tự cách ly cùng vợ và cậu con trai 4 tuổi trong một căn hộ tại Milan – đã ghi lại quá trình chiến đấu với Covid-19 của các bác sỹ Ý.
"Mới hai tháng trước, tôi còn đang đi dạy tại một trường tiểu học, hàng ngày đi chơi với bạn bè để giải toả căng thẳng sau giờ làm việc. Giờ đây, tôi ở trong trận chiến chưa có hồi kết. Tôi không dám tới nhà người khác chơi vì sợ lây bệnh cho họ. Mọi người từng quen với khuôn mặt của tôi trước đây, nhưng bây giờ họ nhìn tôi qua lớp đồ bảo hộ kín mít. Nhiều lúc tôi thấy mình như người ngoài hành tinh vậy" – Laura Righetti, 30 tuổi, tình nguyện viên tại Trung tâm y tế Blue Cross, Brescia.
"Các phương tiện giao thông trên đường phố chỉ giảm 1-2% so với trước đây. Nhưng chủ yếu là xe cấp cứu và tiếng còi báo động 24/7. Mỗi lần đón một bệnh nhân lên xe cấp cứu, sau khi ổn định và đưa họ vào cáng nằm, việc tiếp theo chúng tôi làm là khuyên gia đình hãy nói với họ những lời tạm biệt tốt đẹp nhất có thể bởi không ai biết họ có thể gặp lại người thân hay không", Antonella Mangili (46 tuổi), y tá tại Trung tâm cấp cứu AAT 118, thuộc Bergamo.
"Tôi phụ trách tiếp đón bệnh nhân trong một chiếc lều dã chiến ở trước cửa bệnh viện. Tất cả mọi người tới đó đều không dám trò chuyện nhiều vì họ sợ lây nhiễm bệnh. Lẽ ra tôi phải động viên bệnh nhân bằng câu nói: ‘Đừng lo lắng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi’. Nhưng với các bệnh nhân Covid-19, tôi không thể nói điều đó. Tôi chỉ có thể trấn an họ ‘Bây giờ bạn sẽ được chăm sóc an toàn hơn’", Cristian Roversi (43 tuổi), tình nguyện viên thuộc Trung tâm y tế Brescia.
"Các bệnh nhân Covid-19 luôn có ít nhiều điểm tương đồng. Bất kỳ sự mơ hồ nào cũng phải được làm sáng tỏ bằng cách lắng nghe phổi. Khi bạn nghe thấy tiếng ma sát trong lồng ngực bệnh nhân giống như 2 mảnh giấy rời rạc đang va đập với nhau. Và sau đó, bệnh nhân sẽ thở giống như những chú chó. Bạn biết những chú chó thở như thế nào rồi đấy: chúng thở nhanh và mạnh hơn con người rất nhiều lần", Marco Andreis (44 tuổi), chuyên gia Y tế thuộc Bệnh viện không quân Ý tại Bergamo.
"Virus có thể hiện hữu ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khoảng khắc nào khi bạn chạm vào ánh mắt của những người đối diện. Covid-19 sẽ để lại những tổn thương sâu sắc, đó là tổn thương trong tâm hồn", Giuditta Lucà (43 tuổi), bác sĩ pháp y thuộc Hải quân Ý làm việc tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII, Bergamo.
Thứ Năm ngày 19/3, nhiếp ảnh gia Frazzetta tới bệnh viện Spedali Civili di Brescia với khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ kín người. Trên đầu anh là tiếng trực thăng chở bệnh nhân quay cuồng và ngay trước mặt anh là một chiếc xe ô tô vừa đỗ ngay tại lều dã chiến. Người phụ nữ trẻ với chiếc khẩu trang mỏng lao ra khỏi vô lăng, mở cửa sau và đỡ người đàn ông to lớn, già nua ra khỏi xe. Loạng choạng vài bước, người đàn ông ngã nhào ra đất, các nhân viên y tế xung quanh vội chạy đến hỗ trợ, nhưng đã quá muộn, người đàn ông được kết luận qua đời. Đó là ông bố tội nghiệp bị nhiễm Covid-19 của 1 cô gái trẻ!
Khi sự hỗn loạn bao trùm lên tất cả, Monica Falocchi (48 tuổi) rảo bước qua các phòng bệnh nơi cô làm y tá trưởng, một bầu không khí im lặng đến đáng sợ bao quanh bởi tiếng "bíp, bíp" của máy thở với những bệnh nhân phải đặt nội khí quản. Cô bước tiếp sang căn phòng bên cạnh, gặp Frazzetta, cởi bỏ chiếc khẩu trang to và cứng với vết thương hằn trên mũi, má và miệng khô cả ngày vì không được uống nước. Cô nói "Tôi vừa mới bước ra từ một bãi chiến trường"!
Ngày hôm sau, Frazzetta tiếp tục đến bệnh viện Luigi ở Sacco. Không giống như các bệnh viện hiện đại ở Bergamo, cơ sở vật chất của bệnh viện Sacco khá tồi tàn và trải dài trên một nền đất trống xung quanh công viên nhỏ. Roberto Rech – một trong những bác sĩ chính của bệnh viện, trực tiếp lái xe cứu thương tới một thị trấn nhỏ trong đêm đầu tiên dịch bệnh bùng phát tại đây. Ông đã trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân số 1 – người được cho là đã lây lan cho rất nhiều bệnh nhân khác trong vùng. Kể từ đó đến nay, Rech vẫn làm việc ngày đêm để chống lại kẻ thù vô hình mang tên Covid-19.
Trong lúc đang nói chuyện với bác sĩ Rech, điện thoại của Frazzetta reo liên tục. Đó là mẹ anh. Ngay từ đầu tháng 3, khi dịch mới bùng phát ở một vài thị trấn, Frazzetta đã gọi điện khuyên cha mẹ anh nên tự cách ly ở nhà. Nhưng giống như những người dân ở Milan, họ xem đó là "việc bình thường" và chỉ thực sự thực hiện cách ly sau khi Chính quyền Rome ban bố tình trạng khẩn cấp và phong toả toàn bộ nước Ý.
Cuối cùng điều không mong muốn cũng đến. Mẹ của Frazzetta bị nhiễm Covid-19 và tự điều trị tại nhà, cách ly với cách thành viên khác trong gia đình. Đêm đó, bà lên cơn sốt cao. Bà đã gọi điện cho đường dây y tế ở địa phương và được hướng dẫn uống thuốc hạ sốt. Bà làm theo và quả thật cơn sốt đã giảm.
Sáng hôm sau, Frazzetta chỉnh sửa những hình ảnh đã ghi chép lại và đi mua một vài món đồ cho bố mẹ. Anh tới tiệm bánh mua chút bánh mì tươi, đến siêu thị mua sữa và thuốc khử trùng, sau đó mua thêm thực phẩm đông lạnh và thuốc.
Frazzetta đặt những túi thực phẩm trước cửa nhà bố mẹ, sau đó đứng ra xa và gọi điện cho mẹ qua lớp khẩu trang và cửa sổ. Anh hôn bà qua cửa sổ và sau đó họ quyết định đứng gần hơn một chút để có thể thấy rõ mặt nhau. Anh hỏi mẹ rằng liệu mình có thể chụp ảnh của bà không; và bà đã đồng ý!
Đến tối chủ nhật, bà lên cơn sốt cao hơn 40 độ và khi chồng bà chạy từ phòng bên cạnh sang, bà đang nằm trên sàn nhà, vật lộn với từng hơi thở. 5 giờ sáng hôm sau, xe cứu thương tới đưa bà vào bệnh viện. Ngay sau đó, cha của Frazzetta cũng được đưa tới bệnh viện Milan trên một chiếc xe cứu thương khác. Ông cũng được kết luận dương tính với Covid-19!
Trong ba ngày tiếp theo, mẹ Frazzetta nằm trong phòng cấp cứu với ống thở oxy. Tới ngày thứ Tư, bác sỹ cầm theo một chiếc điện thoại với miếng nhựa trong suốt để bà có thể nói chuyện với em gái, chồng và con trai mình. Giữa những tiếng thở đều đặn từ ống oxy, Frazzetta vẫn nghe thấy giọng mẹ anh, nhưng có gì đó xa xăm và mơ hồ.
"Con đừng lo lắng quá, mẹ vẫn ổn", bà trấn an con trai.
Tuy nhiên, tình trạng của bà ngày càng xấu đi. Tới ngày thứ Năm, các bác sĩ thăm khám và quyết định việc đặt nội khí quản cho bà vào lúc này hoàn toàn vô nghĩa. Bà Anna Maria Mentuni – mẹ của nhiếp ảnh gia Frazzetta – đã qua đời ở tuổi 69 ngay tại phòng cấp cứu bệnh viện Milan.
"Không từ nào có thể diễn tả được những gì đang diễn ra ở nước Ý. Đó là một sự tàn phá ghê gớm", Anna Zanotti (58 tuổi) – Y tá trưởng tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII, Bergamo.
"Điều ám ảnh nhất là khi bạn nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của bệnh nhân mỗi ngày, đa số là những người trẻ. Họ đặt toàn bộ hi vọng vào chúng tôi. Thậm chí, nhiều người trong số họ không dám ngủ vào ban đêm bởi họ sợ sẽ không bao giờ tỉnh dậy được nữa", Paola Speri (52 tuổi), Y tá trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Luigi Sacco.
"Chúng tôi đã tham gia cuộc chiến cùng các bác sĩ và nhân viên y tế từ những ngày đầu. Luôn đảm bảo khuôn viên và từng ngóc ngách của bệnh viện sạch sẽ và loại bỏ vi khuẩn là nhiệm vụ của chúng tôi", Marco Scalvini (25 tuổi) – quản lý dịch vụ vệ sinh tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII, Bergamo.
"Quy trình chăm sóc đặc biệt với bệnh nhân phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ tiến triển của bệnh và phần trăm hi vọng sống. Trong điều kiện bình thường, chúng tôi cố gắng hết sức để cứu tất cả các bệnh nhân. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đó là điều không thể", Gabriele Tomasoni (65 tuổi) – bác sĩ trưởng khoa chăm sóc chuyên sâu thuộc bệnh viện Spedali Civili di Brescia.
Khi Covid-19 lan truyền khắp miền Bắc nước Ý, nó đã gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng với hàng ngàn người chết mà quan tài chất đống trong các nhà thờ và phải dùng xe quân đội để vận chuyển xác bệnh nhân tới các vùng lân cận để hoả táng nhằm giảm tải gánh nặng. Tới cuối tháng 3, tốc độ lây nhiễm số ca bệnh mới ở Ý tạm chững lại đủ để các quan chức lạc quan nói về cái giá phải trả cho việc đóng cửa đất nước. Silvio Brusaferro – người đứng đầu viện sức khoẻ quốc gia Ý – nhận định "đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải là cuộc chiến đã kết thúc".
Việc tổ chức tang lễ bị cấm trên khắp nước Ý ở thời điểm hiện tại. Nhiếp ảnh gia Frazzetta vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà. Anh kêu gọi bạn bè xung quanh giúp đỡ tìm xác mẹ mình trong bệnh viện bởi chồng và con trai bà đều đang bị cách ly. Cha anh (73 tuổi) có tiến triển tốt hơn, tuy nhiên sau khi biết vợ mình qua đời, ông phải dùng tới thuốc an thần để có thể ngủ được.
"Phải nhìn thấy hàng dài xe cứu thương xếp đầy lối vào và không biết phải đặt bệnh nhân nằm ở đâu thật là một trải nghiệm đau đớn. Tất cả những ký ức này sẽ để lại dấu ấn mà tôi không bao giờ quên được", Marco Rizzi (63 tuổi) – Giám đốc Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Papa Giovanni XXIII, Bergamo.
"Bây giờ đang là mùa xuân trên nước Ý, muôn hoa khoe sắc và đua nở. Buổi tối sau mỗi ca làm, tôi thường đi dạo trong khuôn viên bệnh viện và ngửi mùi hoa. Khi đó, tôi tự nhủ: ‘Liệu tôi có nên nghỉ hưu để về sum vầy với con cháu hay không? Và những ngày mùa xuân như thế này tôi muốn ở đâu?’ Và câu trả lời lại vang lên trong đầu tôi: ‘Tôi muốn ở đây, cùng các đồng nghiệp chiến đấu và bảo vệ những bệnh nhân này. Tôi muốn tất cả họ được về sum vầy bên gia đình", Roberta Terzi (66 tuổi) – Bác sĩ Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Luigi Sacco, Milan.